Trở thành Cảng Hàng không quốc tế, sân bay Cam Ranh từng bước khẳng định thương hiệu cũng như quyết tâm của lãnh đạo và nhân dân tỉnh Khánh Hòa trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, từng bước hội nhập với nền kinh tế thế giới.
Trở thành Cảng Hàng không quốc tế (CHKQT), sân bay Cam Ranh từng bước khẳng định thương hiệu cũng như quyết tâm của lãnh đạo và nhân dân tỉnh Khánh Hòa trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, từng bước hội nhập với nền kinh tế thế giới.
Cắt băng khánh thành nhà ga hành khách và công bố Cảng Hàng không Cam Ranh là cảng hàng không quốc tế |
Chuyến bay quốc tế đầu tiên đáp xuống Sân bay quốc tế (SBQT) Cam Ranh với 71 hành khách đến từ Singapore vào một ngày cuối năm. Từ chuyến bay này, một tương lai mới đã mở ra cho ngành Hàng không trong lộ trình thực hiện cam kết “đường bay mở”.
Hiện nay, SBQT Cam Ranh là sân bay du lịch có tần suất lớn thứ 5 toàn quốc với lượng khách thông qua nhà ga hàng ngày khoảng 1.800 người, hàng hóa hành lý bưu kiện khoảng 18 tấn. Tốc độ tăng trưởng bình quân 10 năm trở lại đây của Sân bay Cam Ranh (SBCR) là 15,5%/năm; 5 năm trở lại đây là 20%/năm. Được sự quan tâm của Chính phủ, ngành Hàng không và tỉnh Khánh Hòa, những năm qua, SBCR đã từng bước được đầu tư cơ sở vật chất và hạ tầng theo chuẩn quốc tế như: Đài kiểm soát không lưu (ĐKSKL), nhà ga mới, hệ thống đèn bay đêm, đường băng thứ 2, xe cứu hỏa… Đây là điều kiện cần để SBCR từng bước hiện đại hóa, xứng tầm quốc tế.
Còn nhớ, tại buổi lễ công bố SBCR trở thành CHKQT, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đánh giá cao những tiềm năng và lợi thế của SBQT Cam Ranh. Ông đề nghị Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo chặït chẽ để đảm bảo việc khai thác nhà ga hành khách có hiệu quả. Cam Ranh là cửa ngõ du lịch của cả nước, vì thế việc nâng cao chất lượng dịch vụ ở nhà ga là vấn đề tối quan trọng, cần tập trung để nhà ga có thể trở thành nhà ga kiểu mẫu, đủ sức cạnh tranh với các nhà ga trong khu vực. Theo quy hoạch CHKQT Cam Ranh đến năm 2030, sau khi hoàn thành giai đoạn 1 (2020), SBCR được đánh giá là một trong những sân bay hiện đại nhất Việt Nam. Quy trình vận chuyển hành khách, hành lý tại nhà ga tuân thủ đúng tiêu chuẩn quốc tế. Việc bố trí ga quốc tế và quốc nội tương đối riêng biệt tạo điều kiện để thực hiện chuẩn hóa quy trình thủ tục hàng không đáp ứng nhu cầu đơn giản hóa thủ tục, đảm bảo an ninh, an toàn. Hệ thống trang thiết bị nhà ga hiện đại, phòng chờ rộng rãi, thoáng đãng, luồng di chuyển hợp lý….
Trở lại SBCR vào những ngày đầu năm mới, không khí nơi đây dường như nhộn nhịp hơn với lượng khách ra vào tấp nập mỗi khi có chuyến bay đến hoặc đi. Ngồi nhâm nhi ly cà phê ở sảnh chờ, nhìn dòng người qua lại, chúng tôi cảm nhận được sự thay đổi từng giờ, từng phút của nơi này. Mơ ước một sân bay ngang tầm khu vực có lẽ không còn xa. Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Chín - Việt kiều Mỹ luôn miệng trầm trồ: “Ở đây thay đổi nhanh thật, năm ngoái tôi về còn đi nhà ga cũ nhưng giờ nhà ga đã hiện đại và quy mô hơn. Thủ tục cũng nhanh chóng, không mất nhiều thời gian như trước”. Ông cho biết thêm, người Việt ở hải ngoại rất quan tâm đến tin tức hàng ngày của quê hương, đặc biệt là những dự án lớn có tầm quốc tế làm thay đổi bộ mặt đô thị. Không chỉ khách Việt mà người nước ngoài cũng đánh giá cao sự phát triển của SBCR, một du khách Nga nhận định: “Nếu SBCR có chuyến bay quốc tế từ Nga đi Cam Ranh, tôi khẳng định sẽ có rất nhiều hành khách lựa chọn. Hiện nay, lượng khách Nga có nhu cầu du lịch và làm việc tại Khánh Hòa rất nhiều. Đường bay thẳng sẽ là lựa chọn tốt nhất của chúng tôi vì tiết kiệm thời gian, hơn nữa đường bay cũõng rất đẹp”.
Trở thành SBQT là bước phát triển vượt bậc của SBCR. Tuy nhiên, để thu hút các chuyến bay quốc tế đến SBCR ngày càng nhiều không phải là chuyện một sớm một chiều. Khánh Hòa ngoài tiềm năng du lịch, còn có thế mạnh về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và hàng loạt dự án đang được triển khai như: Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong, Kho Xăng dầu ngoại quan, Khu Du lịch Bắc Bán đảo Cam Ranh… Khi đi vào hoạt động, những dự án này sẽ thu hút lượng lớn khách quốc tế đến tham quan, giao thương. Bên cạnh đó, các tỉnh lân cận như Phú Yên, Ninh Thuận, Đắc Lắc cũng đang triển khai nhiều dự án lớn. Điều này cũng góp phần thu hút khách quốc tế đến SBCR vì hạ tầng giao thông từ Khánh Hòa đi các tỉnh tương đối thuận lợi.
Nếu được khai thác tốt, SBCR đủ khả năng cạnh tranh với các nhà ga trong nước và khu vực. Đó là điều mà chúng ta hoàn toàn có thể làm được, khi SBCR đã hội đủ những điều kiện cần và có. Từ đây, sẽ có nhiều chuyến bay mang hình ảnh Khánh Hòa bay xa hơn…
NHÃ UYÊN