Trong mỗi con người Việt Nam, dù ở phương nào cũng luôn có tâm thế hướng về Thăng Long – Hà Nội. Người Hà Nội đi xa nhớ Thăng Long – Hà Nội đã đành, người chưa bao giờ đặt chân lên Thăng Long – Hà Nội vẫn nhớ về vùng đất ấy bằng một sự vọng tưởng. Bởi vùng đất linh thiêng ấy không chỉ là thủ đô nghìn năm văn hiến, mà còn là cái nôi văn hóa cội nguồn dân tộc.
Trong mỗi con người Việt Nam, dù ở phương nào cũng luôn có tâm thế hướng về Thăng Long – Hà Nội. Người Hà Nội đi xa nhớ Thăng Long – Hà Nội đã đành, người chưa bao giờ đặt chân lên Thăng Long – Hà Nội vẫn nhớ về vùng đất ấy bằng một sự vọng tưởng. Bởi vùng đất linh thiêng ấy không chỉ là thủ đô nghìn năm văn hiến, mà còn là cái nôi văn hóa cội nguồn dân tộc.
Nét duyên Hà Nội |
“Ai về Bắc, ta đi với/Thăm lại non sông giống Lạc Hồng/Từ độ mang gươm đi mở cõi/Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long…”. Ngày còn là sinh viên Ngữ văn, tôi luôn ao ước được đặt chân lên đất Thăng Long – Hà Nội vì đã qua thích những câu thơ hào sảng của thi tướng rừng xanh Huỳnh Văn Nghệ. Lớn lên, đi nhiều mới thấy dường như trong mỗi con người Việt Nam, dù ở phương nào cũng luôn có tâm thế hướng về Thăng Long – Hà Nội, bởi đó không chỉ là thủ đô nghìn năm văn hiến, mà còn là cái nôi văn hóa cội nguồn dân tộc. Kể từ khi Thái Tổ Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về Đại La (7 năm Canh Tuất - 1010), chọn cuộc đất được coi là trung tâm trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi mà mưu việc lớn, tính kế muôn đời… đến nay, Thăng Long – Hà Nội đã trải qua 1.000 năm xây dựng và phát triển. Trong 10 thế kỷ bể dâu với những vật đổi sao dời, lúc hưng lúc phế, nhưng đất kinh kỳ chưa bao giờ mất đi cái thế đứng vững chắc trong lòng người Việt. Chính xác, cái thế đứng được tạo trong nỗi nhớ khôn nguôi đầy hào vọng của mỗi người Việt về Thăng Long – Hà Nội, mảnh đất linh thiêng, hào hoa thanh nhã ẩn chứa trong mình biết bao trầm tích văn hóa.
Nhớ Thăng Long - Hà Nội! Ấy là nhớ các triều đại Lý, Trần, Lê đã “xây nền độc lập” sánh cùng các triều đại phong kiến phương Bắc. Thời gian đi qua, Hoàng thành Thăng Long (đang lập hồ sơ đề nghị là di sản thế giới) đã thành phế tích, nhưng nhìn những hiện vật còn lại trong lòng bỗng dâng lên một nỗi tự hào về sự phát triển văn hóa, chiến công lẫy lừng của dân tộc. “Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”, ngàn năm đã qua nhưng vẳng nghe đâu đây trong những tường thành rêu phong, trong lòng đất linh thiêng tiếng hò reo của quân dân Nhà Trần ba lần đánh thắng quân xâm lược Mông - Nguyên, thấp thoáng hình ảnh Nguyễn Trãi viết áng “thiên cổ hùng văn” Bình Ngô đại cáo khẳng định nền độc lập của dân tộc, Nguyễn Huệ cưỡi voi vào cửa Bắc đại phá quân Thanh… Tất cả như những thước phim lịch sử quay chậm theo cảm xúc và nhịp đập của trái tim.
Nhớ Thăng Long - Hà Nội! Vọng mãi ngàn sau, tiếng chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn từng từ trong bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (2/9/1945). Để bây giờ, mỗi khi ngang qua quảng trường Ba Đình, nhìn lá quốc kỳ phần phật bay trong nắng, vẫn như thấy hình ảnh Người bước lên lễ đài mùa thu năm ấy với câu hỏi “Tôi nói đồng bào nghe rõ không”. Lần đầu tiên vào viếng Lăng Bác, tôi đứa con miền Trung xa xứ đã trào nước mắt khi nhìn gương mặt của người bình thản trong giấc ngàn thu.
Nhớ Thăng Long - Hà Nội! Ấy là nhớ chiều nào chậm đếm từng bước chân trên cầu Long Biên vắt ngang sông Hồng, và cũng là chiếc vạch nối lịch sử vắt ngang chiều dài 2 cuộc kháng chiến “thần thánh” của dân tộc, biểu tượng văn hóa của Hà Nội- một biểu tượng Văn hoá thấm đẫm hào khí Thăng Long. Với người Hà Nội, cầu Long Biên có một ý nghĩa lớn lao, bởi với hơn 100 năm tồn tại nó là nhân chứng lịch sử. Năm 1945, hàng chục ngàn người dân ngoại ô đã đi qua cây cầu Long Biên đổ về Quảng trường Ba Đình để nghe Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập. Là nhân chứng đầu cầu chứng kiến những tên lính viễn chinh Pháp lầm lũi cuốn cờ nhường bước cho những chiến sỹ Vệ quốc hiên ngang vượt cầu về tiếp quản thủ đô. Kháng chiến chống Mỹ, xe tăng súng đạn rầm rập qua cầu theo bộ đội chi viện cho miền Nam… Trong câu chuyện về Thăng Long – Hà Nội, anh Phạm Quang Hùng - giáo viên dạy sử của Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, một người Hà Nội gốc, tâm sự: “Nếu có cái gì gắn bó và tiêu biểu cho Hà Nội nhất trong những năm tháng chiến tranh thì đó chính là cầu Long Biên”. Cho đến bây giờ, anh Phạm Quang Hùng vẫn nhớ như in cái cảm giác của ngày giã biệt Hà Nội vào Nam chiến đấu: “Xe ngang qua Long Biên, lòng thầm gọi Hà Nội ơi. Không ai bảo ai, nhưng chúng tôi đều biết vậy là xa Hà Nội mến yêu…”. Có người đã ví rằng, nếu một sáng nào đó, người Hà Nội thức dậy không thấy cầu Long Biên, chắc họ sẽ bàng hoàng như người Paris không thấy Eiffel in bóng trên bầu trời.
Nhớ Thăng Long - Hà Nội, ấy là nhớ đến những trầm tích văn hóa đã được hun đúc từ ngàn năm. Đó là hình ảnh Hồ Gươm xanh với tháp Rùa trầm mặc soi bóng với truyền thuyết linh thiêng vua Lê trả gươm báu; là Văn Miếu với hàng bia tiến sĩ - chứng tích của một nền khoa cử rực rỡ, là những chiều Hồ Tây lãng đãng làn sương thu nhờ nhờ màu trắng sữa giăng tơ trên mặt nước, vẳng xa xa là tiếng tiếng chuông chiều của chùa Trấn Quốc, Quán Thánh, Vạn Niên vọng lại. Nhớ Thăng Long - Hà Nội! Ấy à nhớ những lần rảo bước trên khu phố cổ Hàng Ngang, Hàng Đào… với những mái ngói trầm mặc xô nghiêng, những con phố nhỏ ẩn trong thoáng heo may. Nhớ con đường Cổ Ngư (nay là đường Thanh Niên) như dãi lụa vắt ngang mặt nước chia đôi Hồ Tây và hồ Trúc Bạch với hàng cây xanh mát mà các đôi lứa yêu nhau vẫn hay hẹn hò, nhớ con đường Nguyễn Du thơm mùi hoa sữa… Đã không ít những đêm nhẩn nha thả bước trên những con phố nhỏ của Hà Nội, để trong tĩnh lặng thanh lòng đó, ta như nghe tiếng lá rơi, tiếng mái rêu thì thầm câu chuyện ngàn xưa…Và cùng với phố phường, ta không thể quên hình ảnh những quán nước chè đạm bạc, nơi ngày ngày có bà cụ già tóc bạc trắng, khoan thai bán hàng như chỉ là cái cớ để chiêm nghiệm, đếm bước thời gian.
Nhớ Thăng Long – Hà Nội! Không quên cái thú ăn chơi kĩ lưỡng, chỉn chu mà tao nhã, đầy chất văn hóa của người Tràng An đã đi vào trong những trang tùy bút đầy chất thơ của Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, Băng Sơn… Trải qua 1.000 năm, Thăng Long - Hà Nội đã tiếp nhận văn hóa nhiều vùng miền để tạo ra phong cách riêng ẩm thực riêng: lịch lãm, tinh tế, thanh cảnh. Dù nhiều đổi thay, nhưng văn hóa ẩm thực ấy vẫn còn đọng lại trong những món hàng quà của người Hà Nội hôm nay. Để rồi, mỗi lần đến thủ đô, tôi lại cùng bạn bè thưởng thức hương cốm làng Vòng, xuýt xoa ngầy ngạc món chả cá Lã Vọng, bánh cuốn Thanh Trì, bánh tôm và ốc hấp phủ Tây Hồ, món nộm cay xé lưỡi bên hồ Hoàn Kiếm… hay những đêm đông buốt giá ngồi quanh chậu than hoa đỏ lửa bên vỉa hè để nhâm nhi bắp ngô nướng. Tiếng ngô nổ lép bép, tiếng tí tách của than hoa và hương vị bùi, thơm của ngô nếp non sẽ làm xua tan đi cái giá lạnh đang vây quanh. Những thứ nhỏ nhoi, dung dị đó cứ như sợi dây mềm ta vào nỗi nhớ khôn nguôn Thăng Long – Hà Nội.
Và thêm nữa trong nỗi nhớ Thăng Long – Hà Nội là ấn tượng rất riêng về người Hà Nội. Để rồi trong một chiều Nha Trang, giữa phố phường sôi động dòng người xe ngược xuôi hối hả, một cô gái mặc một chiếc đầm kiêu sa thong thả tản bộ trên vỉa hè. Nhìn dáng vẻ nhẹ nhõm, thanh khiết, gương mặt ngời ngợi sáng không hiểu sao tôi cứ một mực khẳng định cô là người Hà Nội. “Thưa chị, tôi có cảm giác chị là người Hà Nội?”. Một thoáng ngạc nhiên đủ cho người đối diện nhận ra sau ánh mắt sáng dịu, cô gái nhã nhặn “Vâng, em mới ở Hà Nội vào đây anh ạ”. Sau này, khi đã trở nên thân thiết, tôi mới biết cô gái ấy là cháu gái của nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc. Ấy là tôi muốn nói đến cái duyên, cái riêng của con gái Hà Nội không lẫn vào đâu được. Người Hà Nội đẹp không chỉ ở cái sự ăn mặc, mà là trong cách cư xử, trong giọng nói đầy âm sắc, trong trí tuệ đã được đúc kết, sàng lọc qua nhiều thế hệ mới có được. Khí hậu, địa thế, cái nôi văn hóa sông Hồng đã tạo nên sức mạnh, sự hấp dẫn của người Hà Nội: “Không thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu không thanh lịch cũng người TràngAn”.
Nhớ Thăng Long – Hà Nội, không chỉ nhớ về những cái cụ thể, mà còn có cả những cái rất vô hình đó là tình cảm với cái nôi văn hóa dân tộc, niềm tự hào về thủ đô linh thiêng 1.000 năm tuổi. Kể từ khi chúa Nguyễn Hoàng vượt đèo Ngang vào Nam mở cõi năm 1558, người Việt đã có gần 5 thế kỷ Nam tiến. Cái tên nước Việt Nam (vượt về phía Nam) cung chính là sự kết tinh chí hướng của cả dân tộc. Trên bước đường đầy chông gai đó, dù định cư làm giàu ở vùng đất mới nhưng người Việt không nguôi nhớ về kinh kỳ Thăng Long, nhớ về cái nôi văn hóa đồng bằng sông Hồng. Nỗi nhớ nhung đăm đắm về miền đất mẹ nguyên thuỷ, hoà quyện với lòng nhớ ơn các thế hệ cha ông ngày trước đã phải chịu gian nan, nguy hiểm đổ máu vì sự phát triển của đất nước. Âu đó cũng là cái sự “lá rụng về cội”, trở thành cái neo cho lòng người mãi mãi ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long!
XUÂN THÀNH