12:02, 16/02/2010

Lạc Cầm - Lắng hồn núi sông

Xuất phát từ ý tưởng sáng chế ra một cây đàn đa năng, đa điệu, đa âm trên cơ sở âm hưởng của cây đàn bầu, nhạc sĩ Mác Tuyên đã phải mất 50 năm để đến đích với đàn Lạc Cầm thứ 16...

Xuất phát từ ý tưởng sáng chế ra một cây đàn đa năng, đa điệu, đa âm trên cơ sở âm hưởng của cây đàn bầu, nhạc sĩ Mác Tuyên đã phải mất 50 năm để đến đích với đàn Lạc Cầm thứ 16. Năm 2010, trong chương trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Lạc Cầm 16, cây đàn biểu trưng cho huyền sử, tâm hồn của dân tộc sẽ ngân lên những giai điệu kỳ diệu vọng hồn núi sông đất nước.

Nhạc sĩ Mác Tuyên biểu diễn Lạc Cầm 16.
Nhạc sĩ Mác Tuyên biểu diễn Lạc Cầm 16.

Tôi gặp lại nhạc sĩ Mác Tuyên (tên thật là Trần Quang Mác, sinh năm 1937 ở Phú Yên) vào một ngày đầu tháng Chạp. Trong căn nhà của ông ở số 9 đường Lạc Long Quân, TP. Nha Trang, hành trình sáng chế Lạc Cầm vẫn in dấu rõ nét với nhiều hình ảnh được người nhạc sĩ già lưu giữ qua năm tháng. Mấy năm không gặp, nhạc sĩ Mác Tuyên trông già hơn, nhưng khi nghe nhắc đến Lạc Cầm, ông hào hứng hẳn lên. Kỷ niệm xưa lại tràn về... 

Nửa đời say đắm với Lạc Cầm

Năm 1960, đang học năm thứ 3 Nhạc viện Hà Nội, chàng sinh viên Mác Tuyên đã có ý tưởng sáng chế ra một cây đàn vừa dân tộc vừa hiện đại mà khởi nguyên là muốn cải tạo cây đàn bầu: Một lần tôi sang Bắc Ninh chơi, ghé vào chợ thì gặp người xẩm mù đang gảy đàn bầu. Điệu đàn ai oán bi thương bật lên từ trái tim của người nghệ sĩ mù làm người nghe xốn xang, day dứt… Tiếng đàn tuyệt diệu ấy có ma lực cuốn hút người nghe đến lạ kỳ nhưng chỉ có điệu buồn, lại thêm dáng ngồi của ông cụ trên manh chiếu rách rất tiều tụy, vì thế khi về tôi có ý tưởng cải tạo làm đẹp hơn hình dáng cây đàn bầu và mở rộng âm vực cho cây đàn. Nghĩ vậy, nhưng trong quá trình tiến hành ông đã hướng đến việc sáng chế ra một cây đàn đa năng, đa điệu, đa âm trên trên cơ sở âm hưởng của đàn bầu, có thể đánh nhiều thể loại nhạc.

Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê (phải) trò chuyện với nhạc sĩ Mác Tuyên (trái) bên cây đàn Lạc Cầm 13.
Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê (phải) trò chuyện với nhạc sĩ Mác Tuyên (trái) bên cây đàn Lạc Cầm 13.

Trong khoảng hơn 10 năm (1960-1970), nhạc sĩ Mác Tuyên đã mày mò chế tác 11 cây đàn “cải tiến” nhưng đều không thành công. Công sức bỏ ra như “dã tràng xe cát biển Đông” nên đã có lúc ông nghĩ đến việc bỏ cuộc, nhưng rồi ông tự nhủ: làm người phải có ý chí và ước mơ. Thất bại bước đầu đã cho ông kinh nghiệm “xương máu”: Tri thức âm nhạc dù siêu việt đến đâu nhưng muốn sáng chế ra một nhạc cụ thì phải có kiến thức khoa học tổng hợp. Suốt một thời gian dài sau đó, khi đã trở thành một thầy giáo dạy Sử ở Nha Trang, nhạc sĩ Mác Tuyên chuyên tâm nghiên cứu về âm thanh học, cơ động lực học… cũng như chú trọng đến việc tạo dáng cho cây đàn mới. Sau nhiều bước tìm tòi và thử nghiệm, nhạc sĩ Mác Tuyên đã định hình được những thông số kỹ thuật và hình thái, vóc dáng của cây đàn mới. Năm 1986, nhạc sĩ Mác Tuyên hoàn thành cây đàn thứ 12 với dáng đàn dựa theo hoa văn chim Lạc trên trống đồng, và chính thức đặt tên là Lạc Cầm. Buổi diễn ra mắt ở Nhạc viện Hà Nội, Lạc Cầm 12 được giới âm nhạc và các nhà nghiên cứu đánh giá cao, nhưng vẫn còn một số khiếm khuyết (điều tất yếu của một công trình mới được định hình). Năm 1987, nhạc sĩ Mác Tuyên cho ra đời Lạc Cầm 13, chuyển tải được âm sắc của 4 loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc gồm: đàn bầu, đàn tranh, tứ trầm và tứ trung; được Hội đồng cải tiến nhạc khí dân tộc toàn quốc xếp giải A. Như  “người lữ hành kỳ dị”, Mác Tuyên tiếp tục rong ruổi trên hành trình sáng tạo nghệ thuật, để rồi năm 1995 ông tiếp tục hoàn thành Lạc Cầm 15, được công chúng trong và ngoài nước hoan nghênh. Với thành công của Lạc Cầm 15, nhạc sĩ Mác Tuyên đã được Nhà nước Việt Nam trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Không tự bằng lòng với mình, từ năm 1999 đến 2004, nhạc sĩ Mác Tuyên đã hoàn thành Lạc Cầm 16, cây đàn cuối cùng trong hành trình sáng tạo một nhạc cụ dân tộc và hiện đại của ông.

Lạc Cầm 16 với đại lễ ngàn năm thăng long

ạc Cầm 16 - cây đàn cuối cùng trong hành trình 50 sáng chế Lạc Cầm của nhạc sĩ Mác Tuyên.
ạc Cầm 16 - cây đàn cuối cùng trong hành trình 50 sáng chế Lạc Cầm của nhạc sĩ Mác Tuyên.

Lạc Cầm 16 mang âm sắc của 4 loại nhạc cụ: đàn bầu, đàn tranh, ghi-ta phím lõm và hệ phím gõ 30 dây như piano. Nếu như ở những cây đàn trước đó, nhiều người cho rằng nhạc sĩ Mác Tuyên mới chỉ cải tiến nhạc cụ, thì đến Lạc Cầm 16, nhiều chuyên gia uy tín về nhạc khí dân tộc đã thừa nhận đó là một nhạc cụ mới. Những ai đã từng xem các nghệ sĩ Hoàng Anh Tú, Thanh Tâm... biểu diễn Lạc Cầm 16 đều phải thừa nhận cây đàn đã thật sự hoàn thiện cả về mặt cơ học đến hình dáng và âm thanh, từ tiếng đàn bầu đến đàn tranh, tiếng đàn ghi-ta phím lõm đến tiếng đàn phím gõ như piano đều có độ luyến láy và nhấn nhá theo ngôn ngữ, tâm hồn người Việt. Giáo sư, nhạc sĩ Trần Văn Khê từng nhận xét: Lạc Cầm của Mác Tuyên chẳng những nói được tiếng nói của dân tộc mình mà vóc dáng của cây đàn mang đầy ý nghĩa nhân văn truyền thống của Việt Nam… Nếu cây đàn này đưa ra thế giới thì đó là niềm hãnh diện của chúng ta.

Trong quá trình sáng chế Lạc Cầm, đã có không ít lời dị nghị trước ý tưởng “điên rồ” của Mác Tuyên. Thế nhưng, như một bậc chân tu chấp nhận khổ hạnh để đạt “đạo”, nhạc sĩ Mác Tuyên đã dốc tất cả tâm lực, tài chính để nhằm thực hiện bằng được hoài bão: tạo cho đất nước và dân tộc một sản phẩm văn hóa độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc nhưng cũng rất hiện đại. Và sự thành công của Lạc Cầm 16 đã khiến mọi người phải trân trọng, mà như nhạc sĩ Trọng Bằng khẳng định: Chỉ có những ai quá thờ ơ với thành công của người khác thì mới không trân trọng thành quả lao động sáng tạo của nhạc sĩ Mác Tuyên. Lạc Cầm kết tinh lòng yêu quê hương đất nước và vốn âm nhạc cổ truyền của dân tộc. Thành công của Lạc Cầm 16 chính là “trái ngọt” từ ý tưởng cao đẹp và hoài bão của nhà giáo - nhạc sĩ Mác Tuyên sau 50 năm cần mẫn nghiên cứu và sáng tạo.

Một tin vui với nhạc sĩ Mác Tuyên và những người yêu mến Lạc Cầm, đó là Ban chỉ đạo đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đã quyết định năm 2010 sẽ có chương trình biểu diễn của Lạc Cầm 16 tại Hoàng thành Thăng Long với tên gọi “Khúc Lạc Cầm bay lên với Đại lễ ngàn năm Thăng Long”. Hiện nay, các nghệ sĩ ở Hà Nội đang gấp rút tập luyện để trình tấu các nhạc phẩm “lắng hồn núi sông ngàn năm”, chứng tỏ giá trị của Lạc Cầm. Đó là một kết thúc có hậu cho hành trình gần 50 năm sáng chế Lạc Cầm mà nhạc sĩ Mác Tuyên theo đuổi, và như ông nói là “mãn nguyện”, bởi công lao và trí tuệ mà ông đổ ra trong 50 năm qua đã được ghi nhận một cách xứng đáng. Có thể nói, việc Lạc Cầm được chọn biểu diễn trong Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội là niềm tự hào của nhạc sĩ Mác Tuyên nói riêng, Nha Trang - Khánh Hòa nói chung, mà như cố nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã nói: “Xưa tổ tiên Khánh Hòa tạo ra bộ đàn đá Khánh Sơn, thì hôm nay quê hương Khánh Hòa có cây đàn Lạc Cầm hiện đại…”.

T.N