01:02, 14/02/2010

Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục ổn định và phát triển tương đối toàn diện

Có thể nói năm 2009, cả nước nói chung và tỉnh Khánh Hòa nói riêng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tác động kéo dài của cuộc khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế thế giới...

 . P.V: Vượt qua biết bao khó khăn, thử thách, năm 2009 đã khép lại với những thành tích rất đáng tự hào. Xin ông cho biết sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy đối với tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh Khánh Hòa trong năm qua?

 

. Ông Nguyễn Văn Tự: Có thể nói năm 2009, cả nước nói chung và tỉnh Khánh Hòa nói riêng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tác động kéo dài của cuộc khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế thế giới. Đứng trước tình hình đó, tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 16 (tháng 7-2009), Tỉnh ủy đã thống nhất điều chỉnh một số chỉ tiêu của năm 2009: GDP từ 12% xuống còn 10%, kim ngạch xuất khẩu từ 640 triệu USD xuống còn 570 triệu USD, tuy nhiên, vẫn giữ nguyên chỉ tiêu thu ngân sách là 5.500 tỷ đồng và tăng chỉ tiêu tổng vốn đầu tư toàn xã hội từ 10.500 tỷ đồng lên hơn 11.500 tỷ đồng. Đây là sự thể hiện tinh thần tích cực và ý chí quyết tâm phấn đấu cao, phù hợp với tình hình thực tế. Bên cạnh đó, Tỉnh ủy thường xuyên chỉ đạo các cấp, các ngành phải luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp lớn đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, xuất khẩu; trợ giúp phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ; tạo điều kiện cho các chủ đầu tư vừa hoàn chỉnh thủ tục vừa triển khai thi công những dự án và hạng mục công trình có trong quy hoạch, nhằm tăng giá trị sản xuất công nghiệp và xây dựng cơ bản, giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Để thúc đẩy khởi động những dự án đã đăng ký cũng như tiếp tục thu hút hiệu quả các nhà đầu tư lớn vào Khu Kinh tế Vân Phong, Tỉnh ủy đã chỉ đạo UBND tỉnh xây dựng kế hoạch huy động vốn và phát hành trái phiếu với tổng giá trị 1.500 tỉ đồng để đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng Khu Kinh tế Vân Phong giai đoạn 2009 - 2015 đã được HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp thứ 12.

Trong bối cảnh suy giảm kinh tế, ngoài việc thực hiện tốt các chính sách kích cầu của Chính phủ, Tỉnh ủy cũng đã mạnh dạn cho chủ trương xây dựng chính sách kích cầu của địa phương, nhằm hỗ trợ sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội theo Nghị quyết 30/2008/NQ-CP của Chính phủ, như: Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người nghèo, hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực xã hội hóa, hỗ trợ phủ điện vùng lõm, hỗ trợ giống nuôi trồng mới, hỗ trợ người dân tái định cư của một số dự án trọng điểm…; đồng thời, chỉ đạo các cấp, các ngành quan tâm chú trọng công tác giảm nghèo, phát triển KT-XH miền núi, chăm lo các đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số và triển khai thực hiện các mục tiêu xã hội của tỉnh về y tế, giáo dục…

Chính nhờ có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, kịp thời, mang tính sáng tạo và có trọng tâm, trọng điểm của Tỉnh ủy, cùng với sự nỗ lực, phấn đấu của toàn Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, tình hình KT-XH của tỉnh trong năm 2009 vẫn tiếp tục ổn định và phát triển tương đối toàn diện. Hầu hết các chỉ tiêu kinh tế đều tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt trên 10%; huy động nguồn vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt hơn 11.500 tỷ đồng, tăng gần 36%; doanh thu du lịch tăng 10,5%; đặc biệt là thu ngân sách vượt 6.000 tỷ đồng (theo kế hoạch đề ra là 5.500 tỷ đồng). Nhiều dự án, công trình được khởi công, hoàn thành và đưa vào sử dụng, trong đó có một số dự án quan trọng được khởi công như: Dự án đèo Rù Rì nối Quốc lộ 1A, Dự án đường nhánh Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh, Cảng trung chuyển Container quốc tế Vân Phong và đường cầu Lùng - Khánh Lê. Công tác xóa đói, giảm nghèo tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng. Một điều đáng nói là trong bối cảnh kinh tế khó khăn, tỉnh ta đã tổ chức thành công Festival Biển 2009 với sự tài trợ hoàn toàn của các doanh nghiệp, cùng với sự kiện thành phố Nha Trang được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh, thị xã Cam Ranh được công nhận là đô thị loại III, thị trấn Ninh Hòa được công nhận là đô thị loại IV có ý nghĩa chính trị, xã hội, văn hóa sâu sắc, tạo sự vui tươi, phấn khởi trong cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh, sự đồng thuận ngày càng cao trong xã hội…

. P.V: Cũng như các Đảng bộ tỉnh, thành trong cả nước, năm 2010, Khánh Hòa sẽ tiến hành đại hội (ĐH) đảng bộ các cấp. Để tổ chức thành công ĐH đảng bộ các cấp, theo ông, các cấp ủy cần chú ý thực hiện tốt những vấn đề gì?

. Ông Nguyễn Văn Tự: Để triển khai Chỉ thị 37-CT/TW, ngày 04/8/2009 của Bộ Chính trị về ĐH đảng bộ các cấp tiến tới ĐH đại biểu toàn quốc lần thứ 11 của Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng Kế hoạch số 80-KH/TU, ngày 30-9-2009 về triển khai ĐH Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2010 - 2015. Vấn đề quan trọng nhất là phải tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt các cấp và Hội nghị đảng viên ở cơ sở quán triệt thật đầy đủ theo tinh thần Chỉ thị 37, hướng dẫn công tác chuẩn bị và tiến hành ĐH đảng bộ các cấp của Bộ Chính trị và các ban Đảng Trung ương. Trên tinh thần đó, về phía Tỉnh ủy, đến nay, các tiểu ban của Tỉnh ủy đã và đang tích cực triển khai công tác chuẩn bị cho ĐH đảng bộ các cấp và ĐH Đảng bộ tỉnh (sẽ diễn ra trong tháng 9-2010). Riêng Tiểu ban nội dung đã chuẩn bị xong dự thảo lần 1 Báo cáo chính trị trình ĐH Đảng bộ tỉnh lần thứ 16.

Để ĐH đảng bộ các cấp trong toàn tỉnh tổ chức thành công, đảm bảo theo đúng yêu cầu đề ra, ngoài việc tổ chức tốt việc quán triệt Chỉ thị, hướng dẫn và kế hoạch như đã nêu trên, các huyện ủy, thị ủy, thành ủy và đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy cần tập trung chỉ đạo đảm bảo chất lượng nội dung các văn kiện, bảo đảm tiêu chuẩn và đúng quy trình công tác nhân sự, bảo đảm chặt chẽ công tác bảo vệ chính trị nội bộ, làm tốt công tác kiểm tra và xử lý đơn thư, chỉ đạo chặt chẽ và đẩy mạnh công tác tuyên truyền ĐH. Đối với việc thực hiện thí điểm tổ chức ĐH đảng bộ cơ sở bầu trực tiếp ban thường vụ, bí thư, phó bí thư, cần chọn một số cơ sở trong sạch vững mạnh tiêu biểu, một số cơ sở có vấn đề yếu kém để chỉ đạo điểm, rút kinh nghiệm.

Bên cạnh đó, trong quá trình chuẩn bị và tiến hành ĐH, các ban Đảng tỉnh phải thường xuyên theo dõi, giúp cho cấp huyện và tương đương; các huyện ủy, thị ủy, thành ủy và đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy theo dõi, giúp đỡ cho cơ sở để giải quyết chặt chẽ, kịp thời, đúng quy định những vấn đề liên quan đến hướng dẫn công việc ĐH.

. P.V: Năm 2009, Cuộc vận động (CVĐ) “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã có chuyển biến rõ rệt từ “học tập” sang “làm theo”. Tuy nhiên, CVĐ vẫn còn những mặt hạn chế ở một số nơi. Theo ông, tỉnh Khánh Hòa cần làm gì trong thời gian tới để CVĐ tiếp tục phát huy tác dụng, tạo ra sức lan tỏa mới trong Đảng bộ, quân và dân địa phương?

. Ông Nguyễn Văn Tự: Ngay từ đầu năm 2009, Ban Chỉ đạo CVĐ “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã tiến hành sơ kết, đánh giá những chuyển biến và những tồn tại sau 2 năm triển khai CVĐ. Bên cạnh những chuyển biến tích cực, Ban Chỉ đạo đã thống nhất nhận định còn một số tồn tại mà đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức thường mắc phải. Từ đó, Ban Chỉ đạo đã ban hành Quy định 74 về 7 chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cần phải chuyển biến thực sự trong CVĐ năm 2009 - 2010 trên cơ sở kế thừa Hướng dẫn số 45-HD/BCĐ, trong đó có điều chỉnh và bổ sung 2 vấn đề: Chuyển biến chất lượng sinh hoạt chi bộ và khắc phục thái độ vô cảm, thờ ơ, bàng quan trước tình hình chung của địa phương, đơn vị và những bức xúc, khó khăn của nhân dân, doanh nghiệp.

Nhờ có sự chỉ đạo quyết liệt đó mà CVĐ của tỉnh đã có những chuyển biến rõ rệt từ “học tập” sang “làm theo” tấm gương đạo đức của Bác, cụ thể như: Tinh thần trách nhiệm đối với công việc, ý thức chấp hành kỷ luật lao động tốt hơn, thái độ phục vụ nhân dân có thay đổi, giảm phiền hà sách nhiễu; tác phong, lề lối làm việc, quan hệ với dân có tiến bộ; ý thức tiết kiệm, chống lãng phí có chuyển biến tốt hơn, góp phần vào việc hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ năm 2009.

Tuy nhiên, nghiêm túc nhìn nhận rằng, một bộ phận đảng viên, cán bộ, công chức chưa có sự chuyển biến tích cực và đồng bộ. Có cán bộ, đảng viên vẫn còn làm việc theo cách cũ; tình trạng sách nhiễu, tham ô, hối lộ vẫn còn xảy ra, trong khi đó, lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị chưa biết gắn kết CVĐ với nhiệm vụ chính trị; kết hợp triển khai CVĐ với quá trình chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật của cơ quan, đơn vị mình nên đã làm hạn chế tác dụng, ảnh hưởng đến hiệu quả của CVĐ.

Để CVĐ tiếp tục phát huy tác dụng, tạo ra sức lan tỏa mới trong Đảng bộ, quân và dân địa phương cần phải có sự chỉ đạo sâu sát, kiên quyết của các cấp ủy; bí thư cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trước quần chúng nhân dân; cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhận thức đầy đủ, sâu sắc mục đích, ý nghĩa của CVĐ. Các cấp ủy phải coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục; quá trình triển khai CVĐ phải lồng ghép và gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện tốt Quy định 74 của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, qua đó, xây dựng nhân cách cán bộ, đảng viên sống cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư; nêu cao tinh thần trách nhiệm tận tâm với công việc, ý thức trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đồng thời, phải phân công kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện, đảm bảo hoàn thành các tiêu chí đã đề ra.

. P.V: Xin cảm ơn ông!

P.V (Thực hiện)