Cách đây vài năm, khi Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng tới chúc Tết cán bộ Viện Vắc-xin và sinh phẩm y tế - Nha Trang, trong câu chuyện đầu Xuân, lãnh đạo Viện có đề cập đến đề tài khoa học đang được Viện quan tâm là nghiên cứu kháng độc tố cá nóc để phục vụ điều trị ngộ độc cá nóc.
° Từ độc tố rắn…
Cách đây vài năm, khi Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng tới chúc Tết cán bộ Viện Vắc-xin và sinh phẩm y tế - Nha Trang, trong câu chuyện đầu Xuân, lãnh đạo Viện có đề cập đến đề tài khoa học đang được Viện quan tâm là nghiên cứu kháng độc tố cá nóc để phục vụ điều trị ngộ độc cá nóc. Nhân bàn chuyện thu hút chất xám từ các nhà khoa học Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài đóng góp cho quê hương, vị lãnh đạo Viện cho biết, có một tiến sĩ Việt kiều “chuyên trị” độc tố tự nguyện tham gia đề tài này. Đó là Tiến sĩ Lâm Thành Hưng. Lúc ấy, tôi đã hào hứng quyết tâm nhất định sớm gặp ông. Nhưng công việc hàng ngày cứ cuốn đi, để rồi, mấy mùa Xuân trôi qua, tôi mới thực hiện được ý định ấy.
Tiến sĩ Lâm Thành Hưng sinh năm 1943 ở Long Điền (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Học hết trung học phổ thông ở Việt Nam, ông nhận học bổng du học ngành Hóa học tại Pháp. Nhưng khi làm luận án Tiến sĩ, ông lại chọn ngành Sinh học. Làm việc tại cơ quan nguyên tử lực của Pháp tại Trung tâm nghiên cứu Saclay trực thuộc Cơ quan nguyên tử lực (CEA - Pháp), suốt mấy chục năm liền, ông tập trung nghiên cứu về protein, độc tố rắn và độc tố ốc. Riêng với 2 loại độc tố này, ông đã dành tâm huyết 20 năm. Cũng có lẽ vậy, nên câu chuyện của chúng tôi chủ yếu xoay quanh chủ đề độc tố - lĩnh vực thuộc chuyên môn sâu của Tiến sĩ Lâm Thành Hưng. Ông rất sôi nổi khi chia sẻ với tôi những thành tựu của khoa học thế giới về lĩnh vực này. Dù “ngoại đạo” với chuyên môn của ông, nhưng tôi vẫn cảm thấy thú vị khi biết những độc tố gây chết người lại được sử dụng để cứu người! Những loại độc tố trên đã được ứng dụng trong điều chế, sản xuất dược phẩm chữa bệnh. Với tác dụng giảm đau mạnh, độc tố được ứng dụng để sản xuất thuốc giảm đau đớn cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, khi mà nhiều loại thuốc giảm đau không còn hiệu quả. Độc tố còn dùng điều chế thuốc trị bệnh về tiền liệt tuyến. Ngay trong lĩnh vực thẩm mỹ, độc tố cũng được điều chế ra dược phẩm có tính năng “cải lão hoàn đồng”, chỉ cần tiêm vào da mặt, có khả năng xóa đi những vết nhăn - dấu hiệu của tuổi già.
° … đến độc tố cá nóc
Những năm làm khoa học ở Pháp, Tiến sĩ Lâm Thành Hưng cũng có vài lần trở về Việt Nam trong các chương trình làm việc, trao đổi với các nhà khoa học trong nước. Ông có mối quan hệ khá thân thiết với Viện Vắc-xin và sinh phẩm y tế - Nha Trang. Khí hậu ấm áp, lại có cơ sở để tiếp tục nghiên cứu khoa học là những lý do để ông chọn Nha Trang làm điểm trở về.
Hiện nay, Tiến sĩ Lâm Thành Hưng tham gia đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất kháng độc tố cá nóc (Tetrodotoxin) nhằm phục vụ cho công tác điều trị ngộ độc cá nóc” do Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Văn Hiệp, nguyên Viện trưởng Viện Vắc-xin và sinh phẩm y tế làm chủ nhiệm, với tư cách chuyên gia. Tuy đề tài mới chính thức triển khai từ năm 2009 với kinh phí gần 1,3 tỷ đồng (một nửa từ ngân sách sự nghiệp khoa học của tỉnh) nhưng thực tế, vấn đề này đã được Viện bắt đầu nghiên cứu từ vài năm trước bằng nguồn kinh phí của đơn vị chủ yếu dùng mua nguyên liệu, hóa chất… Cũng vì thế, Tiến sĩ Lâm Thành Hưng đã ở Nha Trang được mấy năm. Ông chia sẻ: “Một số người dân còn hiểu biết hạn chế đã sử dụng cá nóc độc để chế biến thực phẩm, dẫn đến nhiều ca ngộ độc cá nóc, trong đó, không ít trường hợp đã tử vong. Vì thế, đầu tư tiền tỷ cho nghiên cứu kháng độc tố cá nóc để điều trị các ca ngộ độc cá nóc trước hết phục vụ mục đích nhân đạo”.
Hiện đề tài đã “đi” được hơn nửa chặng đường. 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực độc tố hỗ trợ cho Tiến sĩ Lâm Thành Hưng rất nhiều khi thực hiện đề tài này vì “những sơ đồ dùng chống độc tố nọc rắn có thể thử cho chống độc tố cá nóc”. Hàng ngày, Tiến sĩ Lâm Thành Hưng đi làm đều đặn như các cán bộ, nhân viên của Viện. Ông cùng các đồng sự chiết xuất, tinh chế độc tố, phân loại chuẩn bị để làm kháng thể. Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Văn Hiệp, trước mắt, đề tài tìm kháng thể chống độc tố cá nóc để phục vụ điều trị các ca ngộ độc cá nóc - vốn chiếm đến 45% ca tử vong do ngộ độc thực phẩm hàng năm. Về lâu dài, khi tinh chế được độc tố đạt độ sạch chuẩn, sản xuất khối lượng lớn, có thể ứng dụng làm các chế phẩm chữa cai nghiện ma túy hoặc đưa vào chế phẩm giảm đau cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối.
Ngoài nghiên cứu khoa học, Tiến sĩ Lâm Thành Hưng cũng mong muốn được chia sẻ kinh nghiệm và hiểu biết của mình với các sinh viên. Mỗi năm, ông cùng người vợ Pháp về nước 3 tháng đầu năm để vừa được làm khoa học vừa được hưởng không khí đón Tết cổ truyền tại Việt Nam. Vốn đã quen với các món ăn Việt nên bà rất thoải mái với những bữa cơm bụi cùng ông. Hiện nay, 2 ông bà thuê nhà tại khu vực Đồng Đế (Nha Trang). Những lúc ông bận bịu với công tác nghiên cứu khoa học, bà đọc sách, đi chợ. Trong những ngày nghỉ Tết, 2 vợ chồng cùng đi du lịch. Ông chia sẻ, ở Pháp, mỗi khi Tết Nguyên đán đến, gia đình ông đều nấu cơm cúng tổ tiên với đủ món thịt kho dưa giá, bánh chưng… Dù vậy, gia đình ông vẫn cảm thấy thiếu không khí chộn rộn đón Tết ở Việt Nam từ ngày rước ông Táo, thấy nhớ cảnh dựng cây nêu, hình ảnh trẻ em xúng xính mặc quần áo mới, được tặng phong bao lì xì… Mỗi lần về quê hương, ông luôn nhớ mang theo những “món quà khoa học” nho nhỏ - cách nói của ông, dành tặng các đồng sự ở Viện Vắc-xin và sinh phẩm y tế. Nhưng theo tôi, có lẽ, món quà quý nhất mà ông mang về Việt Nam chính là tấm lòng dành cho quê hương.
KHÁNH NINH