07:02, 15/02/2010

Ấn tượng… Tết Việt

Như một sự tình cờ thú vị, 2 lần tôi gặp Sonđalây Phănthăvông và Sămly Đyvixaay - sinh viên Lào, đang học tại Trường Đại học Nha Trang - đều trong bối cảnh liên quan đến chữ “Tết”.

Như một sự tình cờ thú vị, 2 lần tôi gặp Sonđalây Phănthăvông và Sămly Đyvixaay - sinh viên (SV) Lào, đang học tại Trường Đại học Nha Trang (ĐHNT) - đều trong bối cảnh liên quan đến chữ “Tết”. Lần đầu tại ký túc xá của trường trong dịp 2 bạn tổ chức tiệc mừng Tết té nước - Tết truyền thống của người Lào để SV Việt Nam hiểu hơn về văn hóa Lào. Lần gặp này là lúc 2 bạn cùng một số SV Việt Nam đi dạo chợ Tết cổ truyền của Việt Nam để hiểu hơn về văn hóa Việt

° Sinh viên Lào với Tết Việt

Nhận ra sự tình cờ thú vị, Sămly Đyvixaay - SV năm thứ 3 ngành Quản trị kinh doanh, Trường ĐHNT hào hứng kể kỷ niệm khá độc đáo của mình về Tết Việt: “Em biết đến Tết Việt lần đầu tiên ở… Lào. Đó là năm học lớp 11, em được một người bạn gốc Việt mời về nhà đón Tết cổ truyền. Được nghe nhiều về tục “xông đất” đầu năm của người Việt nên khi được bạn mời xông nhà, em vừa hãnh diện, vừa run… cả năm. May mà năm đó, gia đình bạn làm ăn suôn sẻ. Tết năm ấy cũng là năm đầu tiên em biết thế nào là… say rượu khi vui xuân ở nhà bạn”.

 

Lamphone đang trổ tài với món nộm đu đủ - món ăn truyền thống vào dịp Tết cổ truyền của Lào - để đãi các bạn sinh viên Việt Nam.

Dáng người nhỏ nhắn, phát âm tiếng Việt hơi lơ lớ, Sonđalây Phănthăvông - SV Lào đang học năm 3 khoa Ngoại ngữ, Trường ĐHNT sôi nổi nói: “Ấn tượng nhất đối với em về Tết cổ truyền Việt Nam là việc các gia đình Việt Nam quây quần bên nhau trong những ngày Tết. Con cháu ở đâu xa cũng về nhà để sum họp với gia đình. Mấy hôm nay ở trên lớp, các bạn đều bàn tán xôn xao việc về quê đón Tết làm em cũng háo hức theo”. Nói xong, Sonđalây Phănthăvông khoe với tôi về lần đón Tết Việt đầu tiên cũng ở… Lào: “Năm ấy em đang học lớp 7, có gia đình người gốc Việt chuyển đến sinh sống cạnh nhà. Sau tết Tây 1 tháng, em thấy gia đình họ quét dọn lại nhà cửa, mua sắm nhiều đồ mới, bày nấu nhiều món ăn với niềm háo hức. Sang chơi em mới biết họ đang chuẩn bị đón Tết truyền thống của người Việt. Năm đó, gia đình em được họ mời sang nhà, được thưởng thức nhiều món ăn rất ngon. Em ấn tượng nhất là món bánh dài dài được cuốn trong lá chuối mà mọi người thường gọi là bánh tét, ăn kèm với củ kiệu. Từ đó, năm nào em cũng háo hức… chờ đến Tết của người Việt để được ăn món bánh ấy”. Từ khi sang Việt Nam học, được bạn bè mang tặng những món ăn đặc sản mỗi khi Tết về, cảm nhận về Tết cổ truyền của Việt Nam trong Sonđalây Phănthăvông không chỉ có chiếc bánh tét mà còn có món măng kho thịt, mứt dừa, bánh thuẩn, hoa mai, hoa đào… Ghiền các món ăn đặc sản Tết của Việt Nam, 3 năm liền, năm nào gần đến Tết của người Việt, Sonđalây Phănthăvông cũng theo bạn bè đi mua sắm bánh mứt cổ truyền của Việt Nam để làm quà tặng gia đình.

Câu chuyện của chúng tôi bị cắt ngang khi cô bạn    Lamphone - đang là giảng viên khoa Mầm non Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang đến thăm. Sau một hồi líu lo bằng tiếng Lào và khoe với 2 bạn của mình những món bánh, kẹo vừa mua được để mang về quê làm quà, Lamphone hồ hởi góp chuyện khi biết chúng tôi đang nói về Tết cổ truyền của người Việt: “Em thích Tết ở Việt Nam lắm. Những ngày giáp Tết, em thường rủ các bạn trong trường đi dạo phố. Thích lắm chị ạ! Vì những ngày đó ra đường là thấy không khí phấn chấn và vui nhộn tràn ngập mọi nhà, ai ai cũng rộn ràng đi mua sắm, đường phố thì tràn ngập hoa và cây xanh tạo nên những bức tranh màu sắc đầy sống động”. Tuy rất háo hức với Tết Việt nhưng Lamphone vẫn chưa được ăn Tết cổ truyền Việt Nam. Vì theo Lamphone: “Do em là con một trong gia đình nên hễ có kỳ nghỉ dài nào là bố mẹ lại bắt về quê. Chưa ăn Tết Việt Nam nhưng em biết khá nhiều câu chuyện, phong tục, tập quán về Tết cổ truyền của người Việt đấy. Như truyền thuyết về câu chuyện bánh chưng, bánh dày, về chàng Lang Liêu, về ý nghĩa của phong tục lì xì, xông đất đầu năm…” - Lamphone khoe. Riêng các món ăn, Lamphone thích nhất là các món mứt, trong đó mứt gừng và mứt sen là 2 món “ruột” của Lamphone. “Biết em thích nên cứ hễ ăn Tết xong, khi vào học, các bạn trong trường đều mang 2 món này vào làm quà tặng em” - Lamphone kể.

° Đến… con người Việt

3 năm du học ở Việt Nam, ngoài những cảm xúc đẹp về ngày Tết cổ truyền của người Việt, Sonđalây Phănthăvông, Lamphone và Sămly Đyvixaay còn có nhiều ấn tượng đẹp về con người và cảnh vật ở Việt Nam.

 

Lamphone, Sămly Đyvixaay và Sonđalây Phănthăvông (từ trái qua phải).

Sonđalây Phănthăvông khoe: “Ở đây em có cha mẹ nuôi, quê ở Ninh Hòa. Lúc mới vào học, em có làm quen với một bạn quê ở Ninh Hòa, học hết 1 năm, bạn rủ em về nhà chơi. Lần đầu tiên em đến nhà bạn ấy, cha mẹ bạn đón tiếp rất nồng hậu, chăm sóc em như con ruột của mình. Hết nấu những món ăn em thích, mẹ bạn còn nấu các món đặc sản ở vùng quê Ninh Hòa cho em ăn như bánh canh, bún cá, nem chua…. Xúc động và ấm lòng lắm chị ạ! Mỗi khi nhớ nhà, em lại về nhà cha mẹ nuôi ở”. Sonđalây Phănthăvông đang háo hức lên kế hoạch chờ đến Tết cổ truyền để được về nhà ba mẹ nuôi đón Tết, tranh thủ học cách làm các món ăn đặc sản ở Việt Nam để về trổ tài cho ba mẹ và các bạn ở bên Lào.

Không có cha mẹ nuôi như Sonđalây Phănthăvông, 3 năm ở Việt Nam, Lamphone và Sămly Đyvixaay cũng có nhiều kỷ niệm xúc động về sự quan tâm, động viên của thầy cô và các bạn SV người Việt. “Biết tụi em ở xa, nhớ nhà nên các bạn SV, thầy cô ở trường rất nhiệt tình giúp đỡ tụi em trong việc học tập, sinh hoạt. Những ngày lễ, Tết của người Lào hay người Việt, các bạn đều tổ chức và kéo tụi em vào tham gia. Mỗi khi nghỉ Tết vào học lại, các bạn đều mang bánh quà tặng tụi em. Ở đây em thấy như ở nhà mình, chỉ có khác là xa cách về mặt địa lý thôi”, Sămly Đyvixaay xúc động nói. Chính vì những tình cảm quý mến ấy mà Lamphone và Sămly Đyvixaay dự định sau khi tốt nghiệp sẽ kiếm học bổng để tiếp tục học thạc sĩ tại Việt Nam. Cũng như Sonđalây Phănthăvông, Sămly Đyvixaay dự định năm nay sẽ ở lại Việt Nam để xem cách người Việt du xuân, trang trí nhà cửa, phố phường, xem hoa đào, hoa mai mở và để xem Tết cổ truyền của người Việt có giống với Tết té nước của người Lào hay không.

Tết Canh Dần đang đến gần, một mùa xuân nữa lại về. Chia tay tôi, các SV Lào cũng đang háo hức lên kế hoạch nấu những món ăn truyền thống của Lào để tiễn các bạn SV Việt Nam về quê ăn Tết.

T.L