12:02, 20/02/2010

A Ma Rôn của buôn làng

 Người đàn ông ấy mang quốc tịch Hà Lan, nhưng có tới 17 năm ở Khánh Vĩnh trong gần 1/4 thế kỷ sống ở Việt Nam. Anh đã cống hiến gần như hết thời tuổi trẻ của mình để giúp đồng bào vùng cao chống dịch, chống đói nghèo. Chính vì thế mà bà con nơi đây thường gọi anh là A Ma Rôn của buôn làng…

 

A Ma Rôn chính là cái tên trìu mến đồng bào dân tộc Raglai, huyện Khánh Vĩnh dành cho Thạc sĩ Ron P. Marchand, người Phụ trách Văn phòng Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam (MCNV) tại Nha Trang.

° Yêu Việt Nam từ nhỏ

Một mình lặn lội trong rừng đêm bắt muỗi.

Trong ngôi nhà yên tĩnh, nằm sâu trong con hẻm nhỏ thuộc tổ 14 Ngọc Thảo - Ngọc Hiệp, Nha Trang, sau khi nhấp một ngụm trà Việt,  A Ma Rôn khoe với chúng tôi, anh vừa nhận tin vui từ quê nhà: anh đã được lên chức… ông ngoại gần 1 tháng nay. Ngày anh sang Việt Nam, con gái anh còn rất nhỏ, thế mà bây giờ đã có chồng con. Đất nước Việt Nam trong anh bây giờ so với tưởng tượng của  cậu bé Ron hơn 40 năm về trước cũng đã khác nhau nhiều lắm.

Ngày ấy, cậu bé Rôn biết đến Việt Nam qua những bản tin về chiến tranh, bom đạn và chết chóc... Sau những giờ học, cậu đã cùng hàng ngàn người Hà Lan tiến bộ xuống đường biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam. Khi đăng ký tham gia MCNV, cậu đã vận động bạn bè quyên góp và bản thân cậu cũng tiết kiệm từng đồng tiền nhỏ bé của mình để ủng hộ Việt Nam. Vì cậu hiểu, những đồng tiền từ thiện đó, MCNV sẽ dùng để mua các thiết bị y tế, thuốc men… giúp người dân Việt Nam vượt qua nỗi đau chiến tranh…

Thế rồi, mùa thu năm 1987, khi hoa tuylip đang nở rộ, Ron quyết định chia tay gia đình tình nguyện sang Việt Nam. Đến một xứ sở xa xôi vừa kết thúc chiến tranh với nhiều đổ nát, gia đình anh đã không khỏi lo lắng nhưng biết anh là chuyên gia côn trùng phải làm việc ở vùng nhiệt đới nên mọi người không phản đối. Ngày đầu anh làm điều phối viên cho “Dự án hợp tác nghiên cứu các loài muỗi truyền bệnh ở Việt Nam”. Dự án này do Đại học Hà Lan và Đại học Tổng hợp Hà Nội phối hợp thực hiện.

Anh đã từng đi qua rất nhiều “rốn” sốt rét của Việt Nam như  Quỳ Hợp (Nghệ An), Sơn Hòa (Phú Yên), Cần Giuộc (Long An)… để nghiên cứu về các loài muỗi truyền bệnh sốt rét cho con người. Qua những đêm lặn lội trong rừng sâu bắt muỗi, mày mò nghiên cứu, anh phát hiện loài muỗi truyền bệnh sốt rét trú đậu ngoài nhà ở Việt Nam đã tăng sức chịu đựng đối với các loại hóa chất. Vì thế, anh đề nghị MCNV giúp đỡ Chương trình phòng chống sốt rét (PCSR) ở Việt Nam, tư vấn cho MCNV giúp Chương trình PCSR Việt Nam không chỉ về cung cấp vật tư, hóa chất, thuốc men, phương tiện đi lại… mà còn kết hợp tư vấn kỹ thuật, giáo dục sức khỏe cho cộng đồng về PCSR.

° Ông Tây mê... bắt muỗi

Bà con người dân tộc thiểu số ở huyện Khánh Vĩnh thường gọi anh một cách trìu mến là “Ama Ron” của làng. Năm 1992, anh đến xã Khánh Phú nghiên cứu sốt rét. Lúc đó, xã có khoảng 400 hộ với 2.000 dân, chủ yếu là dân tộc Raglai. Đời sống của người dân trong xã rất nghèo, trẻ em không có quần áo mặc, người dân sống du canh du cư, lán trại là nhà, ngày làm rẫy, đêm ngủ lại trong rừng, mang mầm bệnh về nhà, dịch bệnh sốt rét có điều kiện phát triển, tỷ lệ người mắc bệnh khá cao, đặc biệt có khoảng 90% trẻ em mang kí sinh trùng sốt rét, 80% dân số kháng thuốc.

 

Anh Ron và cộng sự nghiên cứu muỗi truyền bệnh sốt rét.

Những khó khăn đó đã níu chân anh ở lại giúp Việt Nam nghiên cứu sâu hơn về dịch tễ, côn trùng và kí sinh trùng sốt rét để tìm ra biện pháp thích hợp giải quyết những vấn đề về sốt rét. Anh phải lặn lội qua những cánh rừng khác nhau để bắt muỗi, có những đêm lạnh buốt người, anh cùng các cộng sự ngồi trong rừng làm mồi nhử muỗi để bắt về nghiên cứu. Cũng từ đó, người dân đã quen dần với hình ảnh ông Tây da trắng, cao lêu nghêu, suốt ngày tha thẩn trong rừng để bắt… muỗi. Tại đây, anh và Đội nghiên cứu sốt rét Khánh Phú đã phát hiện loài muỗi An.Dirus gây bệnh sốt rét không bị tiêu diệt bởi màn tẩm hóa chất. Thế là, anh cùng các đồng nghiệp Việt Nam đã chuyển hướng sang nghiên cứu PCSR rừng. Quá trình nghiên cứu đã có nhiều ứng dụng rộng rãi trong thực tiễn, từng được một số đơn vị đến học tập như Trung tâm Các bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh, Đại học Oxford (Anh), Đại học Nagasaki (Nhật Bản) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

 

Giây phút đời thường.

Bệnh sốt rét đã giảm nhưng bà con Khánh Vĩnh vẫn còn nghèo. Vì thế anh đã đến từng nhà dân, tìm hiểu căn nguyên cái nghèo và thuyết phục MNCV tiếp tục tài trợ dự án “Phát triển sức khỏe và đời sống do cộng đồng quản lý” cho đồng bào (năm 2005). Nhờ dự án hỗ trợ, anh tổ chức hướng dẫn bà con biết cách dùng nước sạch, nuôi heo rừng, nuôi nhông, nuôi nhím, trồng mây, trồng lá buông, thực hiện tái sản xuất, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em… “Nhờ có A Ma Rôn, giờ mình đã biết nuôi nhím, trước đây mình chỉ biết bắt nó trên rừng về làm thịt thôi, mình biết ơn A Ma Rôn lắm” - Ông Hà Mơ (người dân tộc T’rin, xã Sơn Thái chia sẻ. Chị Cao Thị Tuyết Nhung, dân tộc Raglai, xã Khánh Bình cũng bộc bạch: “Nhờ cái máy cày dự án tài trợ mà ruộng cả thôn Cà Hon mình đều làm được 2 vụ, không bị bỏ hoang như trước, bà con thêm cái ăn, mừng lắm”…

° Sống như người Việt

Anh kể ở Việt Nam, món ăn anh thích nhất là món phở và thịt vịt, ghét thịt cầy. Anh thích sống ở Việt Nam, vì Việt Nam có phong cảnh thiên nhiên thơ mộng, cuộc sống dễ chịu và con người thân thiện, dễ gần. Hàng năm, cứ đến Tết dương lịch là anh về Hà Lan đón Tết cùng gia đình. Tết ở Hà Lan quê anh cũng gần giống như Tết cổ truyền của người Việt. Cuối năm gia đình đoàn tụ, làm bánh Oliebol – một loại bánh không thể thiếu vào ngày Tết của người Hà Lan, giống như Việt Nam không thể thiếu bánh chưng, bánh dầy. Đến giao thừa, nhà nào cũng khui sâm banh và chúc mừng năm mới. Trong dịp Tết, mọi người thường đi thăm họ hàng, người thân, bạn bè hoặc đi dạo phố. Cũng như mọi năm, năm nay đón Tết dương lịch ở quê nhà xong, anh lại bay sang Việt Nam để đón Tết âm lịch cùng bạn bè người Việt. Với anh bây giờ, Việt Nam là quê hương thứ hai không thể rời xa. Đêm giao thừa năm nay, anh sẽ cùng một số nhân viên ra trước sân nhà, nơi có dòng sông Cái chảy qua, cùng bày mâm ngũ quả cúng mừng năm mới với ước mong về một cuộc sống hòa bình và ngày càng phát triển.

M.T