Vừa qua, Báo Khánh Hòa có đăng lời kêu cứu của ông Hồ Ngọc Thiên Sơn - giáo viên Trường THCS Mê Linh, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa về những rắc rối đối với Giấy khai sinh của ông từ năm 1977.
Vừa qua, Báo Khánh Hòa có đăng lời kêu cứu của ông Hồ Ngọc Thiên Sơn - giáo viên Trường THCS Mê Linh, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa về những rắc rối đối với Giấy khai sinh của ông từ năm 1977.
Theo đó, Giấy khai sinh gốc của ông ghi ngày sinh là ngày 29-2-1977. Tất cả các văn bằng của ông như: Học bạ, bằng tốt nghiệp PTTH, bằng tốt nghiệp cao đẳng… đều ghi ngày sinh 29-2-1977 theo Giấy khai sinh gốc từ thời đó. Sau này, do thiên tai ở quê nhà, ông bị mất Giấy khai sinh gốc và có xin địa phương trích lục lại. Ngày 2-6-2017, UBND xã Vạn Thắng trích lục khai sinh cho ông nhưng ghi ngày sinh 28-2-1977. Lý do là năm 1977 không có ngày 29-2. (Tra lại lịch thì đúng là năm 1977 chỉ có ngày 28-2, không phải năm có tháng 2 nhuận).
Vừa qua, ông đã hơn 2 lần nộp hồ sơ cho Phòng Bồi dưỡng thường xuyên của Trường Đại học Khánh Hòa để học liên thông, đáp ứng đủ chuẩn giảng dạy. Nhưng hồ sơ của ông không được chấp nhận vì các loại bằng cấp và giấy khai sinh không trùng ngày sinh. Ông đã mất một thời gian dài liên hệ khắp nơi để chỉnh sửa các văn bằng trên theo yêu cầu nhưng vẫn không được. Địa phương thì không cấp lại Giấy khai sinh theo ngày sinh như cũ, còn các cơ quan cấp bằng thì yêu cầu phải có Giấy khai sinh gốc mới có cơ sở giải quyết.
Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Hồng Hà - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh nhận xét: Về nguyên tắc giấy tờ nào sai thì phải “cải chính” cho đúng. Ví dụ: Bằng ghi sai ngày tháng năm sinh so với bản chính thì sửa lại nội dung bằng. Còn giấy khai sinh ghi sai thì cần cải chính hộ tịch theo thủ tục đã được quy định về cải chính hộ tịch. Trong trường hợp nếu ông Sơn không có giấy khai sinh bản chính gốc, mà sổ bộ lưu ghi ngày 28-2 thì giấy khai sinh ngày 28-2 là đúng; văn bằng ghi ngày không đúng với ngày sinh trên thì ông Sơn cần liên hệ nơi cấp bằng để chỉnh sửa lại ngày cho đúng giấy khai sinh.
Chúng tôi đã liên hệ với ông Sơn và được ông cho biết: Sau khi ông liên hệ với UBND xã để xin cấp lại giấy khai sinh thì được biết, tại UBND xã cũng không còn lưu hồ sơ gốc về giấy khai sinh của ông nên cũng không có căn cứ cấp lại giấy khai sinh gốc cho ông. Cán bộ hộ tịch xã chỉ phát hiện sai sót khi nhập ngày vào máy tính thì hệ thống không nhận lệnh vì năm 1977 không có ngày 29-2. Vì thế, xã chỉ cấp trích lục giấy khai sinh cho ông với ngày 28-2-1977 như trên thực tế.
Liên quan vấn đề trên, tòa soạn đã tham khảo ý kiến của một số luật gia và cũng nhận được khá nhiều ý kiến về cách giải quyết. Theo đó, có ba hướng để giải quyết khó khăn tạm thời cho ông Sơn.
Hướng 1: Xin giấy xác nhận của UBND xã Vạn Thắng về việc “thông tin ngày sinh 28-02-1977 của ông Hồ Ngọc Thiên Sơn trên giấy khai sinh mới cấp với thông tin cấp trước đó là của cùng một người”. Theo đó, có thể không cần phải điều chỉnh thông tin về ngày, tháng, năm sinh trên các giấy tờ khác của ông Sơn. Nếu có đơn vị, cơ quan chức năng yêu cầu, thì ông Sơn có thể xuất trình giấy này để chứng minh về tính xác thực của các văn bản.
Hướng 2: Ông Sơn cần xin giấy xác nhận của UBND xã Vạn Thắng về việc “đã cấp lại giấy khai sinh cho ông Hồ Ngọc Thiên Sơn theo ngày, và lý do điều chỉnh”. Sau đó ông Sơn dùng giấy này để yêu cầu các cơ quan chức năng có liên quan điều chỉnh lại các văn bằng, giấy tờ đã cấp trước đó.
Hướng 3: Ông Sơn yêu cầu UBND xã Vạn Thắng cấp lại giấy khai sinh theo đúng hồ sơ gốc ban đầu. Sau đó có văn bản điều chỉnh riêng cho từng loại văn bản.
Đây là vấn đề cũng chưa từng có tiền lệ nên khó có thể khẳng định cách giải quyết nào là có cơ sở pháp lý. Vậy đề nghị ông Sơn liên hệ với Phòng Tư pháp huyện Vạn Ninh để được hướng dẫn cách giải quyết theo quy định pháp luật.
Luật sư Nguyễn Hồng Hà: Cải chính hộ tịch và sửa chữa sai sót trong văn bằng là hai việc khác nhau. Nếu có cải chính hộ tịch thì Phòng Tư pháp huyện là cơ quan có thẩm quyền giải quyết và khi đó người dân phải liên hệ cơ quan này để được giải quyết. Lúc này, người dân phải xuất trình đầy đủ giấy tờ theo quy định mới có căn cứ giải quyết. Nếu quy định pháp luật chưa rõ ràng hoặc có vướng mắc nghiệp vụ thì Phòng Tư pháp huyện sẽ xin ý kiến Sở Tư pháp, thậm chí là Bộ Tư pháp để được hướng dẫn. |
Lê Minh