02:02, 14/02/2010

Trường Sa…

Vượt muôn trùng xa cách, bỏ lại sau lưng những cơn sóng lớn mùa biển động, những ngày giữa tháng 1-2010 (dương lịch) nhiều chuyến tàu đã về với Trường Sa, mang theo mùa Xuân đến sớm cho vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Tết Nguyên đán Canh Dần 2010 đã tràn ngập trong mắt những đứa trẻ ở Trường Sa; trong từng lá thư, câu hát, trong cái bắt tay thật chặt dành cho người lính đảo…

Vượt muôn trùng xa cách, bỏ lại sau lưng những cơn sóng lớn mùa biển động, những ngày giữa tháng 1-2010 (dương lịch) nhiều chuyến tàu đã về với Trường Sa, mang theo mùa Xuân đến sớm cho vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Tết Nguyên đán Canh Dần 2010 đã tràn ngập trong mắt những đứa trẻ ở Trường Sa; trong từng lá thư, câu hát, trong cái bắt tay thật chặt dành cho người lính đảo…

Nụ cười Trường Sa.

° Chở mùa xuân ra Trường Sa

Trung tuần tháng 1-2010, tôi rời quân cảng Cam Ranh theo tàu Trường Sa 14 cùng đoàn công tác của Vùng 4 Hải quân đến thăm, chúc Tết quân dân trên quần đảo Trường Sa - vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Trò chuyện với chúng tôi trên đường ra Trường Sa, những người lính đảo tâm sự: “Trường Sa là nơi đón Tết sớm trong cả nước, không chỉ vì là điểm cực Đông của Tổ quốc. Tuy ngày Tết thực sự chưa đến, nhưng những chuyến tàu khởi hành ra Trường Sa lần này đã mang mùa Xuân đến sớm với bà con đảo xa”.

Chuyến tàu Tết ra Trường Sa được những người ở lại đất liền chuẩn bị công phu với gần 200 mặt hàng, nhiều gấp 3 lần so với những chuyến tàu thường ngày ra đảo. Các mặt hàng gửi đến Trường Sa lần này mang hương vị khắp mọi miền Tổ quốc, từ gạo nếp, miến dong, tiêu… của miền Bắc; hành tỏi, măng khô, đậu xanh, heo hơi… của miền Trung; bia Sài Gòn, bánh quy Kinh Đô… của miền Nam. Tất cả góp thêm vào đời sống vật chất để quân và dân Trường Sa đón Tết. Những mặt hàng phục vụ đời sống tinh thần như: chữ xốp, loa đài, kéo cắt tóc, những bộ cờ tướng, nến, keo… cũng được đồng bào, chiến sĩ cả nước gửi tặng Trường Sa.

° Xuân sớm ở Trường Sa

Với những người lính đảo Trường Sa, ngày đoàn công tác đến chính là ngày Tết. Đây cũng là thời điểm nhiều người lính hoàn thành nhiệm vụ trở về đất liền, đồng thời Trường Sa lại đón nhận các cán bộ, chiến sĩ mới ra đảo. Vì vậy, Tết đến sớm với những bữa cơm tất niên trên đảo.

Cũng trong “chuyến tàu mùa Xuân” đến với đảo xa, những người lính trẻ nhận được nhiều phong thư gửi ra từ đất liền. Đó là lời động viên của người yêu: “…Ở nơi đảo xa, Xuân đã về chưa anh? Anh hãy cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, nơi đất liền em gửi trọn niềm tin nơi anh…!”; lời động viên của người vợ gửi chồng: “Anh hãy yên tâm công tác nhé! Ở nhà, em đã chuẩn bị Tết đầy đủ. Chỉ thương anh nơi đảo xa, Tết không được gần gia đình…!”; lời động viên của bố mẹ, anh chị em đối với các chiến sĩ… Những lời động viên, những món quà, những lời chúc Tết sớm đã nhanh chóng làm ngập tràn sắc Xuân cho đảo xa.

Những ngày đến với Trường Sa, tôi mới hiểu vì sao lính đảo Trường Sa thường bảo nhau rằng: “Mùa Xuân Trường Sa thường đến sớm theo những chuyến tàu Tết mang nghĩa tình đất liền”. Tại đảo Cô Lin, một ngày trước khi chúng tôi lên đảo, các chiến sĩ tất bật trang hoàng hội trường, những cánh mai vàng bằng nhựa giữ lại từ năm trước cũng được các chiến sĩ gắn vào cành san hô, trông thật lạ mắt. Đây là hình ảnh không thể thiếu đối với các chiến sĩ khi đón Tết giữa trùng khơi sóng nước.

Cùng quây quần bên nồi bánh chưng.

Nhiều “nam nhi chi chí” cùng lên đảo với chúng tôi còn chông chênh “say đất”; vậy mà, các anh vẫn góp vui với chương trình văn nghệ chào xuân của đảo. Trong bài hát của các anh: Xuân, xuân ơi xuân, xuân đã về…, hay Đảo này là đảo của chúng ta/Biển này là biển của chúng ta/Ôi Trường Sa… Trường Sa!... Tôi chợt nghĩ, với người lính Trường Sa, tình yêu từng tấc đất, từng vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc đã giúp các anh vượt qua mọi gian nan, thử thách nơi đầu sóng ngọn gió. 

Trung tá Dương Đức Hân - Đảo trưởng đảo Sinh Tồn cho biết: “Mỗi lần Tết đến, đồng bào cả nước đều hướng về Trường Sa, đó là động lực, là nguồn động viên lớn lao giúp chúng tôi vượt qua khó khăn, xây dựng đảo ngày càng phát triển, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc”. Cùng chung suy nghĩ ấy, chị Ngô Thị Kim Ý (quê ở Cam Hải Đông, Cam Lâm) - giờ là cư dân của đảo Sinh Tồn tâm sự: “Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và đồng bào cả nước, người dân trên đảo đã có một mùa xuân thật vui tươi, đầm ấm…”. 

Đến thăm Trường Sa, nhìn những đứa trẻ trong bộ áo quần Tết còn mới tinh, được gửi ra từ đất liền đang tíu tít bên nồi bánh chưng nghi ngút khói, tôi thấy trong mắt các em ngập tràn mùa xuân. Thật vậy, các em thật sự là mùa xuân của Trường Sa; còn các chiến sĩ là những người giữ cho mùa xuân luôn tươi đẹp trên phần lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.

Tết đã về. Trường Sa… nhưng không xa!

T.B