05:02, 13/02/2010

Hyundai VinaShin rạng danh thương hiệu

Những con tàu lừng lững như những tòa nhà lần lượt rời Nhà máy Tàu biển Hyundai VinaShin (HVS) để ra đại dương bao la, mang theo thương hiệu HVS - Khánh Hòa - Việt Nam như lời giới thiệu đầy tự hào về một địa chỉ sản xuất tàu biển nổi tiếng thế giới. Điều này cũng khẳng định những bước tiến dài trong lĩnh vực công nghiệp đóng tàu ở Khánh Hòa.

Những con tàu lừng lững như những tòa nhà lần lượt rời Nhà máy Tàu biển Hyundai VinaShin (HVS) để ra đại dương bao la, mang theo thương hiệu HVS - Khánh Hòa - Việt Nam như lời giới thiệu đầy tự hào về một địa chỉ sản xuất tàu biển nổi tiếng thế giới. Điều này cũng khẳng định những bước tiến dài trong lĩnh vực công nghiệp đóng tàu ở Khánh Hòa.

° Tiếp cận đỉnh cao công nghệ

Nhà máy Tàu biển Hyundai VinaShin luôn nhộn nhịp mỗi khi diễn ra nghi thức đặt tên cho tàu.

Tôi đã nhiều lần được chứng kiến những sự kiện trọng đại ở HVS, đặc biệt từ khi Nhà máy chuyển từ sửa chữa sang đóng tàu biển. Tháng 8-2008, HVS cắt thép để đóng mới tàu chở hàng rời 56.000 tấn đầu tiên cho chủ tàu Cộng hòa Liên bang Đức. Trước đó, HVS đã đầu tư gần 100 triệu USD xây dựng và trang bị hơn 20 hạng mục công trình phục vụ hoạt động đóng tàu. Ngoài ra, đội ngũ kỹ sư, công nhân lao động của nhà máy cũng được tiếp cận kỹ thuật đóng tàu biển tiên tiến của Hàn Quốc - một cường quốc về công nghiệp đóng tàu.

Đi vào đóng tàu, HVS thực hiện sản xuất theo hình thức “cuốn chiếu”. Vừa đóng con tàu đầu tiên, đơn vị vừa cắt thép, chuẩn bị lắp đặt những block cho các con tàu tiếp theo. Các công đoạn đóng tàu biển của HVS đều thể hiện sự hiện đại trong công nghệ và khả năng tiếp cận tiến bộ khoa học vượt trội của đội ngũ cán bộ, công nhân viên nhà máy. Các khu vực cắt thép, lắp ráp block tàu… đều được sắp xếp liên hoàn theo quy trình từ đơn giản đến phức tạp. Các block tàu sau khi hoàn thiện đều được chuyển vào phun sơn trước khi lắp ghép hoàn chỉnh. Sau khi phun sơn, chủ tàu trực tiếp kiểm tra chất lượng các block tàu và ký niêm phong từng hạng mục. Phần lớn công đoạn đóng tàu ở HVS như: cắt thép, hàn… đều sử dụng những thiết bị chuyên dụng tự động và bán tự động; vì vậy, đơn vị đóng được những block tàu khá lớn. Tại những block được thiết kế để lắp máy tàu với chi chít ống chức năng, khoang chứa dầu máy… đã được chủ tàu kiểm tra và ký niêm phong, ông Vũ Minh Phú - Phó Tổng Giám đốc HVS giải thích, các block này là “sự sống” của con tàu nên thi công mất nhiều thời gian hơn các block khác. Khi công đoạn này hoàn thành, việc lắp ráp các block khác sẽ rất nhanh. Hiện nay, HVS đã đầu tư 2 cẩu hạng nặng có khả năng cẩu block đến 250 tấn và 1 cẩu nâng block đến 450 tấn. Để vận chuyển các block lớn, đơn vị còn trang bị các xe nâng chịu trọng tải 210 - 510 tấn. Nhờ đó, năng lực đóng tàu của HVS hiện đạt ít nhất 15 tàu/năm (bình quân khoảng 23 - 25 ngày hạ thủy một tàu).

° Công nghiệp đóng tàu - bước tiến dài

Nhà máy Tàu biển Hyundai VinaShin là nơi “khai sinh” những con tàu có chất lượng quốc tế.

Nhờ những nỗ lực của mình, năm 2009, HVS đã vươn lên trở thành một trong những nhà máy đóng tàu nổi tiếng trên thế giới khi đóng mới và hạ thủy thành công 3 tàu chở hàng rời trọng tải 56.000 tấn; trong đó, đã bàn giao 2 tàu mang thương hiệu HVS - Khánh Hòa - Việt Nam cho chủ tàu người Đức – nơi đòi hỏi nghiêm ngặt trong đặt hàng đóng tàu. HVS cũng trở thành nhà máy hoàn thành đóng mới những con tàu trong thời gian ngắn và chất lượng cao nhất tại Việt Nam, tính đến thời điểm này. Sau một thời gian làm việc với đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân lao động HVS, ngày hạ thủy con tàu đầu tiên, ông Sergej Pyskin - Trưởng Giám sát của Công ty E.R. Schiffahrt (Cộng hòa Liên bang Đức) đánh giá: “Chúng tôi rất hài lòng về chất lượng đóng tàu của HVS. Tuy đây là con tàu đầu tiên nhưng nhà máy đã cố gắng thi công đạt chất lượng và tiến độ cao. Chất lượng hoạt động mà nhà máy đạt được rất đáng trân trọng và ghi nhận. Hy vọng, HVS sẽ nỗ lực hơn nữa để giữ vững chất lượng và hoàn thành các loạt tàu được đối tác đặt hàng”.

Ông Vũ Minh Phú - Phó Tổng Giám đốc HVS cho biết: Chủ tàu có những yêu cầu rất khắt khe từ những công đoạn sản xuất đầu tiên. Các thiết bị trên tàu đều do chủ tàu chọn nhà cung cấp, việc lắp đặt được chủ tàu giám sát và ký xác nhận sau khi đã kiểm tra… Thực tế, ngày hạ thủy con tàu đầu tiên sớm hơn dự kiến ban đầu. Đây không chỉ là nỗ lực đơn thuần của nhà máy mà còn thể hiện rõ tâm huyết của những người thợ đóng tàu ở HVS với mong muốn chinh phục đỉnh cao của công nghệ đóng tàu hiện đại trên thế giới. Ông Vũ Minh Phú bày tỏ sự tự hào: Tất cả các bước đóng tàu đều được cán bộ giám sát, kiểm định của chủ tàu và cán bộ giám sát của nhà máy kiểm tra. Con tàu 56.000 tấn đầu tiên trong sêri tàu được đóng cho một quốc gia có yêu cầu về công nghệ cao trên thế giới. Tổ chức đăng kiểm, giám sát con tàu là DNV của Na-Uy - một tổ chức đăng kiểm uy tín và có thị phần tương đối lớn trong ngành đóng tàu thế giới.

Những con tàu được đóng mới, trước khi ra đại dương đều được chủ tàu làm lễ đặt tên. Theo các chủ tàu, đây là nghi thức quan trọng để “khai sinh” một con tàu. Tại HVS, mỗi con tàu của chủ tàu người Đức thường gắn với một “mẹ đỡ đầu” - người đại diện thực hiện các nghi thức đặt tên cho tàu. Sau khi tiến hành các nghi thức cần thiết, “mẹ đỡ đầu” và những người có liên quan lên tàu kéo những hồi còi dài như báo hiệu có thêm thành viên mới gia nhập hệ thống phương tiện  hàng hải quốc tế… Mỗi lần đến lễ đặt tên cho tàu, những người thợ lại thêm một lần thấy nhân lên niềm kiêu hãnh về sức sống mãnh liệt của các con tàu do chính mình thực hiện khi từng hồi còi dài liên tục vang vọng tại nhà máy trước khi tàu ra đại dương bao la.

Sự kiện “khai sinh” những con tàu ở Khánh Hòa đánh dấu tiềm năng phát triển công nghiệp đóng tàu địa phương. Trước đây, nói đến lĩnh vực đóng tàu ở Việt Nam, người ta thường nghĩ đến những nhà máy đóng tàu của khu vực phía Bắc; khu vực Nam Trung bộ và Nam bộ cũng có các cơ sở đóng tàu, nhưng năng lực còn hạn chế, chưa thể đóng được tàu lớn. Còn bây giờ, với việc tiếp thu công nghệ, kỹ thuật mới, Khánh Hòa hoàn toàn có khả năng đóng những con tàu hiện đại tầm cỡ thế giới, không thua kém bất cứ nhà máy đóng tàu nào trong khu vực. Bởi ngoài tải trọng lớn, các con tàu được đóng tại HVS đều được thiết kế những khu chức năng đạt tiêu chuẩn “sao” như của các khách sạn đẳng cấp quốc tế.

Tính đến cuối năm 2009, HVS đã cắt thép đóng mới 6 tàu trong sêri mà chủ tàu người Đức đặt hàng. Trong kế hoạch năm 2010, HVS sẽ cắt thép đóng mới 8 tàu, hạ thủy 7 tàu và bàn giao 5 tàu. Điều này càng thể hiện uy tín và năng lực thật sự của HVS khi phấn đấu đạt doanh thu đóng mới 250,7 triệu USD, tăng 33,7% so với năm 2009. Tuy nhiên, cái “được” lớn nhất ở HVS không chỉ là sự tăng trưởng mà còn khẳng định, Khánh Hòa đã đạt đến công nghệ đóng tàu biển tiên tiến của thế giới.

Nhìn lại những năm về trước mới thấy công nghiệp đóng tàu ở Khánh Hòa đã phát triển mạnh. Trước đây, nghề đóng tàu Khánh Hòa chỉ ở mức đóng những thuyền vỏ gỗ của các hợp tác xã, hoặc cao hơn là những tàu vỏ sắt tải trọng nhỏ của Công ty Công nghiệp Tàu thủy Nha Trang. Còn giờ đây, thật tự hào khi đã có những con tàu tải trọng lớn đi trên đại dương được “khai sinh” tại Khánh Hòa!

ĐẠI HẢI