Hơn 15 năm nay, mỗi khi nhìn các con lúc khóc, lúc cười ngây dại, vợ chồng ông Phan Đức Hạnh (71 tuổi) và bà Nguyễn Thị Lan (68 tuổi), thôn Trung Hiệp, xã Cam Hiệp Bắc, huyện Cam Lâm lại thấy lòng nghẹn đắng. Gia đình thuộc hộ nghèo, ông Hạnh lại tàn tật, cuộc sống của gia đình ngày càng khó khăn, túng quẫn khi phải chăm sóc, thuốc thang cho 2 người con gái mắc bệnh tâm thần và đứa cháu ngoại đang tuổi ăn học.
Hơn 15 năm nay, mỗi khi nhìn các con lúc khóc, lúc cười ngây dại, vợ chồng ông Phan Đức Hạnh (71 tuổi) và bà Nguyễn Thị Lan (68 tuổi), thôn Trung Hiệp, xã Cam Hiệp Bắc, huyện Cam Lâm lại thấy lòng nghẹn đắng. Gia đình thuộc hộ nghèo, ông Hạnh lại tàn tật, cuộc sống của gia đình ngày càng khó khăn, túng quẫn khi phải chăm sóc, thuốc thang cho 2 người con gái mắc bệnh tâm thần và đứa cháu ngoại đang tuổi ăn học.
Chúng tôi được cán bộ xã Cam Hiệp Bắc dẫn đến thăm gia đình ông Phan Đức Hạnh lúc gần xế trưa. Ngôi nhà nhỏ của vợ chồng ông Hạnh khá đơn sơ, tuềnh toàng, thi thoảng có tiếng cười nói ngây ngô như xua đi không gian vắng lạnh. Chứng kiến cảnh 2 ông bà còm cõi, tiều tụy loay hoay lo từng miếng ăn, miếng uống cho 2 đứa con bị tâm thần và đứa cháu ngoại, chúng tôi không khỏi chạnh lòng.
Kể về các con, ông Hạnh nghẹn ngào: “Vợ chồng tôi có 6 người con, 3 trai, 3 gái, khi sinh ra đứa nào cũng khỏe mạnh, nhanh nhẹn, học giỏi. Đến khoảng năm 1995, con gái lớn là Phan Thị Ánh Nguyệt (sinh năm 1981), học lớp 8 không hiểu sao đòi bỏ học, sau đó có những biểu hiện ngớ ngẩn, cười nói một mình. Vợ chồng tôi đưa cháu đi khám ở Khoa Tâm thần - Bệnh viện Đa khoa tỉnh thời đó, các bác sĩ chẩn đoán Nguyệt bị bệnh tâm thần phân liệt (bệnh loạn thần nặng), đến nay vẫn đang điều trị tại Bệnh viện Chuyên khoa tâm thần tỉnh (xã Diên Phước, huyện Diên Khánh)”.
Theo ông Hạnh, thời điểm đó gia đình ông không đến nỗi khó khăn, họ dốc sức điều trị cho con sớm được như người bình thường. Thế nhưng, trong thời gian lo chạy chữa cho Ánh Nguyệt, đến năm 2004, em gái kế là Phan Thị Kiều Dương (sinh năm 1983), đang học năm thứ 3 một trường đại học ở Đà Nẵng, được bạn bè phát hiện Kiều Dương hay khóc, cười, thích đứng trong bóng tối. Khi gia đình đưa Dương đi khám, bác sĩ kết luận Dương bị bệnh trầm cảm. Gia đình xin nhà trường bảo lưu điểm, chờ sức khỏe của Dương ổn định sẽ tiếp tục đến trường, nhưng không ngờ bệnh tình của Dương không thuyên giảm mà ngày càng nặng hơn...
Hiện nay, gia đình ông Phan Đức Hạnh thuộc hộ nghèo của xã, bản thân ông Hạnh bị cụt chân trong chiến tranh, phải mang chân giả nên đi đứng khó khăn. Công việc chính trước đây của ông Hạnh làm nông nghiệp, nuôi heo, bò, còn bà Lan hay đau yếu chỉ quanh quẩn trong nhà nội trợ. Từ lúc 2 người con gái bị bệnh tâm thần, cộng với tuổi già sức yếu, ông bà đành phải bán hết tài sản để lo chạy chữa cho con cái được ngày nào hay ngày nấy. Vất vả nhất là mỗi lần cho Kiều Dương uống thuốc, ông bà phải bỏ thuốc vào trong thức ăn lỏng như: cháo, bánh canh, bún dỗ dành nhẹ nhàng để Dương chịu ăn. Còn gặp lúc Dương lên cơn, ông bà phải chịu cảnh bị Dương đánh đập. “Ở trong nhà, nhưng nhiều hôm tôi phải đội mũ bảo hiểm, bởi thi thoảng Dương lên cơn cứ nắm đầu tóc tôi vừa kéo vừa đánh. Năm 2016, trong lúc tôi đang dọn dẹp vệ sinh, bị Dương đánh gãy xương vai. Tôi đau lắm…”, bà Lan nghẹn ngào.
Theo bước chân khập khiễng của ông Hạnh ra phía sau nhà, ông chỉ vào căn phòng nhỏ ẩm thấp chưa tới 5m2, bên ngoài ngăn hàng rào thép B40 có cửa khóa làm chỗ ở cho Kiều Dương (chủ yếu để cách ly). Thấy có người đến thăm, Kiều Dương khép nép ở trong phòng nhìn ra với ánh mắt vô hồn, rồi đứng lên đi qua đi lại nói cười một mình, trên người không một mảnh vải che thân. Ông Hạnh mở khóa, vào bên trong dọn dẹp vệ sinh rồi than thở: “Vợ chồng tôi có thay quần áo cho con, nhưng rồi nó cũng xé hết, không kể bất cứ thứ gì…”.
Khi chúng tôi nhắc đến cháu Phan Nữ Anh Thư (sinh năm 2008) thì được biết, cháu Thư là con gái của chị Ánh Nguyệt. Ông Hạnh cho biết: Trong thời gian điều trị bệnh tâm thần, Ánh Nguyệt có phần thuyên giảm do uống thuốc đều đặn theo hướng dẫn của bác sĩ. Năm 2007, Ánh Nguyệt lấy chồng nhưng không có hôn thú. Năm 2008, Nguyệt sinh cháu Thư trong sự vui mừng của gia đình. Nhưng khi cháu Thư được 2 tuổi thì bệnh của Nguyệt tái phát nặng thêm, một thời gian sau đó người chồng bỏ mẹ con chị Nguyệt ra đi, đến nay không một lần về thăm.
Mọi sự giúp đỡ xin liên hệ: ông Phan Đức Hạnh, điện thoại 0120.2348222; hoặc Tòa soạn Báo Khánh Hòa, 77 Yersin, TP. Nha Trang, điện thoại 02583.822019, tài khoản: 0581000765262 Vietcombank Nha Trang. |
Tuy 4 người con còn lại đều khỏe mạnh, có công ăn việc làm ổn định và đã lập gia đình riêng, nhưng do ở xa nên ít có điều kiện về thăm và hỗ trợ ông bà. Hiện tại, ông Hạnh - bà Lan ngày đêm lo lắng từng giấc ngủ, miếng ăn, thuốc thang cho Nguyệt, Dương và cả đứa cháu ngoại. Đôi vợ chồng già, tàn tật vẫn đau đáu trong cảnh, ngày này sang tháng khác không biết tương lai rồi sẽ ra sao. Giờ đây, hoàn cảnh của gia đình ông Hạnh rất cần những đôi bàn tay có thể tiếp thêm niềm tin cho vợ chồng già, để họ tiếp tục sống và nuôi dưỡng 2 đứa con bệnh tật...
Bà Nguyễn Thị Thãi - Chủ tịch UBND xã Cam Hiệp Bắc chia sẻ: “Địa phương cũng quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ gia đình ông Hạnh được hưởng các chính sách hỗ trợ người nghèo, người khuyết tật nặng…; kêu gọi Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam Chi nhánh Nha Trang (Vietcombank Nha Trang) hỗ trợ học bổng cho cháu Anh Thư mỗi tháng 500.000 đồng. Tuy nhiên, vợ chồng ông Hạnh tuổi cao, sức yếu, tàn tật, còn phải nuôi 2 người con bị tâm thần nặng nên cuộc sống rất vất vả và khó khăn”.
B.K.H