Nếu trước kia, khi nhắc đến hai chữ “nhà quê” sẽ làm cho người đối diện cảm giác khó chịu, vì hàm ý của nó có nghĩa là lạc hậu.
Nếu trước kia, khi nhắc đến hai chữ “nhà quê” sẽ làm cho người đối diện cảm giác khó chịu, vì hàm ý của nó có nghĩa là lạc hậu. Nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, hai chữ ấy chỉ một nơi chốn bình yên, chỉ sự thanh bình yên ả mà cuộc sống xô bồ của thành phố bây giờ đã làm mất đi ít nhiều. Và cũng vì thế, mỗi khi Tết đến, mọi người rủ nhau về quê ăn Tết.
Và không ngạc nhiên khi vào dịp Tết, bên cạnh dòng xe cộ từ trên Thành (Diên Khánh, Khánh Hòa) xuôi về thành phố, một bộ phận người dân TP. Nha Trang lại… về quê chơi Tết. Cái thú chơi Tết quê ấy làm cho lòng nhẹ nhàng, ngọt ngào. Do đô thị hóa, con đường Nha Trang - Thành ngày xưa nho nhỏ, hai bên đường là ruộng lúa, những vườn cây trĩu trái, là những quán ven đường che mái tranh…, nay đã không còn, khiến cho những người lớn tuổi thường sống hoài niệm về quá khứ bỗng nhớ về tiếng vó ngựa khua đều trong đêm - rạng sáng chở hàng hóa quê đến bến xe ngựa ở chợ Đầm; để nhớ quán nhà quê ven đường dẫu lụp xụp mái tranh nhưng có nét đặc trưng của thôn quê.
Cách ăn Tết ở quê hiện nay vẫn còn giữ nguyên phong tục từ xưa, không hề thay đổi. Chỉ cần phóng xe đến các xã ngoại ô Nha Trang như Vĩnh Trung, Vĩnh Thạnh, Ngọc Hiệp… hoặc đến các xã ở Diên Khánh như Diên Lạc, Diên Tân, Diên An, Diên Phú… là đã thấy ngày Tết ở nhà quê làm cho lòng rộn ràng.
Nét đặc sắc nhất là cái thú ngắm hoa mai nở ở Vĩnh Trung. Đây là làng nằm sâu bên trong lộ, giáp ranh giữa Nha Trang và Diên Khánh. Thường thì các hộ dân ở đây trồng hoa mai để bán Tết, nhưng chẳng có năm nào bán hết, vì hoa mai lệ thuộc vào đất trời mà nở sớm hoặc muộn. Đi dạo vườn mai với màu vàng hoa chao rụng làm lung lay đất trời đã nghe hương vị Tết. Điểm đặc biệt ở các nhà quê Nha Trang là bất cứ nhà nào cũng trồng vài cây hoa mai trước nhà, vì thế không khí Tết luôn tràn ngập ở những nẻo đường quê.
Ảnh minh họa |
Một phong tục ở các làng quê Nha Trang vẫn còn giữ đó là mổ heo chung. Vào ngày 30 Tết, vài gia đình hùn tiền mua một con heo tốt, rồi mổ heo chia mỗi nhà vài ký để ăn Tết. Không khí mổ heo chung rộn rả, trẻ con tò mò đứng xem, những miếng thịt heo vừa mổ ra còn nóng hổi được chia về từng nhà, để sau đó trở thành các món ăn ngày Tết thuần Việt như kho măng, thịt đông, làm nhân bánh tét… Người quê không mua bánh tét chợ, mà tự gói và nấu bánh tét. Gần như không người nhà quê nào lại không biết gói bánh tét. Vườn nhà có sẵn lá chuối, chỉ đi mua thêm ít lá chuối hột gói bên trong cho bánh tét có màu xanh lá. Bánh gói xong, nhiều nhà cùng nấu chung trong cái nồi lớn để giữa vườn hay trước sân nhà. Ngày “hội” nấu bánh tét ấy tất nhiên có thêm những chiếc bánh ú nho nhỏ để lũ trẻ vớt ra ăn trước, còn láng giềng hàng xóm ngồi quây quần bên bếp lửa với bình trà nóng mà kể đủ thứ chuyện. Hiện ở các làng quê Nha Trang nói chung vẫn còn một tục đẹp nữa là chia quà Tết cuối năm. Nhà nào trồng cây gì, nuôi con gì lại đem tặng hàng xóm quanh mình, gọi là cái tình, cái nghĩa, đôi khi chỉ là vài ký nếp, chục trứng gà hay là con gà, ký nem chả, ràng bánh tráng… nói chung là những thứ để ăn Tết.
Với tôi, cái thú vào những ngày Tết đi dạo các làng quê, ghé vào những nhà quen ở quê để tận hưởng cái Tết quê là điều không thể thiếu mỗi năm. Ở quê, phong tục xông đất đã được lo liệu kỹ, họ đã nhờ người hợp tuổi đến nhà từ sáng mùng một Tết, cho nên việc khách tới thăm nhà vào ngày này họ rất vui. Đến nhà quê, việc hay gặp chính là lễ cúng ông bà ngày Tết. Vào ngày 30 Tết, sau khi rước ông bà về thì ngày nào cũng phải nấu đồ cúng cho ông bà ăn Tết, cho đến mùng bốn Tết cúng đưa thì thôi. Bữa cơm Tết quê với món xào, canh, món mặn, chả ram và luôn có bánh tráng cuốn rất ngon miệng. Người quê trữ đồ ăn khá nhiều, và món ăn Tết quê được chính tay gia chủ chế biến, ít mua ở chợ nên đậm đà hương vị Tết. Một tục hay nữa là sau khi gặp nhau ở nhà này, khách và chủ lại rủ nhau qua nhà khác chúc Tết, cứ thế mà “đội quân” đi chúc Tết mỗi lúc đông lên dần. Bởi ngày Tết là ngày nghỉ, cứ thong dong gặp gỡ, cứ thong dong tới nhà này cụng ly rượu, tới nhà kia uống chai bia, đi vòng vòng mãi, về nhà là đủ say.
Đường quê ngày Tết với cây xanh, tường vôi mới, những ngôi nhà khép cửa và tiếng nói cười trong không khí Tết của từng nhà hay từng đàn em bé mặc quần áo mới đi tung tăng đã làm cho Tết quê rất Tết.
KHUÊ VIỆT TRƯỜNG