Suốt chiều dài lịch sử bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước, Tổ quốc Việt Nam chính là mái nhà chung thiêng liêng của con dân nước Việt.
Suốt chiều dài lịch sử bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước, Tổ quốc Việt Nam chính là mái nhà chung thiêng liêng của con dân nước Việt. Dù phải trải qua bao bước thăng, trầm, truyền thống bất khuất, kiên trung, quyết đập tan mọi kẻ thù xâm lược vẫn chói lọi trang sử vàng. “Nam Quốc sơn hà Nam đế cư”. “Thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”. Những tuyên ngôn bất hủ ấy của cha ông mãi còn vang vọng núi sông và truyền đến muôn đời con cháu. Đúng dịp cả nước vào Xuân; đồng bào ta ở khắp mọi miền Tổ quốc và kiều bào ở nước ngoài náo nức đón Tết cổ truyền Tân Mão 2011, nhà báo - nhạc sĩ Nguyễn Văn Chính (phổ nhạc) cùng nhà giáo - nhạc sĩ Nguyễn Hữu Phước (phối hợp xướng) đã thực hiện bản hợp xướng Bền vững muôn đời Tổ quốc Việt Nam ơi!, với sự thể hiện hoành tráng của dàn hợp xướng Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật và Du lịch Nha Trang. Bản hợp xướng gồm 4 chương. Chương 1: Tổ quốc, nhạc và lời Nguyễn Văn Chính; Chương 2: Nhân dân, nhạc và lời Nguyễn Văn Chính; Chương 3: Bất khuất, nhạc Nguyễn Văn Chính, lời trích đoạn trường ca Đối thoại trắng của nhà thơ Hoàng Quý; Chương 4: Trường sinh, nhạc Nguyễn Văn Chính, lời thơ Trần Chấn Uy.
Tổ quốc và nhân dân là những đề tài lớn, luôn là nguồn cảm hứng vô tận cho các thế hệ những người làm văn học, nghệ thuật, văn hóa, nhạc, họa... Riêng ở mảng thơ, nhạc đã có nhiều tác phẩm để đời, đi cùng năm tháng như những bài thơ về chủ đề đất nước của các nhà văn, nhà thơ: Nam Hà, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Khoa Điềm…; Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam (hợp xướng) của Chu Minh; Tổ quốc (Hồ Bắc)… Mỗi tác phẩm dù được thể hiện bằng hình thức nào, đều chứa chan tình yêu thiết tha của các tác giả đối với Tổ quốc, nhân dân mình. Trong bản hợp xướng Bền vững muôn đời Tổ quốc Việt Nam ơi!, Chương 1 với chủ đề Tổ quốc (giọng Si trưởng) được mở đầu bằng những giai điệu hào hùng tha thiết. Ngôn ngữ âm nhạc hòa quyện với phần ca từ giàu chất thơ đã tạo nên sự cuốn hút. Người nghe như thấy trước mắt mình hình ảnh những miền quê, cùng những âm hưởng dân ca đặc thù đã cùng tạo nên một dải giang sơn hình chữ S là Tổ quốc Việt Nam. Sau phần mở đầu (intro), khi giọng nam lĩnh xướng vút cao: Việt Nam! Xin mãi gọi tên Người Tổ quốc…, trong ta vừa trào dâng, xốn xang niềm tự hào khôn tả, tri ân cha ông một thời gian nan mở nước, vừa chứa chan tình cảm yêu thương Tổ quốc Việt Nam. Tác giả đã khái quát chủ đề lớn Tổ quốc bằng phần ca từ thật cô đọng: Việt Nam! Xin mãi gọi tên Người Tổ quốc, chấm nhỏ giữa địa cầu. Từ ngàn đời cha, ông bạc tóc chống trời, phá giặc. Việt Nam, Tổ quốc tôi bốn mùa biển Đông sóng vỗ. Ruộng đồng tươi xanh từ Cửu Long Giang tới Hồng Hà. Từ Mục Nam Quan đến Cà Mau. Sau lũy tre hiền hòa, gái, trai dùng dằng câu quan họ. Lơ thơ sông Cầu nước chảy, người về đến hẹn lại lên. Đêm trăng sông Tiền, sông Hậu ngọt ngào điệu ru con. Tiếng đàn bầu gọi gió mùa Thu. Việt Nam Tổ quốc tôi, nghe âm vang thiêng liêng lời sông núi hào hùng, ta luôn mang trong tim dòng máu Lạc Hồng. Quốc hồn, Quốc túy thơm từ hạt gạo làng ta. Việt Nam Tổ quốc tôi vươn vai, lớn thành Phù Đổng, quét sạch quân thù cho muôn đời Tổ quốc vẹn nguyên. Con Lạc, cháu Hồng quyết giữ gìn biển trời sông núi trường tồn.
Sang Chương 2 mang chủ đề Nhân dân (giọng Sol trưởng), phần giai điệu và phần ca từ vẫn tiếp nối mạch nguồn cảm hứng của Chương 1, như logic tất yếu của hai chủ thể lớn là Tổ quốc và nhân dân. Nhưng tác giả phần hòa âm, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Phước đã khéo léo sử dụng chất liệu dân ca tạo nên màu âm đậm chất quê hương và phối hợp hiệu quả với lĩnh xướng giọng nam và giọng nữ cùng các bè, làm nổi bật chủ đề chính của chương này, thể hiện ở 2 đoạn 3 và đoạn 4 có phần ca từ: Nhân dân tôi đánh giặc xong rồi lại hiền lành như đất, thâm hậu chuyện tiếu lâm, đằm thắm câu dân ca, cổ tích nói lời vị tha. Nhân dân tôi biết mình biết người, biết gió lạnh muôn đời vẫn thổi từ phương Bắc, lấy nhún nhường, nhẫn nhịn đổi bình yên… Và, sau đoạn cao trào với lời ca: Nhân dân tôi, Người là mùa Xuân, Người là niềm tin, là biển bao dung, là sóng lật thuyền. Nước non này đời đời bền vững. Tổ quốc rạng ngời - nhân dân tôi, giai điệu lắng xuống, như khắc mãi, da diết mãi trong ta hai tiếng nhân dân. Bởi hai tiếng nhân dân với truyền thống yêu nước nồng nàn đã trở thành lương tâm, đã từng được khẳng định như một chân lý bất diệt:
Ôi! Tổ quốc ta, ta yêu như máu thịt.
Như mẹ, cha ta, như vợ như chồng
Tổ quốc hỡi nếu cần ta sẽ chết
Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông…
(Chế Lan Viên)
Có lẽ đó cũng chính là dụng ý của tác giả để bắc cầu sang Chương 3 với chủ đề Bất khuất. Chương 3 được mở đầu bằng 3 “câu” hợp xướng không dàn nhạc đệm. Sau đó là liên tiếp những đoạn cao trào. Có thể nói chủ đề bất khuất của chương này đã được các tác giả: Hoàng Quý (lời thơ); Nguyễn Văn Chính (phổ nhạc) và Nguyễn Hữu Phước (phối hợp xướng) thể hiện khá thành công. Phần giai điệu của đoạn đầu mượt mà nồng ấm, tha thiết với lời ca thật cảm động: Ôi Nhân dân kiêu dũng của tôi, nhân ái thật thà. Người là nước mà luôn thiếu khát. Người nâng thuyền mà như lá nổi trôi. Người như lúa khắp ruộng nương nước Việt, chân lấm, tay bùn mà muôn đời như sen súng, như hương lúa thảo thơm. Ngay sau đó là những giai điệu khúc chiết, hào hùng, bi tráng của các đoạn tiếp theo. Và, để khẳng định truyền thống bất khuất từ bao đời, trở thành phẩm chất cao quý từ trong máu thịt của dân tộc ta, các tác giả đã dồn ý tưởng này thành cao trào ở đoạn cuối, có nốt “đỉnh” lên đến nốt “lá”, làm lắng mãi trong người nghe giai điệu đẹp cùng ca từ giàu hình ảnh về thuở hồng hoang cha, ông mở nước: Sẽ hạnh phúc tột vời, có một lần hái lượm giữa bạt rừng, rợp bóng Mẹ Tiên. Thỏa sức với Cha Rồng xuôi bể, xăm kín mình rồi kéo mặt trời lên… Vâng! Bất khuất chính là truyền thống từ ngàn đời của con dân nước Việt. Bất khuất để Tổ quốc trường tồn. Bất khuất để dân tộc trường sinh, bất tử.
Nếu 3 chương đầu là tiền đề, thì Chương 4 (giọng Si thứ) mang chủ đề Trường sinh là kết quả như một logic tất yếu. Trường sinh trong lịch sử dựng nước và giữ nước của cha, ông. Trường sinh trong bước đi văn minh của thời đại. Trường sinh của Tổ quốc, của dân tộc thể hiện từng phút, từng giây trong nhịp đập của Thăng Long - Hà Nội, trái tim thiêng liêng của cả nước. Nơi từ ngàn năm trước, vị vua anh minh Lý Thái Tổ đã nhìn thấy lồng lộng bóng rồng bay. Nơi anh hùng, thi sĩ cùng tụ hội làm nên một thủ đô ngàn năm văn hiến, một thành phố hòa bình. Nơi đã, đang và sẽ mãi mãi là nguồn cảm hứng vô tận cho những người cầm bút, cho nhạc, cho thơ. Toàn bộ phần ca từ của Chương 4 được nhạc sĩ Nguyễn Văn Chính phổ nhạc từ bài thơ “Nơi anh gặp em” của nhà thơ Trần Chấn Uy. Có thể nói, đây là một trong những bài thơ hay nhất của nhà thơ Trần Chấn Uy viết về Hà Nội - Thăng Long. Giai điệu và lời ca như nâng cánh cho nhau, rất trữ tình, nhưng cũng thật hào sảng, khí phách. Là người sáng tạo thứ hai, khi tham gia phối hòa âm và dàn dựng toàn bộ bản hợp xướng này, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Phước đã rất sáng tạo khi sử dụng “mảng, mối” và phối hợp đan xen giữa các “bè” kết nối nhuần nhuyễn, hợp lý giữa phần thanh nhạc và khí nhạc với hiệu quả cao nhằm nêu bật chủ đề của từng chương và toàn tác phẩm. Đặc biệt, Chương 4 với hình thức thể hiện song ca đối đáp nam, nữ trên nền khí nhạc và hợp xướng rất sinh động trải dài từ phần mở đầu đến khi kết thúc. Ví dụ như ở trường đoạn mở đầu: Giọng nam “Nơi anh gặp em, Lý Thái Tổ đọc “Thiên đô chiếu”, Thế Thăng Long rồng bay, hổ ngồi. Đàn chim việt chọn đất lành về đậu. Tổ quốc thiêng liêng bốn ngàn năm lịch sử oai hùng”. Giọng nữ “Nơi anh gặp em, Nguyễn Trãi viết bình Ngô đại cáo, tuyệt bút thiên thu áng hùng văn đuổi giặc. Nguyễn Du viết những câu Kiều đứt ruột, nhân gian còn đẫm lệ đến ngàn sau”…
Trong lịch sử nhân loại, mỗi dân tộc trên hành tinh này đều có những bi kịch. Với truyền thống yêu nước nồng nàn, thiết tha yêu hòa bình, nhưng bất khuất trước mọi kẻ thù xâm lược, trước thiên tai, dân tộc Việt Nam đã biết vượt lên bi kịch để trường sinh trong hạnh phúc thật bình dị và nhân bản. Đoạn kết của Chương 4 và cũng là đoạn kết chung của toàn bản hợp xướng Bền vững muôn đời Tổ quốc Việt Nam ơi! như một lời tuyên thệ của các thế hệ người Việt Nam hôm nay trước tổ tiên, trước lịch sử, trước hiện tại và trước tương lai rạng ngời của đất nước: Xin được cùng em vỡ đất dựng nhà. Cùng em gieo mùa gặt hái. Cùng em đẻ cái sinh con. Cùng nuôi con Hồng, cháu Lạc. Giữ gìn non sông Đại Việt trường tồn như muôn ngọn dải Trường Sơn…
Chào Xuân Tân Mão (2011), mùa Xuân thứ nhất của thập kỷ thứ 2 - thế kỷ XXI. Bằng ngôn ngữ âm nhạc, bản hợp xướng hào hùng Bền vững muôn đời Tổ quốc Việt Nam ơi! vang vọng hồn thiêng sông núi, như một nhành Xuân nhỏ mà các tác giả: Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chính, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Phước, nhà thơ Hoàng Quý, nhà thơ Trần Chấn Uy trân trọng kính dâng lên Tổ quốc, gửi đến những người lính anh hùng nơi biên giới, hải đảo xa xôi đang ngày đêm chắc tay súng canh giữ vùng đất, vùng biển, vùng trời của Tổ quốc và đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước.
Nhà thơ GIANG NAM và Nhạc sĩ HỒNG NGUYÊN