09:02, 07/02/2008

Năm 2008 có ý nghĩa rất quan trọng

Năm 2007 là năm thứ hai thực hiện kế hoạch 5 năm 2006 - 2010, bên cạnh một số thuận lợi cơ bản, việc triển khai kế hoạch phát triển KT-XH năm 2007...

(Ông Võ Lâm Phi - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trả lời phỏng vấn Báo Khánh Hòa)

- P.V: Thưa ông, năm 2007 được đánh giá là năm tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh tiếp tục ổn định, phát triển và có nhiều khởi sắc. Trong những thành tựu ấy, ông đánh giá thành tựu nào nổi bật nhất, khiến ông tâm đắc nhất?

° Ông Võ Lâm Phi: Năm 2007 là năm thứ hai thực hiện kế hoạch 5 năm 2006 - 2010, bên cạnh một số thuận lợi cơ bản, việc triển khai kế hoạch phát triển KT-XH năm 2007 cũng gặp nhiều khó khăn. Tình hình dịch bệnh ở gia cầm, gia súc, tôm hùm; giá cả một số mặt hàng thiết yếu tăng đột biến đã gây thiệt hại lớn đến chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và đời sống của đại bộ phận nhân dân.

Với sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, đặc biệt là sự nỗ lực, phấn đấu cao của các doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà đầu tư, KT-XH của tỉnh tiếp tục ổn định, phát triển và có nhiều khởi sắc: tốc độ tăng GDP đạt 11%, trong đó nông lâm thủy sản tăng 1,9%; công nghiệp - xây dựng tăng 12,4%, dịch vụ tăng 13,9%. Cơ cấu kinh tế năm 2007 tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực: công nghiệp - xây dựng chiếm 42,38%, dịch vụ chiếm 41,47% và nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 16,15%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2007 ước đạt 16,075 triệu đồng (tương đương 1.005 USD), tăng 17,2% so với năm 2006. Huy động vốn đầu tư xã hội đạt 6.400 tỷ đồng, gần bằng 1/2 tổng vốn huy động của 5 năm 2001 - 2005, doanh thu du lịch tăng 22,5% so với năm 2006. Y tế, giáo dục - đào tạo đạt kết quả tốt; nhiều sự kiện văn hóa, thể thao lớn mang tầm quốc gia, quốc tế được tổ chức thành công tại tỉnh; hoạt động đối ngoại tiếp tục được mở rộng đã góp phần quảng bá rộng rãi hình ảnh và tiềm năng của tỉnh. Các hoạt động xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, chăm lo cho các đối tượng chính sách, đối tượng nghèo được tổ chức thực hiện có hiệu quả. Công tác cải cách thủ tục hành chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng từng bước đi vào nề nếp. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Những thành tựu đạt được trong năm 2007 có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tạo đà phát triển KT-XH năm 2008 và những năm tiếp theo.

Một nét chú ý trong năm 2007 là tình hình thu hút đầu tư vào tỉnh có nhiều khởi sắc. Khu Kinh tế (KKT) Vân Phong và Khu Du lịch (KDL) Bắc bán đảo Cam Ranh đã có những khởi động tích cực. Năm qua có hơn 40 nhà đầu tư, tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước đến tỉnh để khảo sát, tìm hiểu và đặt vấn đề đầu tư. Chính phủ cho phép nâng cấp Cảng hàng không Cam Ranh thành Cảng hàng không quốc tế. Một số dự án, công trình lớn được khánh thành như: đường Khánh Lê - Lâm Đồng (giai đoạn l), cáp treo vượt biển Vinpearl, Nhà máy Thủy điện Eakrong Rou đi và hoạt động… Một số dự án được khởi công như hồ chứa nước Hoa Sơn, hồ chứa nước Tiên Du, Trạm Phân phối xi măng Ninh Thủy, Nhà ga Cảng hàng không Cam Ranh, Kho Xăng dầu ngoại quan Mỹ Giang… Một số dự án công nghiệp lớn có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài và trong nước đang xúc tiến các thủ tục để cấp giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) như: Dự án Nhà máy Đóng tàu STX (Hàn Quốc) với tổng vốn đầu tư 500 triệu USD, Dự án KDL Bãi Cát Thắm của Tập đoàn T&M với tổng vốn đầu tư 200 triệu USD. Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh, Ban Quản lý (BQL) KKT Vân Phong đã cấp GCNĐT dự án xây dựng Cảng trung chuyển container quốc tế Vân Phong giai đoạn khởi động với tổng vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD cho Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam. UBND tỉnh cũng đã bàn giao Cảng Ba Ngòi (Cam Ranh) cho Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam để đầu tư nâng cấp, xây dựng cảng container…, đây là cơ hội thuận lợi để KT-XH Khánh Hòa phát triển nhanh trong những năm tới… Điều đó cũng khẳng định tiềm năng và hiệu quả trong hoạt động thu hút đầu tư của tỉnh.

- P.V: Trong xu thế hội nhập và phát triển, năm 2008 hứa hẹn là một năm có nhiều khó khăn, thách thức. Trong xu thế ấy, Khánh Hòa sẽ làm gì để giữ vững sự ổn định và phát triển, xứng đáng là một tỉnh giàu ở khu vực Nam Trung bộ, thưa ông?

° Ông Võ Lâm Phi: Năm 2008 có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh, là năm bản lề của kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2006 - 2010. Những thành tựu đạt được trong năm 2007 sẽ tạo đà để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho năm 2008 và những năm tiếp theo. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập kinh tế và hợp tác quốc tế ngày càng sâu rộng, bên cạnh những thuận lợi, chúng ta vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức trước những nhân tố gây mất ổn định khó lường như giá cả nguyên vật liệu tiếp tục ở mức cao, sự biến động phức tạp của thị trường tài chính và những bất cập của thể chế kinh tế, thủ tục hành chính, kết cấu hạ tầng KT-XH và nguồn nhân lực.

Trong điều kiện đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong tỉnh cần phải nỗ lực để tranh thủ tối đa thời cơ thuận lợi, vượt qua khó khăn thách thức, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm 2006 - 2010 ngay trong năm 2008. Trong đó, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Cải thiện môi trường đầu tư, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước; tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng các vùng kinh tế trọng điểm: Vân Phong, Cam Ranh, Nha Trang. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng giáo dục và đào tạo. Kết hợp chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển các vấn đề xã hội, phát triển KT-XH miền núi, vùng cao, hải đảo; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng an ninh. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước. Năm 2008 phải đạt được các chỉ tiêu chủ yếu sau: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng trên 12% so với năm 2007; thu nhập bình quân đầu người tương đương 1.150 - 1.200 USD; Giá trị sản xuất (GTSX) công nghiệp - xây dựng tăng 19% (trong đó GTSX công nghiệp tăng 15 - 16%); GTSX nông, lâm, thủy sản tăng 4,7%; GTSX dịch vụ tăng 13 - 13,5%; tổng kim ngạch xuất khẩu 560 triệu USD, tăng 14 - 15%; tổng kim ngạch nhập khẩu 250 triệu USD, tăng 11 - 12%; tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội 8.000 tỷ đồng, tăng trên 25%; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 4.316 tỷ đồng (chỉ tiêu phấn đấu 4.500 tỷ đồng); tỷ lệ lao động được đào tạo 35%; số lao động được giải quyết việc làm mới trong năm: 25.000 lao động; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn quốc gia 6,65%;  tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn của tỉnh 8,24%.

Để đạt được các chỉ tiêu trên, trước hết UBND tỉnh sẽ căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ và phương hướng phát triển KT-XH của tỉnh trong quy hoạch để phối hợp với các bộ, ngành Trung ương chỉ đạo việc lập, trình duyệt và triển khai thực hiện theo quy định quy hoạch phát triển KT-XH các huyện, thị xã; quy hoạch phát triển hệ thống đô thị và các điểm dân cư; quy hoạch xây dựng, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực để bảo đảm sự phát triển đồng bộ; đặc biệt là triển khai thực hiện Quy hoạch chung xây dựng phía Tây TP. Nha Trang. Xây dựng chính quyền các cấp vững mạnh, đẩy mạnh tiến trình cải cách hành chính, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ công chức và phân định rõ thẩm quyền giữa các cấp đi đôi với tăng cường kỷ luật hành chính, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu nhằm tạo môi trường thuận lợi thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Nghiên cứu xây dựng, ban hành một số cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển của tỉnh, pháp luật của Nhà nước trong từng năm nhằm thu hút, huy động các nguồn lực để thực hiện quy hoạch. Lập các kế hoạch, các dự án cụ thể để tập trung đầu tư hoặc từng bước bố trí ưu tiên hợp lý nguồn vốn của Nhà nước hoặc kêu gọi đầu tư; đồng thời chỉ đạo triển khai có hiệu quả các chương trình KT-XH trọng điểm của tỉnh đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 15 xác định. Xây dựng kế hoạch đào tạo lao động phù hợp với định hướng phát triển ngành nghề. Có chính sách thu hút nguồn lao động từ các địa phương khác đến làm việc tại tỉnh. Tăng cường hợp tác với các tỉnh, thành trong cả nước, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Trung. Mở rộng thị trường trong và ngoài nước; quan tâm việc tạo dựng và quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có tiềm năng phát triển của tỉnh.

- P.V: Theo Nghị quyết của HĐND tỉnh, năm 2008 tỉnh sẽ miễn một số khoản đóng góp cho nông dân, tuy nhiên hiện nay đời sống của nông dân vẫn còn nhiều khó khăn. Ông có thể cho biết năm 2008, tỉnh sẽ có những chính sách gì để hỗ trợ nông dân vượt qua khó khăn, vươn lên trong sản xuất cũng như trong cuộc sống?

° Ông Võ Lâm Phi: Thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 70/2007/QĐ-UBND ngày 9-11-2007 giảm một số khoản đóng góp của nông dân trên địa bàn tỉnh. Trong đó: Về thủy lợi phí: giảm 70% mức thu thủy lợi phí diện tích trong hạn điền đối với mỗi hộ gia đình, cá nhân. Về thu đóng góp xây dựng kiên cố hóa kênh mương: Nhân dân đóng góp giảm từ 40% xuống 20% trên giá thành xây dựng cho kênh mương loại III, giảm mức huy động từ 200kg thóc/ha/vụ xuống 100kg thóc/ha/vụ (áp dụng từ ngày 1-1-2008). Đối với các khoản nợ của nông dân từ ngày thực hiện Quyết định số 70/2007/QĐ-UBND trở về trước thì xử lý theo hướng: Đối với mức huy động của người hưởng lợi chưa đảm bảo tỷ lệ 20% giá trị công trình thì huy động tiếp cho đảm bảo theo đúng tỷ lệ; đối với mức huy động của người hưởng lợi đã vượt quá 20% giá trị công trình thì không xem xét hoàn trả hoặc khấu trừ. Về khoản đóng góp giao thông nông thôn: Nhân dân đóng góp không quá 30% trên 40% nguồn kinh phí xã huy động đối với xã loại I và không quá 10% trên 20% nguồn kinh phí xã huy động đối với xã loại II. Nhân dân các xã đồng bằng, miền núi thuộc xã loại III được miễn đóng góp.

Để bảo đảm thực hiện các chương trình, mục tiêu khi triển khai thực hiện chính sách giảm thu thủy lợi phí, giảm thu đóng góp của nông dân đối với 2 khoản thu giao thông nông thôn và kiên cố hóa kênh mương, hàng năm ngân sách tỉnh bố trí từ nguồn đầu tư để bù vào khoản này.

Ngoài việc miễn các khoản đóng góp trên, giải pháp để hỗ trợ nông dân giảm bớt khó khăn trong sản xuất là tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, nâng cao trình độ thâm canh, tăng năng suất, bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm trong chăn nuôi. Phát triển vững chắc các cây công nghiệp theo quy hoạch, hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn gắn với công nghiệp chế biến.

Khuyến khích phát triển các dịch vụ hỗ trợ để tăng hiệu quả nuôi trồng và khai thác thủy sản. Đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi.

Tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và hỗ trợ phát triển các làng nghề truyền thống. Phấn đấu mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững thông qua việc đẩy mạnh các chương trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn và các chương trình hỗ trợ về sản xuất và đời sống cho đồng bào nghèo, đồng bào có hoàn cảnh khó khăn như: Cho vay xóa đói, giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm…

- P.V: Xin cảm ơn ông!

HẢI YẾN (Thực hiện)