04:02, 18/02/2010

Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình

Đời người, ai cũng mong có cuộc sống yên bình, hạnh phúc, nhưng điều này đâu dễ có được. Cuộc sống vẫn còn đó những người nghèo khó, chật vật mưu sinh; chống chọi với những căn bệnh nan y; vẫn còn đó  những đứa trẻ mồ côi, không nơi nương tựa…

 

 Niềm vui bình dị

Những đứa trẻ này vui mừng khi được các cô, các chú đến thăm và tặng quà.

Gần đến Tết, ai cũng bận rộn với những công việc không tên cuối năm nhưng khi nghe chị Trần Thị Phước (20 Tô Vĩnh Diện, Nha Trang) - được xem là nhóm trưởng thông báo sẽ có chuyến đi thăm các cháu nhỏ mồ côi được nuôi dưỡng tại chùa Thanh Sơn (Cam Lâm), các anh chị trong nhóm vẫn thu xếp công việc và hăng hái tham gia. Năn nỉ mãi, cuối cùng mấy chị trong nhóm cũng đồng ý cho nhà báo tham gia, bởi trước đó khi biết tôi có ý định “thâm nhập thực tế” để viết bài, các chị đã gạt phắt: “Giúp người khó khăn hơn mình là việc ai cũng có thể làm, viết báo làm gì?”.

Đoàn xuất phát tại Nha Trang vào buổi trưa. Cả nhóm có khoảng hai chục người nhưng xe chỉ mượn được 2 chiếc. Lần này, ai đi cũng kèm thêm người: vợ thêm chồng, mẹ thêm con… nên phải có ít nhất 3 chiếc xe mới “chất” đủ. Lúng túng một hồi, một ý kiến đưa ra: Phải “loại bớt” cho đủ “quân số” xe. Lập tức, ý kiến này bị phản đối dữ dội. Người nào cũng nhất định đòi đi bằng được, ai cũng muốn được tự tay mình tham gia nấu một bữa ăn cho các em nhỏ ở chùa Thanh Sơn. Tất cả đều quyết tâm: “Đi du lịch, thiếu xe thì ở lại không sao, chứ đi làm từ thiện thì quyết không ở nhà!”. Cuối cùng, chị Phước nhóm trưởng đành tặc lưỡi, thôi thì ráng “quan hệ ngoại giao” để kiếm thêm một chiếc xe nữa để chở mọi người.

Xe nhỏ, người đông, hàng hóa nhiều, đường xa nhưng không ai kêu ca. Chị Phước cho biết: “Chuyến đi lần này có hơn 10 triệu đồng tiền đóng góp của toàn nhóm. Cả nhóm phân công nhau, lên danh sách và đi chợ để mua mì tôm, dầu ăn, gạo…; trích một phần mua nguyên liệu  để “thết đãi” một bữa bánh canh chay thật ngon cho mấy em nhỏ ở chùa Thanh Sơn”.

Đến nơi, sau màn làm quen thân thiện, các chị nhanh chóng xắn tay áo vào bếp. Bữa nay có mấy anh trong nhóm hỗ trợ nhặt rau, nấu nước; lại thêm các cháu nhỏ răm rắp theo lời bố mẹ và các cô chú sai bảo, ai chỉ gì làm nấy... nên chẳng mấy chốc, bữa ăn đã hoàn tất.  Nhìn mấy cháu nhỏ mồ côi cha mẹ hít hà thưởng thức tô bánh canh, chén chè, các anh chị vừa ứa nước mắt vì thương vừa cảm thấy những gì nhóm làm được dường như còn quá ít ỏi… Không ai bảo ai nhưng tất cả đều thầm hứa trong lòng họ sẽ quay lại đây để làm nhiều điều ý nghĩa hơn nữa cho những đứa trẻ côi cút, bất hạnh nơi này…

 “Sống trên đời cần có một tấm lòng…”

"Nào, con ăn đi, chú thương"!

Nhóm của chị Phước có khoảng 20 thành viên, gồm đủ thành phần: giáo viên, dân kinh doanh, nhân viên…. Họ đã làm từ thiện cùng nhau được gần 5 năm. 5 năm qua, họ đã tổ chức nhiều chuyến đi đến các vùng trong và ngoài tỉnh để mang niềm vui đến với những mảnh đời nghèo khó. Chị Phước nói, không thể nhớ con số cụ thể mà cả nhóm đã giúp đỡ, vì “đi làm từ thiện, cần gì ghi chép”. Nhưng mỗi chuyến đi là những kỷ niệm khó quên. Chỉ tính riêng năm 2009, nhóm đã đến chùa Lộc Thọ, Mái ấm Anh Đào, chùa Sư cô Đức An (Ninh Hòa) hỗ trợ mỗi nơi 3 tạ gạo và 3 triệu đồng; hỗ trợ 6 tạ gạo cho các hộ nghèo tại xã Ninh Đa (Ninh Hòa); hỗ trợ 3 tạ gạo và 5 triệu đồng cho chùa Thanh Sơn; giúp 3 hộ nghèo ở Khánh Vĩnh và Khánh Sơn mỗi hộ 1 tạ gạo, 2 triệu đồng… Gần nhất, tháng 10-2009 vừa qua, sau cơn bão số 11, nhóm đã vận động được 21,5 triệu đồng hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại tại xã La Hai, huyện Tuy An (tỉnh Phú Yên). Trong dịp đến các xã: Ninh Đông, Ninh Tân, Ninh Đa (Ninh Hòa) nhóm đã chia sẻ 120 suất quà (trị giá 23,4 triệu đồng) và 12 triệu đồng cho những người bị tàn tật đang rất khó khăn trong cuộc sống…

Chị Đỗ Thị Thu Nhi (kinh doanh thuốc Tây) tâm sự, từ nhỏ, chị đã thấy cha mình (làm nghề kinh doanh, xay xát gạo) thường xuyên giúp gạo những hộ nghèo khó . Cha còn dạy chị khi giúp đỡ ai, nhớ phải đưa bằng hai tay… Khi có gia đình và cuộc sống dần ổn định, chị bắt đầu tham gia các hoạt động từ thiện. Theo chị Nhi, làm từ thiện không cần chờ khá giả; hễ ai khó khăn hơn mình là xứng đáng được giúp; khả năng của mình tới đâu giúp tới đó; hàng ngày, chỉ cần biết tiết kiệm chi tiêu một chút là cũng dư được để giúp người khác. Ở nhà có tiệm thuốc Tây nên trước đó chị vẫn thường mang những loại thuốc thiết yếu (cảm cúm, đau bụng, thuốc bổ) đến giúp các cơ sở nuôi dưỡng trẻ em tật nguyền, người già cô đơn hay trẻ mồ côi. Sau khi tham gia nhóm, những chuyến đi từ thiện của chị càng nhiều hơn…

Chị Trần Thị Phước lại thường đọc Báo Khánh Hòa, chú ý những hoàn cảnh khó khăn đăng trên báo để ủng hộ giúp đỡ qua Hộp thư từ thiện của Báo. Lần gần đây, nghe tin cháu Nguyễn Dương Huyền Trâm (học sinh lớp 1/6 Trường Tiểu học Phước Tiến) mới 6 tuổi đã mắc bệnh ung thư cổ tử cung, chị đã tìm đến tận nơi ở trọ của gia đình cháu để thăm và hỗ trợ. “Mình có có cuộc sống ổn định nên có điều kiện để giúp đỡ những người kém may mắn hơn… Với những gia đình rơi vào cảnh tuyệt vọng, chỉ cần mỗi người giúp một chút là họ đủ sức đứng lên, vượt qua thời điểm khó khăn nhất. Làm như vậy, bản thân mình cũng cảm thấy hạnh phúc” - chị Phước tâm sự.

Với những người được giúp đỡ, họ xem những người đã đến động viên, chia sẻ, ủng hộ… như các anh chị nói trên là ân nhân của đời mình. Cách đây mấy năm, chị Nguyễn Thị Xuân Đào (14 Hương Điền, phường Phước Hải, Nha Trang) sinh con thứ hai bị sứt môi hở hàm ếch và dị tật bộ phận sinh dục, không bú mẹ được, ốm đau suốt, chị Đào phải nghỉ ở nhà trông con. Cả gia đình 4 người chỉ biết trông vào thu nhập làm thuê quá ít ỏi, lại bấp bênh của người chồng. Chính lúc đó, gia đình chị Đào được một số nhà hảo tâm và chính quyền địa phương giúp đỡ, tạo điều kiện cho con chị được phẫu thuật miễn phí. Bây giờ, với gánh rau bán dạo của chị, kinh tế gia đình đã tạm ổn; cậu con trai bệnh tật năm nào đã khỏe mạnh. Có niềm vui hôm nay, chị Đào luôn thầm cảm ơn những người đã giúp đỡ mình.

Dù vậy, những người đi làm từ thiện thầm lặng như chị Phước, chị Nhi, chị Trang (cửa hàng bán đồ thể thao - 25 Phan Chu Chinh), chị Ngọc (Tiệm vàng Anh Ngọc - 43 Nguyễn Thái Học), chị Thủy - Tâm (đường Nguyễn Đình Chiểu), chị Thủy (22 Lam Sơn), chị Cẩm (43 Phước Long), chị Hiếu (Ngân hàng Công thương Khánh Hòa), chị Thọ (11/1 Bạch Đằng), chị Hồng (37 Lê Đại Hành), chị Vân Anh (84 Phan Bội Châu), anh Quang (Công ty TNHH Độc Lập)… vẫn cảm thấy những việc làm của mình còn quá ít ỏi, bởi cuộc sống xung quanh vẫn còn rất nhiều những mảnh đời cần được cưu mang, giúp đỡ. Với họ, làm từ thiện xuất phát từ cái tâm. Vì thế, không gì vui hơn khi các anh chị luôn có sự hậu thuẫn của gia đình. Vợ chồng đồng thuận, con cái sớm hiểu nghĩa “tương thân tương ái”, niềm hạnh phúc bình dị ấy đâu phải ai cũng có!   

 XUÂN BÌNH

 

 

Đời người, ai cũng mong có cuộc sống yên bình, hạnh phúc, nhưng điều này đâu dễ có được. Cuộc sống vẫn còn đó những người nghèo khó, chật vật mưu sinh; chống chọi với những căn bệnh nan y; vẫn còn đó  những đứa trẻ mồ côi, không nơi nương tựa… Với tâm niệm đầy tình người “sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”, suốt 5 năm qua, một nhóm người ở Nha Trang đã thầm lặng tìm đến những mảnh đời bất hạnh để sẻ chia, giúp đỡ, tiếp thêm cho họ niềm tin để vượt qua khó khăn…