Trong 1 hội nghị chuyên đề về quản lý dạy thêm - học thêm (DT-HT) do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức, khi có người đặt câu hỏi “liệu có ai quản lý được các lớp DT-HT ngoài nhà trường?” thì các trưởng phòng GD-ĐT, hiệu trưởng các trường trung học phổ thông và giám đốc các trung tâm giáo dục thường xuyên đều nhất loạt trả lời “không”!
Trong 1 hội nghị chuyên đề về quản lý dạy thêm - học thêm (DT-HT) do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức, khi có người đặt câu hỏi “liệu có ai quản lý được các lớp DT-HT ngoài nhà trường?” thì các trưởng phòng GD-ĐT, hiệu trưởng các trường trung học phổ thông và giám đốc các trung tâm giáo dục thường xuyên đều nhất loạt trả lời “không”! Và thực tế đúng là vậy: tuy Bộ GD-ĐT và UBND tỉnh đã ban hành không ít quyết định về DT-HT với những quy định ngày càng chặt chẽ hơn, nhưng hiện tượng trên vẫn tồn tại và ngày càng phức tạp hơn. Các cấp quản lý GD, trong đó có hiệu trưởng các trường phổ thông - vốn có điều kiện “nắm” giáo viên (GV) chắc nhất cũng phải thừa nhận “bó tay”!
Theo thống kê gần đây nhất của Sở GD-ĐT, toàn tỉnh hiện có 632 GV đã được cấp giấy phép DT ở ngoài nhà trường; nhưng ai cũng biết rằng, con số thực còn cao hơn rất nhiều. Kết quả thanh tra của Phòng GD-ĐT TP. Nha Trang cho thấy, ngay phó hiệu trưởng của 1 trường trung học cơ sở có cỡ của tỉnh cũng DT tại nhà! Hiệu trưởng, dù có tận tình theo dõi, quyết tâm kiểm tra thì cũng không đủ thời gian “tua” khắp địa bàn rất rộng của GV trường mình. Đó là chưa nói tới giờ giấc DT không theo quy luật nào, có đến tận nơi cũng chưa chắc gặp, bởi GV đăng ký địa điểm này nhưng lại dạy ở nơi khác, lịch dạy thay đổi liên tục chỉ có GV và HS mới biết.
Thực tế, cũng không hiệu trưởng nào đủ sức thức khuya dậy sớm (bởi có những lớp HT bắt đầu từ 5 giờ sáng; có lớp kết thúc lúc 22 giờ) để gõ cửa từng nhà GV (nhiều lớp học ở trên lầu, cửa đóng kín mít); không chỉ vì hiệu trưởng bận rộn việc quản lý nhà trường, mà còn vì khó có thể quyết tâm làm công việc đầy khó nhọc và dễ mất lòng này. Trong cơ chế quản lý GD còn hay lấy phiếu thăm dò tín nhiệm như hiện nay thì những hiệu trưởng có đầu óc thực tế luôn chọn cách tốt nhất là tránh xa các nguy cơ mất phiếu! Rõ ràng, về mặt tư tưởng, ý chí của các vị hiệu trưởng không thể sánh được với GV, vì DT là “thu nhập chính” của họ (có người thu nhập thêm từ 10 - 20 triệu đồng/tháng từ nguồn này) để nâng cao mức sống; nên cũng dễ hiểu vì sao họ quyết tâm đối phó bằng mọi cách.
Trông cậy của ngành GD về vai trò giám sát, kiểm tra của các cấp chính quyền, đoàn thể ở địa phương cũng không mấy hy vọng vì những nơi này còn phải quan tâm đến nhiều thứ cấp thiết hơn như xóa đói giảm nghèo, phòng, chống tệ nạn xã hội, lấn chiếm lòng lề đường… Đó là chưa nói nhiều vị ở địa phương cũng đang gửi gắm con cái cho các thầy cô DT. Những đoàn kiểm tra của Sở, của Phòng GD-ĐT thì “xuân thu nhị kỳ” mới đi kiểm tra nhưng dường như vừa xuất quân thì cả “làng DT” đã được báo động trước!
Xin “bật mí” là người viết bài này cũng có DT tí đỉnh theo kiểu “cò con”, đúng khuôn phép của Sở với vài chục học sinh tại nhà, nhưng đã mấy năm nay chưa được đón thầy hiệu trưởng đến kiểm tra! Đem chuyện này thắc mắc với các đồng nghiệp DT “có cỡ” (dạy dăm, bảy “cua”, số lượng học sinh và học phí đều thu gấp đôi, gấp ba quy định) thì đều được lời khuyên chân tình: “tập trung mà DT, không ai “kiểm” nổi đâu!”. Có lẽ đúng vậy, e là chỉ có lương tâm nhà giáo mới quản lý được việc DT!
ĐỖ QUYÊN