Trong khi thế giới còn tranh luận về chuyện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các “đại gia” sản xuất vắc-xin “bắt tay” nhau “thổi phồng” dịch cúm A/H1N1, thì ở một “góc khuất” nào đó, dịch cúm A/H1N1 vẫn đang âm ỉ chờ cơ hội bùng phát.
Không phải ngẫu nhiên mà dịch cúm A/H1N1 lại được thế giới bình chọn là một trong những sự kiện nổi bật của năm 2009. Tháng 3-2009, sau khi gây ra hàng loạt cái chết ở Mexico, cúm A/H1N1 đã lan mạnh sang các nước khác và được báo động trên toàn cầu. Ngày 31-5-2009, Bộ Y tế công bố trường hợp đầu tiên tại Việt Nam dương tính với H1N1. Chỉ ít lâu sau, việc kiểm soát thân nhiệt tại các cửa khẩu trở nên vô ích bởi cúm đã lan rộng ra cộng đồng. Nỗi sợ hãi lên đến đỉnh điểm khi các ca tử vong xuất hiện liên tiếp, bắt đầu từ ngày 3-8-2009 tại TP. Nha Trang. Số bệnh nhân tăng nhanh đến nỗi Việt Nam, cũng như hầu hết quốc gia khác, đã phải dừng xét nghiệm đại trà và xem cúm như bệnh thông thường trong cộng đồng, chỉ dành xét nghiệm cho các ca bệnh nặng. Sau 4 tháng, hơn 50 người đã tử vong do cúm A/H1N1.
Nghiên cứu sản xuất vắc-xin cúm A/H1N1 tại IVAC. |
Thời điểm này, dịch cúm A/H1N1 tuy không “sôi nổi” như trước nhưng vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Vì vậy, việc nghiên cứu sản xuất vắc-xin phòng cúm A/H1N1 là việc làm hết sức cần thiết. Trên thế giới đã có một số nước sản xuất thành công vắc-xin cúm A/H1N1, nhưng giá bán khá cao (khoảng 10-20 USD/liều), Việt Nam khó mà mua để điều trị đại trà. Chính vì vậy, WHO luôn khuyến cáo và tạo điều kiện cho các nước nghèo tự nghiên cứu sản xuất vắc-xin cúm A/H1N1. Trong bối cảnh đó, từ tháng 10-2009, Viện Vắc-xin và sinh phẩm y tế (Nha Trang) đã được Bộ Y tế giao nhiệm vụ này. Hiện nay, các nhà khoa học của Viện đang nỗ lực làm việc với mục tiêu đến tháng 5-2010 sẽ cho ra những liều vắc-xin đầu tiên đạt yêu cầu của WHO.
° Cuộc chiến thầm lặng
“Đại bản doanh” của nhóm nghiên cứu, sản xuất vắc-xin cúm A/H1N1 của Viện Vắc-xin và sinh phẩm y tế nằm trên tầng 2 một tòa nhà nhỏ trong khuôn viên IVAC (đường Pasteur, Nha Trang). Thoạt nhìn, không ai nghĩ nơi đây lại có một Phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp 2. Cũng ít người biết tại đây đang có một nhóm người ngày đêm “sống chung” với vi-rút cúm A/H1N1. Dẫn tôi tham quan Phòng thí nghiệm… qua cửa kính, chị Nguyễn Thị Minh Hiền, thành viên nhóm nghiên cứu sản xuất vắc-xin cúm A/H1N1 cho biết: “Muốn vào đây phải theo nguyên tắc “một chiều”: vào một đường, ra một đường. Trước tiên phải vệ sinh cá nhân, sau đó mặc 2 lớp áo quần (gồm bộ quần áo lá, bộ vũ trụ) rồi đi qua một chốt gió để đảm bảo không có sự thông thương không khí giữa các cấp độ phòng sạch, không ảnh hưởng đến áp suất của phòng (Phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp 2 phải có áp suất âm so với các phòng bên cạnh). Khi làm việc xong, bỏ trang phục, vệ sinh cá nhân rồi mới được ra ngoài. Tất cả đều tuân thủ theo quy trình khép kín. Dụng cụ làm việc cũng vậy, tất cả đều được chiếu tia cực tím khi vào cũng như lúc ra, bởi yêu cầu của Phòng thí nghiệm là đảm bảo an toàn không chỉ cho người, sản phẩm mà cho cả môi trường”. Thấy tôi “dán mũi vào cửa kính” để quan sát cho rõ, chị Hiền đùa: “Vi-rút cúm A/H1N1 ở trong ấy đấy”. Tôi chợt giật mình, lòng thầm cảm phục những bóng áo trắng đang chăm chú làm việc… Chị Hiền giải thích, thực ra chủng A/H1N1 dùng để sản xuất vắc-xin cúm A/H1N1 đã được giảm độc lực bằng kỹ thuật di truyền ngược tái tổ hợp với một chủng cúm mùa. Chủng này đã được kiểm tra về mặt an toàn trên súc vật thí nghiệm, không còn nguy hiểm như chủng của đại dịch và được WHO cho phép dùng để sản xuất vắc-xin. Tuy nhiên, vấn đề an toàn vẫn phải đặt lên hàng đầu vì nếu để nó phát tán, có cơ hội phục hồi, biến chủng hay kết hợp với một chủng vi-rút đang lưu hành như vi-rút cúm A/H5N1 thì hậu quả sẽ khó lường.
° Chạy đua với thời gian
Tại Việt Nam hiện có 3 đơn vị (Công ty Vắc-xin sinh phẩm số 1, Trung tâm Nghiên cứu và sản xuất vắc-xin - Poliovac và IVAC) cùng nghiên cứu quy trình sản xuất vắc-xin cúm A/H1N1. Mỗi đơn vị một phương pháp khác nhau. Riêng IVAC áp dụng kỹ thuật nuôi cấy trên trứng gà có phôi và sử dụng chủng NYMCX - 179A từ Viện Quốc gia về tiêu chuẩn và kiểm định sinh học Vương quốc Anh (NIBSC) để sản xuất vắc-xin cúm A/H1N1. Sau hơn 3 tháng làm việc tích cực, nhóm nghiên cứu của IVAC đã cho sản xuất thử nghiệm 3 lô bán thành phẩm và đang tiến hành kiểm tra trong phòng thí nghiệm. Dự kiến đến tháng 5-2010, đơn vị sẽ có 3 lô sản xuất liên tục với số lượng khoảng 5.000 liều đạt yêu cầu của WHO.
Được biết, so với các phương pháp khác, phương pháp nuôi cấy trên trứng gà có phôi để sản xuất vắc-xin cúm A/H1N1 của IVAC đang có ưu thế, bởi đây là phương pháp được nhiều công ty sản xuất vắc-xin trên thế giới áp dụng và đã cho ra sản phẩm (95% vắc-xin cúm trên thế giới được sản xuất trên trứng gà có phôi). Bên cạnh đó, IVAC cũng có nhiều thuận lợi khi nghiên cứu sản xuất vắc-xin cúm A/H1N1 vì trước đó, đơn vị đã có kinh nghiệm trong nghiên cứu sản xuất vắc-xin cúm A/H5N1 trên trứng gà có phôi. Ngoài ra, với uy tín và nỗ lực của mình, IVAC đã được WHO tài trợ 4,2 triệu USD để xây dựng nhà xưởng sản xuất vắc-xin cúm hiện đại tại Suối Dầu (Cam Lâm). Đây là dây chuyền chuyên dùng để sản xuất vắc-xin cúm trên trứng gà có phôi duy nhất ở Việt Nam hiện nay và có thể sử dụng để sản xuất vắc-xin cúm A/H5N1, A/H1N1 và cúm mùa.
Hy vọng, IVAC sẽ sớm thành công trong nghiên cứu quy trình sản xuất vắc-xin cúm A/H1N1, đem lại hy vọng cho mọi người về một cuộc sống an toàn, khỏe mạnh, không có dịch cúm trong năm mới…
B.D
Trong khi thế giới còn tranh luận về chuyện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các “đại gia” sản xuất vắc-xin “bắt tay” nhau “thổi phồng” dịch cúm A/H1N1, thì ở một “góc khuất” nào đó, dịch cúm A/H1N1 vẫn đang âm ỉ chờ cơ hội bùng phát. Nói như Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn: “Chúng ta không thể biết dịch sẽ kéo dài đến khi nào, vi-rút cúm phát triển theo hướng nào, sẽ giảm hay tăng về độc lực? Chính vì vậy, trong khi chờ các liều vắc-xin đầu tiên, chúng ta không được chủ quan, lơ là trước dịch bệnh”.