Năm ngoái, trong một đợt công tác ngắn ngày tại Singapore, chúng tôi có dịp đến thăm Trường Dự bị Đại học (Junior College) NanYang và gặp một lưu học sinh Việt Nam đang học tại đây.
Năm ngoái, trong một đợt công tác ngắn ngày tại Singapore, chúng tôi có dịp đến thăm Trường Dự bị Đại học (Junior College) NanYang và gặp một lưu học sinh (HS) Việt Nam đang học tại đây. Em vốn là một HS giỏi ở TP. Hồ Chí Minh, giành được suất học bổng của Bộ Giáo dục Singapore qua quá trình tuyển lựa khá nghiêm ngặt hàng năm để chọn ra 2 HS lớp 9 cho mỗi tỉnh, thành trên phạm vi cả nước. Cô hiệu trưởng khen em học rất giỏi, nhưng như em kể, khi mới sang đây phải học lùi 1 năm vì “đuối” ngoại ngữ dù với các môn học khác em học “nhẹ nhàng như chơi”. Theo em biết, ở Singapore có rất nhiều HS, sinh viên Việt Nam. Nhiều người trong số đó rất xuất sắc, là đối tượng “săn đầu người” của các công ty, tập đoàn kinh tế lớn ngay từ khi đang ngồi trên ghế nhà trường, nhưng cũng không ít trường hợp sang đây du học mà thực chất là du lịch dài ngày, vui chơi là chính! Tuy là một nước có nền giáo dục chất lượng hàng đầu châu Á và cả thế giới nhưng trường học ở Singapore vẫn còn tình trạng “vàng thau lẫn lộn”. Ngay trong thời gian chúng tôi ở đó cũng có 3 - 4 trường bị đóng cửa và nhiều HS Việt Nam trở thành nạn nhân. Vậy mà vẫn có một Việt kiều tìm đến tận khách sạn mời đoàn chúng tôi đi ăn tối và tham quan một trường cao đẳng để “tiếp thị”. Chỉ cần nhìn cơ ngơi cũng biết là “hàng dỏm”, ai “lỡ dại” giới thiệu bạn bè, người thân gửi con em vào học chỉ có nước “tiền mất, tật mang”, tương tự như vụ lừa đảo của Trung tâm Ngoại ngữ SITC ở TP. Hồ Chí Minh, Nha Trang mấy năm trước vốn cũng có gốc từ Singapore.
Khi đời sống của một bộ phận xã hội thuộc “lớp trên” đang giàu lên nhanh chóng thì du học nước ngoài được coi là con đường đầu tư tương lai cho con cái. Có điều, không phải cứ nhiều tiền là học được, nhất là học ở nước ngoài, cho nên nhiều em ra nước ngoài học, hao tốn của bố mẹ đến… vài chiếc ô tô đời mới mà ngày về chẳng hề có tấm giấy “lận lưng”. Tôi có người em mấy năm trước trúng đậm trong “cơn sốt” nhà đất, giờ lại có mấy cơ ngơi buôn bán vật liệu xây dựng, rất thiết tha với việc học hành của con cái, song chỉ tiếc các cháu tuy ngoan nhưng lại học yếu quá. Năm kia, cháu tôi thi tốt nghiệp vừa đủ điểm đỗ, thi đại học tổng cộng 3 môn chỉ có 6 điểm. Nghe lời tư vấn của các công ty du học, em tôi phấn khởi cho con sang Singapore nhưng học chưa hết 1 năm, cháu phải về nước vì tiếng Anh kém quá, không chỉ gặp khó khăn trong học tập mà cả sinh hoạt. Cháu xin bố cho học cao đẳng, trung cấp gì ở Việt Nam cũng được rồi tính chuyện học liên thông dần nhưng em tôi không chịu, đang thuê gia sư dạy Anh văn cấp tốc cho cháu và “dọa” cho sang Úc học! Còn chị hàng xóm nhà tôi có nhiều người thân ở nước ngoài, cũng tốn bộn tiền lo cho con gái đầu bỏ dở năm cuối trường sư phạm sang Mỹ học nghề y, nhưng hóa ra chỉ là học nghề hộ lý chuyên chăm sóc người già. Với công việc này, có lẽ không cần phải cất công đi xa và tốn kém nhiều như vậy dù được tiếng là có con du học nước ngoài. Nhiều cán bộ Nhà nước và các vị trí thức hẳn hoi cũng lâm vào cảnh “dở khóc, dở cười” như vậy nhưng cũng đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” trước một số công ty tư vấn du học chuyên hứa hẹn hão huyền!
Nhiều HS Việt Nam ra nước ngoài học cực giỏi, giành nhiều giải thưởng, học bổng danh giá, lấy bằng tiến sĩ “thứ thiệt” và được phong giáo sư ở tuổi rất trẻ vì chế độ học tập ở nhiều nước rất linh hoạt, luôn dành cơ hội cho người có tài năng thăng tiến rất nhanh trên con đường học vấn, khoa học. Nhà nước ta có nhiều chương trình cử người đi đào tạo ở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước cũng chính là muốn mở mang hiểu biết cho thế hệ trẻ để bắt kịp nhịp thay đổi của thế giới. Không nên “dị ứng” với du học và ngày nay, các gia đình có năng lực tài chính cho con em ra nước ngoài học hành đúng là việc tốt, nhưng cẩn trọng tìm hiểu thì không bao giờ thừa. Có nhiều điều đơn giản buộc chúng ta phải tự hỏi: không lý gì chưa đủ điểm chuẩn vào trường đại học dân lập “tốp cuối” ở Việt Nam mà có thể du học ở những trường đại học danh giá ở xứ người, chắc hẳn có điều lập lờ gì đó. Trở lại câu chuyện đến thăm Trường Dự bị Đại học NanYang, chính nhiều giáo viên ở trường khuyên chúng tôi nếu có ý định cho con sang đây du học thì tốt nhất là bố mẹ nên đi du lịch trước một chuyến để tìm hiểu thực tế, biết rõ nơi ăn, chốn ở, điều kiện học hành…; tuy có tốn kém một tí nhưng lại là “học phí” cần thiết để khỏi lâm vào hoàn cảnh như chú em và chị hàng xóm nhà tôi. Đang vào mùa tuyển sinh đại học, các bậc cha mẹ cứ thử ngẫm nghĩ xem sao!
ĐỖ THỊ HÀ