Đối với nhiều người xa xứ, nhớ Tết ở quê là nhớ những lúc ngồi canh nồi bánh tét, chờ người đi xa trở về, hay chộn rộn ra chợ mua sắm, sửa sang lại nhà cửa để đưa tiễn năm cũ, đón chào năm mới…
Những ngày giáp Tết, nhìn các phiên chợ nhộn nhịp người mua kẻ bán, tôi lại nhớ Tết ở quê mình da diết. Đối với nhiều người xa xứ, nhớ Tết ở quê là nhớ những lúc ngồi canh nồi bánh tét, chờ người đi xa trở về, hay chộn rộn ra chợ mua sắm, sửa sang lại nhà cửa để đưa tiễn năm cũ, đón chào năm mới… Riêng tôi, Tết là những lần được cùng mẹ bày biện mâm ngũ quả, cùng anh, chị nấu những món ăn ngày Xuân thành kính dâng lên ông bà với mong ước ông bà sẽ phù hộ cho con cháu năm mới gặp nhiều may mắn.
° Từ mâm ngũ quả của mẹ
Ở mỗi vùng miền, mâm ngũ quả ngày Tết cũng khác nhau. Riêng quê tôi, mâm ngũ quả không thể thiếu nải chuối. Bởi theo quan niệm của người dân nơi đây, nải chuối như bàn tay ngửa, hứng lấy nắng sương, thể hiện sự che chở của đất trời cho con người. Chính vì thế, để chuẩn bị cho mâm ngũ quả ngày Tết, bao giờ mẹ tôi cũng tìm mua một nải chuối thật đẹp để làm đế, sau đó mẹ bày các loại trái cây khác. Mẹ tôi không kiêng cữ loại trái cây nào, miễn sao mâm ngũ quả đẹp mắt, tươi tắn. Nhưng thường thì mâm ngũ quả của mẹ luôn có 3 loại quả: lê, xoài, đu đủ với quan niệm: lêâ - ngọt thanh, thể hiện sự suôn sẻ, xoài - có âm na ná như “xài”, cầu mong cho có tiền tiêu xài, và đu đủ - mang đến sự đầy đủ, thịnh vượng cho gia đình. Mẹï kể, chẳng biết từ bao giờ người ta đã gọi là mâm ngũ quả, chỉ biết ngày trước, khi bà ngoại còn sống, mỗi lần cùng bà bày trái cây vào đĩa dâng lên bàn thờ cúng tổ tiên, bà thường gọi là mâm ngũ quả và mẹ cũng gọi theo. Bà bảo mâm ngũ quả là một “sản phẩm văn hóa” có từ lâu đời, vừa có ý nghĩa thể hiện lòng hiếu thảo của con cháu đối với tổ tiên, vừa ước mong những điều tốt lành trong gia sự.
Xa quê, xa mẹ, đi đây đi đó nhiều, tôi có cơ hội để biết thêm về những phong tục tập quán của mỗi vùng, miền xoay quanh mâm ngũ quả. Nếu người miền Trung, miền Bắc sính dùng chuối thì người miền Nam lại hạn chế loại quả này do quan niệm chuối là biểu tượng của sự nguy khó, không ngẩng lên được, vì từ chuối phát âm gần giống từ “chúi”. Mâm ngũ quả của người miền Nam thường mang ý nghĩa: cầu vừa đủ xài sung, ấy thế nên thường có những loại quả như: mãng cầu, đu đủ, xoài, sung, thêm chân đế là 3 trái dứa để thể hiện sự vững chắc.
Sự khác biệt trong cách bài trí mâm ngũ quả cũng làm nên sự độc đáo, đa dạng của nền văn hóa Việt Nam. Riêng tôi, mâm ngũ quả do mẹ bày biện tuy không theo quy định nào nhưng là mâm ngũ quả đẹp và hoàn thiện nhất.
°… đến những món ăn ngày Xuân
Ngoài việc học cách bày mâm ngũ quả, Tết đến, chị em tôi còn được mẹ dạy cách nấu các món ăn cho mâm cỗ ngày xuân. Những ngày giáp Tết, gia đình tôi như một “công trường” thu nhỏ, ai cũng phải xắn tay cùng nhau làm những món ăn dành cho 3 ngày Tết như: nem chua, thịt heo ngâm mắm, thịt hon, bánh tét, măng hầm thịt… Mỗi người một phần việc, trẻ nhỏ lau lá, người lớn quết thịt, gói bánh, đãi đậu... Trong những món mặn mẹ nấu, tôi thích nhất món măng hầm thịt. Món ăn này nhìn đơn sơ nhưng để nấu được ngon, để lâu không bị hư, mẹ phải bỏ nhiều công sức. Ngoài việc phải tẩn mẩn lựa mua từng miếng măng khô, miếng thịt tươi ở chợ, mẹ còn phải mất cả ngày để nấu, xả hết lớp nước này đến lớp nước khác cho đến khi măng thật mềm, hết đắng. Đến công đoạn hầm, nấu thịt với măng, mẹ cũng mất cả ngày ngồi canh lửa, vớt bọt cho đến khi nồi măng dậy lên mùi thơm lừng, những miếng măng thấm nước thịt vàng ươm. Những ngày Tết, hết thời gian bù khú với bạn bè, về nhà, chị em tôi lại xuống bếp tranh nhau mở nồi lấy trộm vài miếng cho vào miệng để tận hưởng vị ngọt, mềm và mùi đặc trưng của măng trộn lẫn với thịt tan trong từng thớ lưỡi, để rồi nghe lời trách yêu của mẹ: “Cha bây, cứ tranh nhau ăn, gắp lung tung hư hết nồi măng của mẹ”.
Hết làm các món mặn, chị em tôi lại phụ mẹ đổ bánh thuẩn, làm bánh men - 2 loại bánh đặc trưng của miền Trung. Để làm được loại bánh này, người làm phải dùng loại bột được mài từ củ bình tinh - loại cây chỉ mọc ở miền Trung. Ấn tượng nhất trong tôi là những lần được ngồi nhìn mẹ làm bánh thuẩn - món bánh truyền thống chỉ được làm vào những ngày Tết để cúng tổ tiên, ông bà. Như thông lệ, xóm tôi thường chọn ngày 27 tháng Chạp âm lịch để làm loại bánh này. Mỗi khi đến ngày này, mới hơn 3 giờ sáng mẹ đã đánh thức chị em tôi dâïy để phụ mẹ đánh trứng, giã bột... Tay mẹ thoăn thoắt hết đập trứng, pha màu, lại quay sang bày các chị cách đánh bột sao cho khéo, đều. Căn nhà nhỏ của gia đình tôi ngày thường ngăn nắp, giờ bề bộn nào thau, nào cối, nào chày. Bên nhà hàng xóm cũng rộn ràng không kém với tiếng đánh bột, tiếng giã gừng… Bọn trẻ trong xóm háo hức nhất là lúc đổ bánh, hết chạy qua nhà này lại chạy đến nhà kia để được người lớn dúi vào tay những cái bánh bị hư khi ra lò. Riêng tôi có thể ngồi hàng giờ để nhìn mẹ đổ bột, thay than nóng liên tục để tạo độ nóng đều cho khuôn. Và tôi thích nhất là lúc được ngắm những chiếc bánh thuẩn nở bung 5 cánh vàng tươi như hoa mai khi ra khỏi lò với mùi thơm đặc trưng của nó.
Cuộc sống của thời đại công nghiệp cuốn anh em tôi mỗi người đi về mỗi vùng làm ăn, sinh sống. Mỗi khi Tết đến, nhớ về quê xưa, tôi lại học mẹ cách bày mâm ngũ quả, nấu những món ăn ngày Tết mẹ thường hay nấu.
Một năm mới lại bắt đầu. Và đây là năm thứ 3 tôi ăn Tết xa quê.
H.N