06:01, 25/01/2012

Cam Ranh, góc nhìn xưa và nay

Theo các nhà sử học, Cam Ranh được xem như cái nôi của người sơ sử, là buổi bình minh hình thành nên các tộc người trên vùng đất Nam Trung bộ với các giá trị văn hóa còn lưu giữ đến ngày nay như: Xóm Cồn, Hòa Diêm, Bình Ba, Bình Hưng…

Theo các nhà sử học, Cam Ranh được xem như cái nôi của người sơ sử, là buổi bình minh hình thành nên các tộc người trên vùng đất Nam Trung bộ với các giá trị văn hóa còn lưu giữ đến ngày nay như: Xóm Cồn, Hòa Diêm, Bình Ba, Bình Hưng… Bên cạnh những giá trị lịch sử, TP. Cam Ranh còn có vị trí đắc địa với lợi thế có một không hai cả về kinh tế lẫn an ninh - quốc phòng. Từ bệ phóng ấy, Cam Ranh đã và đang nắm bắt cơ hội để tạo cho mình một diện mạo và tầm vóc mới.

.  Cái nôi của người sơ sử…

Từ thế kỷ XVII, trong các bản đồ cổ như Thiên Nam thứ chí lộ đồ thư… địa danh Cam Ranh còn được ghi bằng tên khác là Cam Linh. Có nhiều truyền thuyết và cách lý giải về nguồn gốc những tên gọi, nhưng dựa vào thực tế, điều kiện phong thổ và địa hình của vùng đất này, bao thế hệ người Cam Ranh vẫn tin rằng cái tên Cam Linh có nghĩa là vùng nước linh thiêng, ngọt lành. Bởi ngay trên các đồi cát, thậm chí ở ven biển, người ta dễ dàng tìm thấy những dòng nước ngọt, những mạch ngầm ngày đêm tuôn chảy. Có lẽ cũng vì nguồn nước ngọt dồi dào mà từ xa xưa, vùng đất này đã là nơi sinh sống của những cụm dân cư khá tập trung. Năm 1979, di chỉ Xóm Cồn trên địa bàn phường Cam Linh được phát hiện. Hiện vật được khai quật vào năm 1980, 1992 cùng với những gì tìm thấy từ các di chỉ như Bình Ba, Bình Hưng (xã Cam Bình) chứng minh đây là nơi mà hàng ngàn năm trước, vào thời sơ kỳ kim khí đã có người sinh sống (niên đại 4.140 năm, trên dưới 80 năm). Nền văn hóa thời tiền sơ sử được định danh là văn hóa Xóm Cồn. Cách di chỉ Xóm Cồn khoảng 5km về phía Nam, năm 1998, di chỉ Hòa Diêm thuộc xã Cam Thịnh Đông được khai quật. Tại đây, các nhà khảo cổ đã tìm thấy rất nhiều hiện vật quý. Những đặc điểm của các di vật tại Hòa Diêm cho thấy, đây là di chỉ cư trú dạng mộ táng, phản ánh sự tiếp nối văn hóa với một số truyền thống từ văn hóa Xóm Cồn đến văn hóa Sa Huỳnh sau này ở Khánh Hòa. Với những phát hiện khảo cổ rất có giá trị, Cam Ranh được xem như cái nôi của người sơ sử, là buổi bình minh hình thành nên các tộc người trên vùng đất Nam Trung bộ.

Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh, điểm nhấn quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của TP. Cam Ranh.
Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh, điểm nhấn quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của TP. Cam Ranh.

Theo quan niệm của người xưa, Cam Ranh là mảnh đất tứ linh, quy tụ đủ cả long, lân, quy, phụng; được bao bọc bởi những dãy núi như: Hòn Rồng, Hòn Lân, Hòn Quy, dãy Hòn Ngưu chạy vào Mũi Điện với hòn Phượng Hoàng vươn ra sát biển. Cam Ranh được đánh giá là một trong 3 vịnh biển tự nhiên tốt nhất thế giới, với diện tích 185km2, độ sâu trung bình khoảng 20m, hội tụ đủ điều kiện là một cảng nước sâu và kín gió, đảm bảo cho những hạm đội hải quân lớn nhất thế giới trú đóng. Trước đây, khi được vua Quang Trung giao trọng trách trấn giữ thành Diên Khánh, danh tướng Trần Quang Diệu đã nhận thấy vịnh Cam Ranh có một vị trí và tầm quan trọng trong việc trấn giữ đường thủy ở hướng Nam. Ông đã lưu lại cho hậu thế bài thơ mang đậm dấu ấn và tầm nhìn của một nhà quân sự tài ba, thao lược: Diên Khánh sông núi đẹp/Cam Ranh thế biển sâu/Thái bình nên gắng sức/Giữ nước thề cùng nhau. Do địa thế trọng yếu ở một phương nên Cam Ranh là nơi ai cũng muốn chiếm giữ. Trên địa danh này từng xảy ra nhiều trận kịch chiến giữa quân Tây Sơn và Chúa Nguyễn. Trong thời gian đất nước bị bọn thực dân, đế quốc xâm lược, Cam Ranh là đích ngắm của những đội quân viễn chinh.

Những năm đầu thế kỷ XX, Cam Ranh được một công ty của Hầu tước Barthelemy (người Pháp) khai phá mở mang. Sau đó, thấy được tầm quan trọng của cảng biển Cam Ranh, giới chức quân sự Pháp đã chuộc lại nơi này để phục vụ mục đích quân sự. Đặc biệt, thời kỳ Mỹ - Ngụy, vịnh Cam Ranh trở thành một quân cảng khổng lồ, tổ hợp quân sự hùng hậu gấp bội lần so với thời người Pháp chiếm đóng. Mỹ đã tập trung một lượng lớn tàu chiến, máy bay, vũ khí, khí tài quân sự hiện đại tại Cam Ranh và tin rằng, tiền đồn này là nơi chống trả hiệu quả, đạp bằng mọi cuộc tấn công vào căn cứ được mệnh danh là pháo đài bất khả xâm phạm. Tuy nhiên, trong cuộc chiến chống đế quốc Mỹ, căn cứ này đã bị các chiến sĩ của Tiểu đoàn Đặc công 407 nhiều phen đánh phá, đốt cháy hàng triệu lít xăng, phá hủy hàng ngàn tấn bom đạn, đốt cháy và đánh chìm nhiều máy bay, tàu chiến khiến địch phải kinh hồn, bạt vía.

 … Bệ phóng hôm nay

Công nghiệp đóng tàu, ngành kinh tế mũi nhọn của TP. Cam Ranh.
Công nghiệp đóng tàu, ngành kinh tế mũi nhọn của TP. Cam Ranh.

Nhờ thiên nhiên ưu đãi, vùng đất Cam Ranh đã đi vào kho tàng văn học dân gian với những đặc sản trứ danh của quê hương Khánh Hòa: Yến sào Hòn Nội/Vịt lội Ninh Hòa/Tôm hùm Bình Ba/Nai khô Diên Khánh/Cá tràu Võ Cạnh/Sò huyết Thủy Triều. Trong số 6 món đặc sản của xứ Trầm Hương thì Cam Ranh đã chiếm tới một nửa. Cam Ranh không chỉ có biển xanh, cát trắng, vùng đất này còn nổi lên với ngút ngàn màu xanh của cây trái, với nhiều mô hình làm kinh tế vườn, trang trại, xây dựng nông thôn mới của Khánh Hòa những năm gần đây. Ngoài những sản phẩm truyền thống đã gắn liền với địa danh Cam Ranh như: tôm hùm, sò huyết, xoài…, nhiều loại cây trồng, vật nuôi mới đã được người dân nơi đây nhanh chóng đưa vào sản xuất, góp phần không nhỏ trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, đặc biệt là khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo.

Nói đến Cam Ranh là nói đến một cảng biển lừng danh được sánh với các thương cảng nổi tiếng thế giới như San Francisco (Hoa Kỳ), Rio De Janeiro (Brazil), Sydney (Úc). Ngày nay, ưu thế này đang được đẩy mạnh khai thác tối đa để Cam Ranh tiến ra biển lớn. Những năm qua, Cảng Cam Ranh luôn đóng vai trò quan trọng trong việc giao thương hàng hóa bằng đường biển giữa các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên, trung bình mức tăng trưởng hàng năm đạt trên 12%. Đến năm 2015, cảng phấn đấu tiếp nhận tàu trọng tải trên 50.000 DWT, lượng hàng hóa qua cảng đạt 3,5 - 4 triệu tấn/năm. Ngoài ra, công nghiệp đóng tàu đang là mũi nhọn kinh tế của Cam Ranh. Trong tương lai, sau khi được đầu tư mở rộng, Nhà máy Đóng tàu Cam Ranh sẽ có năng lực đóng những con tàu siêu trường, siêu trọng với trọng tải lên đến 100.000 tấn.

Một điểm nhấn quan trọng trong bức tranh toàn cảnh của kinh tế Cam Ranh là Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh. Hiện nay, Sân bay Cam Ranh được đánh giá có tốc độ tăng trưởng lượng hành khách lớn nhất Việt Nam; cơ sở hạ tầng đứng thứ 4 cả nước. Với những chuyến bay nối liền bốn phương, cơ hội mở ra cho Cam Ranh càng nhiều khi bè bạn, khách phương xa tìm đến đầu tư, khai thác những lợi thế, tiềm năng vốn có của vùng đất này. Bên cạnh đó, với những bãi biển dài, hoang sơ với vô vàn cảnh đẹp thiên tạo kỳ thú, Cam Ranh được một số chuyên gia đánh giá có sức hấp dẫn, quyến rũ hơn nhiều so với thiên đường du lịch Phuket của Thái Lan. Nơi đây đã hình thành nhiều khu du lịch cao cấp như: Khu Du lịch Ngọc Sương, Khu nghỉ dưỡng Cam Lập; các bãi tắm trên các đảo Bình Ba, Bình Hưng. Tương lai không xa, Cam Ranh sẽ trở thành điểm đến ngày càng thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Biến tiềm năng thành lợi thế, TP. Cam Ranh đang nỗ lực để tạo cho mình một bệ phóng. Với những gì đã làm được, TP. Cam Ranh đã và đang từng bước nâng cao tầm vóc, vị thế để trở thành một trong những đô thị trẻ năng động, hứa hẹn những bước phát triển mới.

CHÂU AN KHÁNH


Ông Đào Văn Hòa, Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh: Trên cơ sở xác định công nghiệp là ngành kinh tế chủ lực, trước mắt, thành phố xúc tiến triển khai xây dựng các khu công nghiệp: Nam, Bắc Cam Ranh, các cụm công nghiệp vừa và nhỏ đi đôi với thực hiện tốt các giải pháp đào tạo nghề, giải quyết việc làm nhằm tạo bước phát triển đột phá trong lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của địa phương. Mặt khác, tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế thương mại - du lịch, tập trung thu hút mọi nguồn lực đầu tư hướng vào khai thác hiệu quả tiềm năng to lớn của khu vực Cam Lập. Bên cạnh đó, chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới; chú trọng phát triển kinh tế biển, đưa các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, thâm canh, gắn sản xuất nông nghiệp với du lịch sinh thái, mở rộng các vùng chuyên canh rau sạch, cây cảnh. Qua đó, phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế hàng năm từ 15 - 17%; GDP bình quân đầu người đến năm 2015 gấp 2 lần so với năm 2010; tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 5 năm 2010 - 2015 đạt trên 10.000 tỷ đồng.