10:09, 12/09/2022

Quyết liệt phòng, chống dịch sốt xuất huyết

Đứng trước tình hình số ca mắc sốt xuất huyết tăng mạnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa những tháng gần đây, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết ở các địa phương.

Đứng trước tình hình số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) tăng mạnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa những tháng gần đây, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh SXH ở các địa phương. Qua kiểm tra cho thấy, chỉ số côn trùng vượt ngưỡng cho phép gấp 2 đến 3 lần, nhất là chỉ số dụng cụ chứa nước có lăng quăng và chỉ số muỗi có trong nhà dân cao.


Số ca mắc tăng cao


Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, số ca mắc SXH có dấu hiệu gia tăng từ tháng 5. Nếu từ tháng 1 đến tháng 3, số ca mắc ghi nhận dưới 15 ca/tuần thì đến tháng 4 tăng lên từ 15 đến 27 ca/tuần. Đến tháng 5, số ca mắc tăng lên gấp 2 đến 3 lần với 50 đến 90 ca/tuần. Từ tháng 6 đến nay, số ca mắc SXH ghi nhận hàng tuần vượt qua con số 100 ca, có tuần gần 150 ca. Các địa phương có số ca mắc tăng cao là: thị xã Ninh Hòa, TP. Nha Trang, huyện Vạn Ninh và huyện Diên Khánh.

 

Đoàn kiểm tra hướng dẫn người dân nhỏ nước rửa chén vào bình hoa để diệt lăng quăng.

Đoàn kiểm tra hướng dẫn người dân nhỏ nước rửa chén vào bình hoa để diệt lăng quăng.


Ghi nhận số ca mắc SXH có xu hướng tăng cao, trong tháng 8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiếp tục phối hợp với trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh SXH tại các địa phương. Kết quả kiểm tra ngẫu nhiên ở 8 hộ tại xã Vĩnh Thái (Nha Trang) cho thấy, trong 20 dụng cụ chứa nước có 15 dụng cụ có lăng quăng. Các dụng cụ trên chủ yếu là lốp xe, nồi, lu vại vứt ngoài vườn, nhiều nhất vẫn là những bình hoa cắm cây sống đời đặt ở bàn thờ các hộ gia đình. Ngoài ra, kiểm tra công trình xây dựng tại Vĩnh Thái, đoàn cũng phát hiện một số khu vực chứa nước có nhiều lăng quăng.


Sau khi đổ bỏ nước trong bình hoa có chứa lăng quăng, thay nước mới và nhỏ vài giọt nước rửa chén vào bình để làm chết trứng lăng quăng theo hướng dẫn của cán bộ y tế, bà Nguyễn Thị Quẳn (thôn Vĩnh Xuân, Vĩnh Thái) cho biết: “Địa phương thường xuyên tuyên truyền về diệt lăng quăng trên loa đài, có khi đến nhà để nhắc nhở, nhưng do nhiều việc nên tôi hay quên thay nước mới. Tôi cũng không nghĩ mới có 1 tuần không thay nước, trong bình hoa đã có lăng quăng”.


Trong đợt giám sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tại các huyện, thị xã, thành phố còn lại cũng ghi nhận chỉ số côn trùng vượt ngưỡng cho phép gấp 2 đến 3 lần, nhất là chỉ số dụng cụ chứa nước có lăng quăng và chỉ số muỗi có trong nhà dân cao.


Đẩy mạnh phòng dịch

 

Theo lãnh đạo trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố, tuy các địa phương đã triển khai hoạt động xử lý dịch SXH bằng cách phun hóa chất chủ động, ra quân diệt lăng quăng…, nhưng hiện nay, thời tiết nắng nóng, xuất hiện xen kẽ những cơn mưa tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn gây bệnh SXH sinh sản và phát triển. Sau dịch Covid-19, người dân có tâm lý chủ quan, lơ là đối với dịch bệnh SXH, chưa có ý thức trong việc chủ động phòng, chống dịch bệnh bằng cách tự súc rửa dụng cụ chứa nước trong nhà và dọn dẹp các vật dụng chứa nước vứt ở ngoài sân để diệt lăng quăng, mà cứ nghĩ phun thuốc là phòng bệnh. Đội ngũ diệt lăng quăng tại địa phương (thôn, tổ, ban, ngành, đoàn thể) còn mỏng, chủ yếu đi tuyên truyền là chính, chưa thật sự bắt tay diệt lăng quăng cùng người dân…


Nhằm khống chế, không để dịch bệnh SXH bùng phát, mới đây, UBND tỉnh có công văn gửi các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố về triển khai Công điện số 665 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh SXH và các bệnh truyền nhiễm khác. Theo bác sĩ Nguyễn Đức Tình - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, song song với văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã có văn bản đề nghị trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố nhanh chóng huy động cán bộ, viên chức phối hợp với UBND các xã, phường nơi có ổ dịch để triển khai ngay các hoạt động xử lý dịch; tham mưu cho ban chỉ đạo phòng, chống dịch cấp huyện xây dựng kế hoạch diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường trên phạm vi toàn huyện theo tuần, tháng. Đồng thời, sớm triển khai chiến dịch phun hóa chất chủ động tại các ổ dịch cũ kéo dài và điểm có nguy cơ cao; huy động lực lượng các ban, ngành, đoàn thể, thành lập các tổ, nhóm phối hợp với trạm y tế tham gia diệt lăng quăng tại các hộ gia đình… Để tránh dịch chồng dịch, người dân nên nâng cao ý thức phòng bệnh SXH, đặc biệt là cần chủ động diệt lăng quăng tại nơi ở.

 

UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động người dân triển khai quyết liệt các chiến dịch diệt muỗi, lăng quăng trên địa bàn; thành lập các tổ phòng, chống dịch cộng đồng để tuyên truyền, giám sát, hướng dẫn việc thực hiện phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế; chủ động dự phòng, bố trí đủ phương tiện, vật tư, kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là bệnh SXH; xử phạt các tổ chức, cá nhân không thực hiện các biện pháp chống dịch theo quy định. Đồng thời, giám sát chặt chẽ tình hình, phát hiện sớm, cấp cứu điều trị kịp thời cho người bệnh, hạn chế thấp nhất tình trạng tử vong, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện…

 


C.Đan