10:03, 07/03/2020

Từ 15/4: Ngược đãi người lao động bị phạt tới 75 triệu đồng

Nghị định 28/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định mức xử phạt nghiêm khắc đối với hành vi ngược đãi người lao động, làm giả hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội…

Nghị định 28/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định mức xử phạt nghiêm khắc đối với hành vi ngược đãi người lao động, làm giả hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội…
 
Cưỡng bức lao động bị phạt nặng
 
Theo Nghị định 28/2020/NĐ-CP, mức phạt tiền từ 3-7 triệu đồng sẽ được áp dụng từ 15/4 đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi:
 
Bố trí người lao động làm việc ở địa điểm khác với địa điểm làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại Điều 31 của Bộ luật Lao động;
 
Không nhận lại người lao động trở lại làm việc sau khi hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, trừ trường hợp người sử dụng lao động và người lao động có thỏa thuận khác;

 

Nghị định 28/2020/NĐ-CP có nhiều quy định mới nhằm bảo vệ quyền lợi của NLĐ (ảnh minh họa)
Nghị định 28/2020/NĐ-CP có nhiều quy định mới nhằm bảo vệ quyền lợi của NLĐ (ảnh minh họa)

 

Chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động không đúng lý do, thời hạn hoặc không có văn bản đồng ý của người lao động theo quy định của pháp luật.
 
Đặc biệt, Nghị định còn quy định mức phạt tiền từ 50-75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi cưỡng bức lao động, ngược đãi người lao động mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
 
Đối với những vi phạm quy định về thử việc, Điều 9 Nghị định quy định, người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Yêu cầu thử việc đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ; Không thông báo kết quả công việc người lao động đã làm thử theo quy định của pháp luật thì bị phạt tiền từ 500.000-1 triệu đồng.
 
Trường hợp người sử dụng lao động yêu cầu người lao động thử việc quá 1 lần đối với một công việc; Thử việc quá thời gian quy định; Trả lương cho người lao động trong thời gian thử việc thấp hơn 85% mức lương của công việc đó; Kết thúc thời gian thử việc, người lao động vẫn tiếp tục làm việc mà người sử dụng lao động không giao kết hợp đồng lao động với người lao động thì bị phạt tiền từ 2-5 triệu đồng.
 
Ngoài ra, người sử dụng lao động còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc trả đủ tiền lương của công việc đó cho người lao động; Buộc giao kết hợp đồng lao động với người lao động…
 
Tăng mức phạt đối với NLĐ làm giả hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội
 
Theo Nghị định 28/2020/NĐ-CP, từ 15/4, người lao động có hành vi kê khai không đúng sự thật hoặc sửa chữa, tẩy xóa làm sai sự thật những nội dung có liên quan đến việc hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng (trước đây chỉ bị phạt từ 500.000 đồng - 1 triệu đồng).
 
Ngoài ra, mức phạt này cũng được áp dụng với người lao động có một trong các hành vi:
 
Không thông báo với trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định khi có việc làm trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp;
 
Đang hưởng trợ cấp thất nghiệp không thông báo theo quy định với trung tâm dịch vụ việc làm khi thuộc một trong các trường hợp: Có việc làm; thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; hưởng lương hưu hàng tháng; đi học có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên.
 
Mức phạt với người sử dụng lao động có hành vi làm giả, làm sai lệch nội dung hồ sơ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp để trục lợi mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự vẫn được giữ nguyên ở mức từ 5 - 10 triệu đồng/hồ sơ.
 
Theo An ninh Thủ đô