Trong trái tim mỗi người dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hiện hữu. Bác là tình yêu, là niềm tin rất đỗi bình dị và thiêng liêng. Dù ở bất cứ nơi đâu, đã là con Lạc, cháu Hồng, hình ảnh Bác vẫn mãi được khắc ghi.
Trong trái tim mỗi người dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hiện hữu. Bác là tình yêu, là niềm tin rất đỗi bình dị và thiêng liêng. Dù ở bất cứ nơi đâu, đã là con Lạc, cháu Hồng, hình ảnh Bác vẫn mãi được khắc ghi. Xuân này giữa Trường Sa thân yêu, nơi tuyến đầu của Tổ quốc, hình ảnh về Người lại hiển hiện trong tôi…
Những ngày cuối năm, khi sắc Xuân đang về, tôi được vinh dự tham gia chuyến thăm quần đảo Trường Sa do Quân chủng Hải quân tổ chức. Bên cạnh ấn tượng về những đổi thay và khởi sắc của thị trấn Trường Sa, xã đảo và các điểm đảo, đoàn công tác không khỏi xúc động bồi hồi khi được tham quan công trình Nhà tưởng niệm Bác Hồ trên đảo Trường Sa Lớn. Đây là công trình có ý nghĩa văn hóa, tinh thần quan trọng bậc nhất trên toàn quần đảo.
Nhà tưởng niệm Hồ Chủ tịch ở thị trấn Trường Sa. |
Công trình Nhà tưởng niệm Bác Hồ được xây dựng trên đảo Trường Sa Lớn (thị trấn Trường Sa, huyện Trường Sa) với tổng diện tích gần 800m2 ở vị trí trung tâm huyện đảo; gồm 5 hạng mục: nhà tưởng niệm, nhà bia, nhà chuông, cổng và hàng rào. Công trình được khánh thành vào ngày 19-5-2010 - kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bước theo đoàn người vào Nhà tưởng niệm thắp nén hương cho Bác, chúng tôi đã không khỏi xúc động, bồi hồi. Những hình ảnh thân quen về Người lại hiện ra giữa nơi đảo xa. Nằm trang trọng, uy nghi giữa gian thờ là bức tượng toàn thân của Người làm bằng đồng, nặng gần 1 tấn; bên trên là câu nói bất hủ của Người: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Bác ngồi đó, nhìn xuống hiền từ. Chúng tôi thành kính dâng lên Người nén hương và tâm nguyện của những người con đất liền ra thăm đảo. Trong khu vực chính của Nhà tưởng niệm, chúng tôi còn nhận thấy các tủ kính trưng bày ảnh, tư liệu lịch sử gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với sự nghiệp cách mạng của lực lượng vũ trang, bộ đội Hải quân và các tầng lớp nhân dân như: Bến Nhà Rồng, tàu đô đốc Latútsơ Tơrêvin, chiến khu Việt Bắc, Đường Kách Mệnh, lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam Việt Nam… Ngoài ra, tất cả những hình ảnh khác về cuộc đời và sự nghiệp của Bác cũng được trưng bày rất trang trọng. Mỗi bức ảnh ở mỗi thời khắc như tái hiện cho lớp cháu con về những hoạt động của Người trong chặng đường đi tìm đường cứu nước và giải phóng dân tộc. Thiếu úy Cao Ngọc Sơn - người phụ trách quản lý Nhà tưởng niệm bộc bạch: “Bác Hồ là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, là người mà cả dân tộc kính trọng và biết ơn, là người mà kẻ thù cũng phải nể phục, vì vậy quân dân trên đảo Trường Sa Lớn rất vui mừng khi có Nhà tưởng niệm Bác Hồ”.
Việc thờ Bác Hồ đã trở thành việc làm thiêng liêng của người dân trên quần đảo Trường Sa. |
Giữa Trường Sa đầy sóng và gió, Nhà tưởng niệm Bác Hồ vẫn uy nghi sừng sững nơi đầu sóng. Việc xây dựng Nhà tưởng niệm là mong mỏi của tất cả quân dân nơi tuyến đầu của Tổ quốc. Vào những ngày trọng đại, mỗi lần lập công, các chiến sĩ công tác tại đảo Trường Sa Lớn đều báo công với Người. Hình ảnh Bác Hồ từ lâu đã trở thành động lực, tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sĩ quyết tâm canh giữ biển, trời của Tổ quốc. Dù cách xa muôn trùng sóng gió, Nhà tưởng niệm Bác Hồ đã khiến cho quân, dân Trường Sa cảm thấy ấm lòng như đang ở đất liền. Có một điều làm chúng tôi vô cùng cảm động, đó chính là việc những hộ dân sống trên các đảo Song Tử Tây, thị trấn Trường Sa, Sinh Tồn… đều treo ảnh và lập bàn thờ Bác Hồ ở vị trí trang trọng giữa nhà. Đối với họ, Bác là vị cha già của dân tộc, là tấm gương chói sáng cho cháu con noi theo. Chị Nguyễn Thị Hạnh (thị trấn Trường Sa) chia sẻ: “Việc thờ cúng tổ tiên và Bác Hồ từ lâu đã thành thông lệ của tất cả cư dân trên đảo. Mỗi khi gặp khó khăn, mỗi khi nhớ đất liền, nhìn lên bàn thờ Bác, thấy ánh mắt hiền từ của Người, chúng tôi lại thấy lòng mình như ấm lại…”.
Giữa muôn trùng sóng nước, nơi tuyến đầu của Tổ quốc, được nhìn ngắm hình ảnh của Người, chúng tôi cảm thấy rất đỗi tự hào. Trong bộn bề xúc cảm, điệp khúc bài hát “Bác Hồ một tình yêu bao la” của nhạc sĩ Thuận Yến lại ngân lên bồi hồi: Bác Hồ người là tình yêu thiết tha nhất, trong lòng dân và trong trái tim nhân loại. Cả cuộc đời bác hy sinh cho hạnh phúc nhân dân, mãi ngàn đời ngát hương thơm trong tâm hồn Việt Nam. Bác như ánh mặt trời xua màn đêm giá lạnh. Bác đem mùa Xuân về, dâng hoa đẹp cho đời…
LAM ĐIỀN