10:09, 16/09/2019

Sẽ có nhiều ưu đãi, phụ cấp cho giáo viên từ ngày 1-7-2020

Đây là nội dung đáng chú ý được đề cập tại Luật Giáo dục 2019 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020).

Đây là nội dung đáng chú ý được đề cập tại Luật Giáo dục 2019 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020).


Theo đó, ngoài việc giữ nguyên quy định như hiện hành là nhà giáo được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp; được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề thì tại luật này còn bổ sung thêm nhiều quyền lợi cho nhà giáo.


Đơn cử, dành một điều luật để quy định về chính sách đối với nhà giáo, cụ thể như sau:


Một là, Nhà nước có chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, bảo đảm các điều kiện cần thiết về vật chất và tinh thần để nhà giáo thực hiện vai trò và nhiệm vụ của mình.


Hai là, nhà giáo công tác tại trường chuyên, trường năng khiếu, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị đại học, trường, lớp dành cho người khuyết tật, trường giáo dưỡng hoặc trường chuyên biệt khác, nhà giáo thực hiện giáo dục hòa nhập được hưởng chế độ phụ cấp và chính sách ưu đãi.


Ba là, Nhà nước có chính sách khuyến khích, ưu đãi về chế độ phụ cấp và các chính sách khác đối với nhà giáo công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.


Ngoài ra, Quốc hội cũng giao cho Chính phủ quy định chi tiết nội dung nêu trên để luật được đi vào cuộc sống.


Như vậy, kể từ ngày 1-7-2020 nhà giáo sẽ có nguồn thu tăng thêm từ các khoản phụ cấp, chính sách ưu đãi… để có đời sống tốt hơn, vững tin trong sự nghiệp trồng người.


Luật Giáo dục 2019 sẽ bãi bỏ Luật Giáo dục 2005 và các văn bản sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục 2005.

Phòng, chống hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế


Đây là nội dung được đề cập tại Chỉ thị 10/CT-BYT ngày 9-9-2019 về tăng cường công tác phòng, chống hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế (BHYT).


Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu giám đốc các cơ sở khám, chữa bệnh có giường bệnh thực hiện các nhiệm vụ:


- Có kế hoạch kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh công tác khám, chữa bệnh BHYT.


- Nâng cao chất lượng hoạt động của hội đồng thuốc và điều trị của bệnh viện, kiểm soát việc kê đơn, sử dụng thuốc, chỉ định xét nghiệm, dịch vụ kỹ thuật...


- Thực hiện lập bảng kê chi phí khám, chữa bệnh của người bệnh đảm bảo tính chính xác, công khai và phải có chữ ký xác nhận của người bệnh hoặc người nhà người bệnh để lưu trong hồ sơ bệnh án.


- Công khai bảng giá dịch vụ y tế đã được phê duyệt tại nơi tiếp nhận người bệnh và nơi thanh toán, nghiên cứu thực hiện triển khai thanh toán viện phí không dùng tiền mặt.


- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh, đảm bảo công khai, minh bạch các danh mục dịch vụ y tế và giá các dịch vụ y tế.


Không được yêu cầu nộp bản sao có chứng thực nếu pháp luật không quy định


Bộ Nội vụ vừa ban hành Kế hoạch 4312/KH-BNV triển khai thực hiện Chỉ thị 10/CT-TTg về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.


Theo đó, một số nhiệm vụ, giải pháp thực hiện cải cách hành chính, tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, đổi mới công nghệ quản lý như sau:


- Không được yêu cầu doanh nghiệp, người dân bổ sung hồ sơ quá 1 lần; không nhận quá thành phần hồ sơ theo quy định và không được yêu cầu người dân nộp các loại bản sao có chứng thực nếu pháp luật không quy định;


- Khẩn trương rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật thuộc phạm vi quản lý;


- Nhận diện nguy cơ tham nhũng theo vị trí việc làm để có biện pháp kiểm tra, giám sát;


- Khắc phục ngay những điểm bất cập có thể bị lợi dụng gây phiền hà, sách nhiễu đối với người dân và doanh nghiệp;


- Rà soát thủ tục hành chính theo hướng tinh giản, kiến nghị loại bỏ ngay các thủ tục không cần thiết, mâu thuẫn, chồng chéo, quy trình rườm rà, khó thực hiện; rà soát, kiến nghị rút ngắn thời gian, lộ trình giải quyết.


T.K