06:02, 21/02/2010

Phép màu của y thuật

Tháng 9-2009, lần đầu tiên, bác sĩ Huỳnh Văn Thưởng, Phó Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Trưởng nhóm Can thiệp tim mạch Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa được mời tham dự Hội nghị Tim mạch can thiệp toàn thế giới tổ chức tại Mỹ.

° Kỹ thuật nong mạch vành - Bước phát triển ngoạn mục

 

Các bác sĩ đang thực hiện một ca nong mạch vành tại BVĐK tỉnh Khánh Hòa .

Tháng 9-2009, lần đầu tiên, bác sĩ Huỳnh Văn Thưởng, Phó Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Trưởng nhóm Can thiệp tim mạch (CTTM) Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Khánh Hòa được mời tham dự Hội nghị Tim mạch can thiệp toàn thế giới tổ chức tại Mỹ. Đây không phải là chuyến đi bình thường, bởi để có được chuyến đi này, bác sĩ Thưởng và các đồng nghiệp đã phải nỗ lực rất nhiều và đạt được kết quả xuất sắc trong hoạt động CTTM (nhà tổ chức chỉ căn cứ vào kết quả hoạt động của các phòng CTTM để gửi giấy mời). Sau chuyến đi, bác sĩ Thưởng nhận ra rằng, tuy được trang bị khá hiện đại, nhưng so với các Phòng CTTM trong nước và trên thế giới, trang thiết bị của Phòng CTTM ở Khánh Hòa vẫn còn rất khiêm tốn. Tuy nhiên, điều khiến bác sĩ Thưởng và các đồng nghiệp cảm thấy phấn khởi, tự hào đó là tuy khiêm tốn về trang thiết bị, con người, nhưng những kết quả mà Phòng CTTM Khánh Hòa đạt được khiến bạn bè các nước hết sức ngạc nhiên và thán phục.

Hoạt động từ tháng 2-2009, đến thời điểm này, đơn vị CTTM BVĐK tỉnh đã thực hiện hơn 240 ca CTTM, chủ yếu là nong mạch vành điều trị nhồi máu cơ tim cấp, nhồi máu cơ tim mãn, tắc gốc động mạch vành trái, chụp động mạch thận, chụp buồng tim, chụp động mạch chi tìm dị dạng mạch máu… Điều khiến bạn bè trên thế giới ngạc nhiên chính là số lượng ca CTTM ấn tượng mà nhóm CTTM BVĐK tỉnh đã thực hiện. Bởi hiện bộ phận này chỉ có 2 bác sĩ, trong đó duy nhất 1 người đảm nhận được các ca nong mạch vành. Bạn bè cũng không khỏi thán phục khi biết rằng, tuy đã thực hiện hơn 240 ca, nhưng Phòng CTTM BVĐK tỉnh chưa có trường hợp nào bị tai biến. Tuy có những tình huống “ngàn cân treo sợi tóc” nhưng tất cả đều được xử trí nhanh, hiệu quả. Dự kiến thời gian tới, đơn vị CTTM BVĐK tỉnh sẽ triển khai một số kỹ thuật cao như: nong động mạch thận, bít còn ống động mạch, bít thông liên nhĩ, bít thông liên thất trong điều trị tim bẩm sinh.

Được biết, hiện nay mới chỉ có 4 khu vực ở Việt Nam có Phòng CTTM hoạt động hiệu quả là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Huế - Đà Nẵng và Khánh Hòa. Thực tế, thời gian qua đã có rất nhiều địa phương đầu tư trang thiết bị máy móc trị giá hàng chục tỉ đồng, đưa người đi đào tạo ở TP. Hồ Chí Minh, Singapore… nhưng vẫn không triển khai được hoạt động CTTM, bởi kỹ thuật này rất khó.

° Thay khớp háng nhân tạo: Độc lập tác chiến

Trong chuyên ngành Chấn thương chỉnh hình, thay khớp là một trong những kỹ thuật chuyên sâu, đòi hỏi tay nghề cao. Triển khai cách đây 5 năm, đến nay, các bác sĩ BVĐK tỉnh đã có thể “độc lập tác chiến” thực hiện kỹ thuật thay khớp háng nhân tạo (TKHNT) (không cần chuyên gia tuyến trên đứng kèm hoặc làm giúp phần việc khó). Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, kỹ thuật TKHNT ở BVĐK tỉnh hiện đã ngang tầm các trung tâm lớn ở 2 đầu đất nước là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Riêng khu vực miền Trung - Tây Nguyên, hiện chỉ có Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng và Khánh Hòa thực hiện tốt kỹ thuật này không cần sự trợ giúp của BV tuyến trên.

Theo bác sĩ Phan Hữu Chính, Trưởng khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình BVĐK tỉnh, TKHNT là kỹ thuật rất phức tạp do nơi phẫu thuật có nhiều dây thần kinh, mạch máu, cơ. Khó khăn khi thực hiện kỹ thuật này là phải đặt khớp nhân tạo chính xác gần như khớp tự nhiên, để sau khi hồi phục, bệnh nhân có thể đi lại bình thường. Bên cạnh đó, khả năng gây mê hồi sức và giảm đau sau mổ cũng phải tốt thì ca mổ mới thành công.

 

Một ca phẫu thuật thay khớp háng tại BVĐK tỉnh.

Cũng theo bác sĩ Chính, trong cơ thể con người, xương là bộ khung có nhiệm vụ chống đỡ cơ thể, chịu toàn bộ sức nặng của cơ thể cũng như ngoại lực khi vận động hàng ngày mà trong đó, xương sống, khớp háng và khớp gối là những nơi chịu tác động nhiều nhất. Ở người lớn tuổi, xương thường giòn và dễ gãy, dù chỉ bị chấn thương nhẹ, và một trong những trường hợp gãy xương thường gặp nhất là gãy cổ xương đùi. Theo thống kê, những người từ 50 tuổi trở lên đều có thể bị chấn thương này. Riêng ở Việt Nam, cứ 10 người bị gãy cổ xương đùi thì 9 người trên 50 tuổi.

Gãy cổ xương đùi là một loại gãy xương nặng, khó liền và thường có nhiều biến chứng. Để giải quyết tình trạng này, biện pháp hiệu quả nhất hiện nay là thay khớp nhân tạo. Khớp nhân tạo được làm bằng gốm và có tuổi thọ đến 35 năm, phù hợp với cơ thể người và không bị thải loại sau khi ghép. Thay khớp xong, bệnh nhân có thể đi lại, sinh hoạt, làm việc như những người bình thường.

Vào một ngày đầu xuân, chúng tôi có dịp gặp gỡ cụ bà Trần Thị Thọ, 78 tuổi, ở đường Lê Hồng Phong (Nha Trang). Sau khi được TKHNT tại BVĐK tỉnh, cụ Thọ vui vẻ cho biết: “Tôi có cảm giác như được sinh ra lần thứ hai. Mấy năm nay, tôi chỉ ngồi trên xe lăn. Bây giờ thay khớp xong, tôi có thể đi lại bình thường  chẳng khác gì trước kia. Vừa qua, tôi đã cùng cháu nội đi du lịch Hà Nội, Sa Pa. Điều đó như là phép lạ!”.

N.K