08:02, 17/02/2010

Người bỏ “phố” lên “rừng”

Với vóc người gầy, đen, trông anh Nguyễn có vẻ già hơn tuổi thực, nhưng đôi mắt anh luôn ánh lên niềm lạc quan, yêu đời...

Chuyện một kỹ sư tin học bỏ “phố” lên “rừng” làm trang trại quả là hiếm có. Chuyển hẳn sang “nghề” mới chẳng dính dáng gì đến chiếc máy tính, anh Đậu Dương Trần Nguyễn (xã Sơn Bình, Khánh Sơn) đã chứng tỏ được rằng, chỉ cần có ý chí, nghị lực và kiến thức thì có thể làm giàu ở bất cứ đâu, ngay cả chốn “thâm sơn cùng cốc”…

Lối rẽ

Trang trại của anh Nguyễn được bố trí rất khoa học
Trang trại của anh Nguyễn được bố trí rất khoa học

Những ngày cuối năm này, lên miền núi Khánh Sơn, nhìn những sân vườn phơi đầy cà phê chín mọng, nghe tiếng người cười nói rộn ràng dưới những tán vườn xanh tốt, mới thấy “lối rẽ” của anh Nguyễn là có lý.

Với vóc người gầy, đen, trông anh Nguyễn có vẻ già hơn tuổi thực, nhưng đôi mắt anh luôn ánh lên niềm lạc quan, yêu đời. Anh tâm sự: “Tôi tốt nghiệp Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh chuyên ngành Tin học, nhưng kiếm việc làm khó quá nên trở về Cam Đức - Cam Lâm (lúc đó thuộc thị xã Cam Ranh). Trong thời gian tìm và chờ việc, tôi có đi một số nơi trong tỉnh, dự định mua đất làm vườn. Nhận thấy Cam Ranh chỉ có đất trồng mì, nhưng mì lúc đó đang rớt giá, Khánh Vĩnh tuy có đất rộng nhưng thiếu nước...; cuối cùng, mình chọn Khánh Sơn - đất tốt, nước nhiều, có thể phát triển kinh tế trang trại (KTTT)”. Và anh đã quyết định ở lại Khánh Sơn, dù đã nhận được giấy báo trúng tuyển công chức của Chi cục Thuế Cam Ranh.

Bỏ ra 70 triệu đồng mua 7.000m2 đất đối với anh lúc đó thật quá lớn, bởi lẽ phải dùng vốn hoàn toàn của gia đình. Đưa cây gì vào trồng cho hiệu quả, anh Nguyễn cũng chưa có đáp án. Suy nghĩ mãi, anh quyết định đưa bưởi, sầu riêng, chôm chôm, tiêu, cà phê, cả sapôchê vào trồng để chọn lọc. Sau một thời gian, anh nhận thấy chỉ có sầu riêng và mía tím là thích hợp với nền đất nơi đây. Nhưng mía tím tốn nhiều công. Vậy nên anh ưu tiên phát triển sầu riêng. 5 - 6 năm sau, anh trồng thêm măng cụt. Thấy cây măng cụt phát triển tốt, anh đã mở rộng diện tích lên 3,5ha. Lúc đó, có một người do làm ăn không hiệu quả nên muốn bán rẻ trang trại cà phê, anh quyết định mua lại. Cứ thế, diện tích trang trại của anh ngày một mở rộng, hiện đã hơn 17ha.

Có đất nhưng thiếu vốn thì cũng không thể phát triển; chỉ có cách duy nhất là “lấy ngắn nuôi dài”, “tích tiểu thành đại”. Nghĩ vậy, anh bàn với vợ, chịu khó đi rang, xay cà phê (nghề gia truyền của gia đình) rồi đem bỏ mối nhiều nơi, góp phần tăng thu nhập…

Quyết định đúng

Anh Nguyễn kéo mooc đi xay cà phê cho dân
Anh Nguyễn kéo mooc đi xay cà phê cho dân

Thăm trang trại của anh Nguyễn, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước quy mô và cách bố trí khoa học. Một vùng đồi rộng như chiếc bát úp, những hàng cây vươn mình đều tăm tắp. Dưới tán những cây sầu riêng, măng cụt xanh tốt là hệ thống ống nước được thiết kế theo mạng xương cá, kéo từ ngọn thác Tập đoàn 8 đưa về, cài đến từng gốc cây, giúp anh chủ động tưới tiêu hợp lý. Bí quyết của anh khi làm kinh tế trang trại là luôn chủ động phòng ngừa bệnh cho cây. Dưới từng gốc sầu riêng đặt sẵn những ống tiêm cỡ lớn có gắn dây cao su phía sau. Nhờ đó, anh có thể chủ động đưa thuốc vào từng gốc cây để ngăn ngừa bệnh nấm xì mủ trên thân sầu riêng - một bệnh khiến nhiều chủ trang trại lo ngại.

Cùng với thời gian, trang trại của anh đã trở thành trang trại điển hình của nông dân huyện Khánh Sơn. Nhiều đoàn khách và nông dân các nơi đã đến đây tìm hiểu, tham quan, học tập. Trang trại của anh hiện có 1.500 cây sầu riêng, trong đó có 80 gốc đã thu hoạch hơn 5 năm, 1.400 gốc chuẩn bị cho thu hoạch vào năm tới; hơn 1.600 cây măng cụt ở giai đoạn 3 năm tuổi, 6-7 năm nữa sẽ cho thu hoạch; hơn 1.000 cây cà phê đã thu hoạch được 7-8 năm, sản lượng hơn 3 tấn/năm; hồ tiêu hơn 1.000 gốc, sản lượng xấp xỉ 3 tấn hạt/năm. Ngoài ra, còn nhiều loại cây ăn quả khác như: chôm chôm 160 gốc; cam sành 300 gốc; bưởi da xanh và Năm roi hơn 100 gốc; dó bầu hơn 1.000 cây; mít nghệ và mít tố nữ 130 gốc. Hiện mỗi năm, nguồn lợi đem về từ trang trại của anh là hơn 300 triệu đồng, lãi ròng hơn 200 triệu đồng.

Có vốn, anh Nguyễn sắm được 2 máy cày trung gắn rơ-moóc, 1 xe phun thuốc, 4 máy phát cỏ, giải quyết việc làm cho 10 lao động địa phương với mức lương từ 1,4 - 2 triệu đồng/người/tháng. Anh Nguyễn dự định, năm nay sẽ phát triển chăn nuôi thêm gà. Xem ra, quyết định bỏ “phố” lên “rừng” của anh hoàn toàn đúng đắn bởi giờ đây, cơ ngơi của anh đang ngày một phát triển.

Q.V