02:02, 13/02/2010

Thơ chúc Tết của Bác Hồ Tràn đầy niềm tin chiến thắng

Mỗi khi đất trời vào xuân, ta lại nghe vang vọng đâu đây lời thơ chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị cha già kính yêu, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới,  lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam. Những vần thơ giản dị, chan chứa tình cảm, tràn đầy tinh thần lạc quan và niềm tin chiến thắng của Bác đã thôi thúc, giục giã mỗi bước ta đi.

Mỗi khi đất trời vào xuân, ta lại nghe vang vọng đâu đây lời thơ chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị cha già kính yêu, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới,  lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam. Những vần thơ giản dị, chan chứa tình cảm, tràn đầy tinh thần lạc quan và niềm tin chiến thắng của Bác đã thôi thúc, giục giã mỗi bước ta đi.

Bác Hồ làm việc trong vườn Phủ Chủ tịch, năm 1957.
 

Như đã thành thông lệ, vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, các vị nguyên thủ quốc gia lại chúc Tết người dân. Nhưng có lẽ, làm thơ chúc Tết, coi đó như món quà mừng tuổi của mình gửi đồng bào cả nước như Chủ tịch Hồ Chí Minh thì chẳng ở đâu có được. Bên cạnh tập Nhật ký trong tù và nhiều bài thơ khác, Bác đã để lại cho chúng ta những bài thơ chúc Tết đầy ý nghĩa. Theo Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh, từ năm 1942 đến năm 1969, Bác Hồ có tới 22 bài thơ chúc Tết.

Cách đây gần 7 thập kỷ (năm 1941), sau 30 năm bôn ba ra nước ngoài tìm đường cứu nước, trở về Việt Nam, nhận thấy cơ hội đang đến gần, một năm sau - năm 1942 (xuân Nhâm Ngọ)ï - Bác đã làm bài thơ ”Chúc năm mới”, trong đó có những lời cổ vũ đầy tinh thần lạc quan: “Chúc toàn quốc ta trong năm này/ Cờ đỏ ngôi sao bay phất phới/ Năm này là năm Tết vẻ vang/ Cách mệnh thành công khắp thế giới”. Vừa nôm na, độc đáo, vừa khí thế, hào hùng, mỗi vần thơ của Bác đã gieo vào lòng người sức mạnh và cả những định hướng chiến lược sắp tới. Tết Bính Tuất (1946) là Tết rất đặc biệt. Chưa có năm nào, kể cả những năm sau này, Bác Hồ, lãnh tụ của dân tộc có đến 3 bài thơ chúc Tết: Thơ Chúc Tết Xuân Bính Tuất, Mừng Báo Quốc gia, Gửi chị em phụ nữ Xuân Bính Tuất cùng 4 bức thư gửi đồng bào toàn quốc nhân dịp năm mới và 1 bài báo có tên là Tết. Những lời thơ giản dị, giản dị như chính cuộc đời của vị lãnh tụ kính yêu, vừa tràn ngập sắc xuân, vừa toát lên ý chí lớn, ý chí cách mạng tiến công:“Bao giờ kháng chiến thành công/ Chúng ta cùng uống một chung rượu đào/ Tết này ta tạm xa nhau/ Chắc rằng ta sẽ Tết sau sum vầy” (Chúc Tết Xuân Bính Tuất). Có thể nói, đây là bài thơ chúc Tết đầu tiên của Bác trên cương vị người đứng đầu quốc gia. Trong bài thơ Mừng Báo Quốc gia, Bác khẳng định: “Tết này mới thực Tết dân ta/ Mấy chữ chào mừng báo Quốc gia/ Độc lập đầy vơi ba chén rượu/ Tự do vàng đỏ một rừng hoa/ Mọi nhà vui đón Xuân dân chủ/ Cả nước hoan nghênh phúc Cộng hòa…”. Lời chào mừng, lời chúc Tết của Bác ngập tràn trong niềm hân hoan sung sướng khi dân tộc thoát khỏi xiềng xích nô lệ. Rõ ràng, giờ đây ta mới thực sự có cái Tết theo đúng nghĩa “Tết dân ta”; ta được hưởng nền độc lập, tự do, dân chủ, cộng hòa với đầy đủ hương vị xuân, có cả rượu và hoa.

Giao thừa năm Đinh Hợi 1947, đồng bào cả nước được nghe giọng nói trầm ấm của Người trên sóng phát thanh của Đài tiếng nói Việt Nam bài thơ chúc Tết:“Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió/ Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông/ Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến/ Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng/ Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào!/ Sức ta đã mạnh, người ta đã đông/ Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi!/ Thống nhất độc lập, nhất định thành công!”. Chẳng phải ngẫu nhiên mà trong các bài thơ Tết, giữa phút giây giao thừa thiêng liêng,  Bác Hồ nhắc nhiều đến độc lập tự do của dân tộc. Bởi, đó chính là nỗi niềm đau đáu lo cho dân cho nước; là tấm lòng yêu nước thương nòi mênh mông của Bác. Bài thơ chúc Tết như lời hịch kêu gọi, khích lệ toàn dân kháng chiến và tin tưởng một điều chắc chắn rằng cách mạng sẽ nhất định thắng lợi. Những năm sau đó, năm nào Bác cũng làm thơ với khát khao cháy bỏng:“Thống nhất chắc chắn được/ Độc lập quyết thành công” (Thơ chúc Tết Xuân Mậu Tý - 1948); “Ta nhất định thắng/ địch nhất định thua” (Thơ chúc Tết Xuân Kỷ Sửu - 1949); “Trường kỳ và gian khổ/ Chắc thắng trăm phần trăm”(Thơ chúc Tết Xuân Nhâm Thìn - 1952). Tháng 12-1967, dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cơ sở phân tích tình hình thời sự trong và ngoài nước, Hội nghị Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định mở đợt tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Tết năm ấy, Bác đã làm một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt:“Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua/ Thắng trận tin vui khắp nước nhà/ Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ/ Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!” (Thơ chúc Tết Xuân Mậu Thân - 1968). Bài thơ như một bài ca chiến thắng, vừa động viên khích lệ, vừa thôi thúc, giục giã toàn dân đứng lên đánh giặc. Lời thơ chất chứa biết bao cảm hứng từ lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông. Làm theo lời Bác, Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968 của Quân giải phóng miền Nam đã gây chấn động lớn trên thế giới. Chiến thắng Tết Mậu Thân mang tầm vóc lịch sử lớn, đánh dấu bước ngoặt quan trọng có ý nghĩa chiến lược của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Và một năm sau, âm hưởng chiến thắng vẫn ngân vang trong thơ Bác:“Năm qua thắng lợi vẻ vang/ Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to/ Vì độc lập, vì tự do/ Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào/ Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào/ Bắc - Nam sum họp, xuân nào vui hơn” (Thơ chúc Tết Xuân Kỷ Dậu - 1969). Thua trên chiến trường miền Nam, Mỹ đã dùng không quân và hải quân đánh phá miền Bắc, ngăn chặn sự chi viện từ Bắc vào Nam, hòng cô lập và đè bẹp cách mạng miền Nam. Tuy nước nhà vẫn còn bóng quân xâm lược, nhưng Bác luôn tin tưởng ở ngày Bắc - Nam sum họp. Những câu thơ giản dị, dễ đọc, dễ hiểu đã thể hiện lòng quyết tâm bảo vệ Tổ quốc của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta. Chính vì vậy, ngày ấy đồng bào trong nước và kiều bào ở nước ngoài ai cũng thuộc thơ Bác. Những vần thơ được phổ nhạc, trở thành hồi kèn xung trận của lớp lớp thanh niên; của tất cả dân tộc Việt Nam. Nghẹn ngào thay, bài Thơ chúc Tết Xuân Kỷ Dậu - 1969 ấy lại chính là bài thơ chúc Tết cuối cùng của Bác Hồ kính yêu! Bác không còn nữa để ngày thống nhất đất nước, đồng bào ta được nghe thơ Người. Nhớ ơn Người, lớp lớp thế hệ cháu con nguyện sống, học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại.

Đã bao mùa xuân đi qua, bao mùa xuân vắng Bác, nhưng trong mỗi trái tim khối óc của chúng ta vẫn in đậm hình bóng Người; in đậm những câu thơ tràn đầy niềm tin chiến thắng. Giao thừa xuân Canh Dần đang đến, lòng ta lại ngân nga câu thơ của nhà thơ Tố Hữu:“Bác ơi! Tết đến, giao thừa đó. Vẫn đón nghe thơ Bác mọi lần”.

 

THU GIANG