1. Một ngày đầu tháng 3-1986, ở thôn Phú Ân Nam, xã Diên An (Diên Khánh), cậu bé Hồ Thành Nhân chào đời trong sự vui mừng khôn xiết của gia đình. Mẹ cậu là người vui nhất, vì sau gần 10 năm chị mới mang thai đứa con thứ hai khi tuổi đã xấp xỉ 40.
1. Một ngày đầu tháng 3-1986, ở thôn Phú Ân Nam, xã Diên An (Diên Khánh), cậu bé Hồ Thành Nhân chào đời trong sự vui mừng khôn xiết của gia đình. Mẹ cậu là người vui nhất, vì sau gần 10 năm chị mới mang thai đứa con thứ hai khi tuổi đã xấp xỉ 40. May là cuối cùng cũng “mẹ tròn con vuông”. Cậu bé Nhân sinh ra vừa bụ bẫm vừa dễ thương với đôi mắt sáng, khuôn mặt thông minh, lanh lợi. Thế nhưng, vui chưa được bao lâu thì gia đình bé Nhân nhận được tin sét đánh khi bác sĩ thông báo Nhân bị bệnh tim bẩm sinh (thông liên thất). Khi ấy, Nhân mới được hơn 20 ngày tuổi, còn đỏ hỏn trong vòng tay của mẹ nhưng lúc nào cũng húng hắng ho, thở khò khè, hay giật mình… Cứ tưởng con bị những chứng bệnh hô hấp thông thường như những đứa trẻ khác, ai ngờ… Chăm con bị bệnh tim cực mấy ba mẹ bé Nhân cũng không nề hà, thế nhưng họ lại bị ám ảnh lời khuyên của bác sĩ: “Anh chị nên mổ sớm cho cháu, nếu không cháu sẽ không sống quá 15 tuổi”…
Bé Nhân cùng ba mẹ tại một buổi học tiếng Anh ở Văn phòng Vinacapital Nha Trang. |
2. “Cả nhà tôi sống bằng mấy sào ruộng, chỉ đủ lo cơm hàng ngày, lấy đâu ra mấy chục triệu đồng để mổ cho con?” – chị Lý , mẹ bé Nhân ứa nước mắt nhớ lại. Từ khi Nhân bị bệnh, chị bỏ hết công việc, suốt ngày ở bên con; cả khi con ngủ chị vẫn thức, vì chị sợ nếu không để ý, có thể Nhân sẽ bỏ chị mà “đi” bất cứ lúc nào. Cơ thể yếu ớt của bé cứ phải chống chọi với những cơn ho dai dẳng và khó thở, nhiều khi chị Lý cứ phải áp tai vào lồng ngực mới nghe được tiếng đập khào khào của trái tim có vấn đề của con. Từ ngày Nhân bị bệnh, cả nhà chị ai cũng phải tập “đi nhẹ, nói khẽ”, tránh cho Nhân bị giật mình. Riêng chị Lý, mỗi lần thấy con khó thở, chị lại cảm thấy trái tim mình như bị ai đó bóp nghẹt, thương con mà không làm gì được cho con nên lòng chị day dứt khôn nguôi. “Hai vợ chồng tui cũng dành dụm, chắt bóp, chi tiêu tiết kiệm nhưng mãi cũng không có đủ tiền để mổ cho cháu. Không có tiền để mổ nên vợ chồng tui mong con… đừng lớn, vì tui sợ đến năm Nhân 15 tuổi, nếu đúng như lời bác sĩ nói thì…” – anh Hoàng, ba của Nhân bỏ dở câu chuyện, mắt đỏ hoe.
5 tuổi, Nhân mới được ba mẹ cho đi học mẫu giáo. Tuy còn nhỏ nhưng Nhân đã biết mình đang bị bệnh, không khỏe như các bạn khác nên cậu bé rất có ý thức “giữ mình”. Giờ ra chơi, Nhân ngồi một góc nhìn các bạn hoặc đọc sách. Lớn hơn một chút, Nhân cũng ra chơi với các bạn nhưng không dám chạy nhảy nhiều. Mang trong người một trái tim yếu ớt, bệnh tật nhưng Nhân học rất giỏi, năm nào cậu cũng là học sinh giỏi của trường. Về nhà, được ba mẹ cưng chiều nhưng Nhân không bao giờ làm nũng, vòi vĩnh; cậu bé chỉ có một sở thích duy nhất: học và học. Nhiều lần thấy ba mẹ buồn vì không có tiền mổ tim cho mình, Nhân thầm ước: “Giá như có ông bụt xuất hiện…”
3… Và “ông bụt” của Nhân xuất hiện thật. Đó là vào năm Nhân 11 tuổi. Năm 2006, tình cờ biết thông tin Tập đoàn Vinacapital sẽ tài trợ mổ tim miễn phí cho trẻ em nghèo, ba má Nhân mừng khôn xiết. Cả huyện Diên Khánh có 6 bé được đưa vào danh sách mổ tim miễn phí. Lúc đó, Nhân chưa biết “ông bụt” của mình là ai. Ca mổ được tiến hành ở Bệnh viện Triều An (TP. Hồ Chí Minh). Trước khi lên bàn mổ, Nhân “an ủi” ba má: “Con sẽ khỏe mà, không sao đâu” khi thấy hai người quá lo lắng và hồi hộp. Rồi ca mổ cũng kết thúc. Nhân mở mắt tỉnh dậy và thấy ngực của mình bị băng bó với một vết sẹo dài. Chỉ mười ngày sau, Nhân đã hồi phục hoàn toàn, cậu bé có thể đi đứng thoải mái mà không còn sợ sệt ngó trước nhìn sau. 2 tháng sau đó, Nhân được mời về tỉnh dự họp mặt với nhà tài trợ. Lúc này, cậu bé mới có dịp diện kiến “ông bụt” của mình – đó chính là Tổng Giám đốc Tập đoàn Vinacapital Don Lam.
Không hiểu sao, ông Don Lam lại có tình cảm đặc biệt với bé Nhân ngay tại buổi gặp mặt hôm ấy, nhất là khi Nhân thay mặt hàng chục đứa trẻ lên phát biểu cám ơn nhà tài trợ. Bài phát biểu của Nhân đã làm ông Don Lam xúc động thật sự. Vẻ thông minh, lanh lợi và hiền lành của cậu bé đã khiến ông “để ý” nhiều hơn đến Nhân. Còn Nhân, cậu cũng ấn tượng với “ông bụt” của mình ngay từ lần gặp gỡ ấy nhưng cậu chưa bao giờ nghĩ đến việc mình sẽ gặp được “ông bụt” lần nữa vì Nhân nghe nói ông ấy làm việc ở tận nước Anh và rất bận rộn với công việc điều hành Tập đoàn.
Thế nhưng, không ai ngờ sau lần gặp gỡ ấy, chính ông Don Lam đã tìm đến nhà bé Nhân trong một lần ông về thăm các cháu được mổ tim ở Khánh Hòa vài tháng sau đó. Sau này, người trợ lý của ông kể lại: “Ngay khi vừa đặt chân đến sân bay Cam Ranh, ông Don Lam không về khách sạn nghỉ ngơi mà bảo tài xế tìm đường đến nhà bé Nhân ngay. Dường như, ông ấy muốn đích thân nói với bé Nhân điều hệ trọng gì đó…”.
4. “Con có thích học tiếng Anh không?”, “Sau này con thích làm gì”, “Con đã khỏe hẳn chưa?”… - ông Don Lam ân cần hỏi bé Nhân. “Con thích sau này sẽ trở thành thầy giáo, con sẽ cho “ra lò” những học trò thật giỏi…”. Câu trả lời vừa người lớn vừa… con nít của Nhân khiến ông Don Lam bật cười. Ông quay sang nói gì đó bằng tiếng Anh với người trợ lý rồi nhẹ nhàng nói với ba mẹ Nhân: “Anh chị nuôi cháu thật khỏe, còn chuyện học để tôi tính. Trước mắt, tôi muốn Nhân vào TP. Hồ Chí Minh để học trường quốc tế, sau đó nếu Nhân học giỏi, tôi sẽ tạo điều kiện cho cháu theo học ở nước ngoài…”. Lại một lần nữa ba mẹ bé Nhân cảm thấy bất ngờ, họ cứ đứng như trời trồng và quên cả cám ơn vị Tổng Giám đốc. “Tất cả như một giấc mơ, ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi” – ba của Nhân xúc động kể lại.
Giờ thì Nhân đã xem “ông bụt” Don Lam như cha nuôi, ngược lại ông Don Lam dù bận trăm công ngàn việc vẫn không quên hỏi thăm bé Nhân qua những cộng sự của mình tại Việt Nam. Cậu bé Nhân còm cõi, ốm yếu hôm nào giờ đã đang trong giai đoạn “dậy thì”, cao 1,5 mét, nặng 41 kg (trước khi mổ tim, Nhân chỉ cao hơn 1,3 mét, nặng 29 kg). Một tuần 3 buổi chiều, Nhân lại tự đón xe buýt để xuống Nha Trang học tiếng Anh với một giáo viên người bản xứ, theo yêu cầu của ông Don Lam. Nhân rất chăm học và học rất giỏi, dù đi học đường xa nhưng cậu chưa hề nghỉ học buổi nào. Mẹ Nhân kể, lúc mổ tim, nhà trường định cho Nhân nghỉ học 1 năm để khỏe hẳn nhưng Nhân nhất quyết không chịu. Thời gian đi mổ tim ở TP. Hồ Chí Minh, cậu bé vẫn mang theo sách vở, phần thì nhờ bạn ở nhà chép bài hộ; đến khi khỏe mạnh hoàn toàn, Nhân xin thi lại và vẫn đạt học sinh giỏi của lớp…
Thỉnh thoảng, Nhân vẫn email cho “ông bụt” Don Lam. Tháng 9-2010, Nhân sẽ vào TP. Hồ Chí Minh, bắt đầu cuộc sống xa nhà để theo học tại trường quốc tế. Tất cả đến với Nhân như một giấc mơ cổ tích. Tôi tin, cậu bé sẽ là người viết tiếp câu chuyện cổ tích ấy khi em nói rằng: “Con muốn trở thành người như ông Don Lam, giúp nhiều trẻ em trên Việt Nam có một trái tim bình thường, khỏe mạnh…”.
H.N