09:08, 01/08/2022

Nhiễm GBS ở phụ nữ mang thai: Nguy hiểm cho trẻ sơ sinh

Nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B (GBS) là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng ở trẻ sơ sinh: Viêm màng não, viêm phổi hoặc nhiễm trùng huyết...

Nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B (GBS) là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng ở trẻ sơ sinh: Viêm màng não, viêm phổi hoặc nhiễm trùng huyết. Trong số trẻ nhiễm GBS khởi phát sớm, khoảng 10% sẽ tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề dù được chăm sóc y tế tốt nhất.
 
Nguy cơ nhiễm cao
 
Giữa tháng 4, thai phụ N.T.T.H (xã Phước Đồng, TP. Nha Trang) nhập Khoa Phụ sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong tình trạng bị vỡ ối trước 37 tuần mà chưa có dấu hiệu chuyển dạ. Sau khi sinh, trẻ thở rên, nhịp thở và thân nhiệt bất thường, nhịp tim rất chậm, da xanh tái… Nhận thấy sự bất thường ở trẻ, ê-kíp bác sĩ chuyển lên Khoa Nhi để theo dõi, kết quả xét nghiệm xác định trẻ bị nhiễm trùng do vi khuẩn GBS từ mẹ trong quá trình sinh. Sau khi được điều trị tích cực, mẹ và bé được xuất viện. Tuy nhiên, trẻ vẫn phải thường xuyên theo dõi di chứng viêm màng não do nhiễm GBS.
 
Do thường xuyên thăm khám trong quá trình mang thai tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, ở giai đoạn gần sinh, thai phụ T.B.S (phường Phước Hòa, Nha Trang) được tư vấn thực hiện xét nghiệm GBS. Kết quả xét nghiệm xác định, trong âm đạo thai phụ S. có vi khuẩn GBS. Vì thế, để tránh cho trẻ bị nhiễm trùng GBS, trong quá trình sinh, ê-kíp bác sĩ đã sử dụng kháng sinh cho thai phụ. Nhờ đó, con của sản phụ S. sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh. 
 
 
Ê-kíp bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện ca mổ đẻ.
Ê-kíp bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện ca mổ đẻ.
 
Mới đây, tại buổi giao ban nghiệp vụ về chăm sóc sức khoẻ sinh sản ở tỉnh, bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Hoàng Phong - Trưởng khoa Sản phụ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, GBS là một loại vi khuẩn có thể tìm thấy trong âm đạo và trực tràng của thai phụ và thường là vô hại. Vi khuẩn GBS có thể tái nhiễm và tự khỏi mà không cần điều trị. Đây không phải là bệnh nhiễm trùng qua đường tình dục. Ước tính có 2-4 trong số 10 phụ nữ mang thai có vi khuẩn GBS trong âm đạo, trực tràng. Phần lớn không có triệu chứng, một số ít có thể bị viêm đường tiết niệu hoặc viêm tử cung. Tuy nhiên, GBS có ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng với phụ nữ mang thai, có thể gây ra một số biến chứng trong thai kỳ (chuyển dạ sinh non; vỡ màng ối non; vỡ màng ối non ở thai non tháng; viêm màng ối) và nhiễm trùng sơ sinh. Trẻ thường nhiễm GBS qua đường âm đạo của mẹ trong chuyển dạ. Trẻ nhiễm GBS có thể tự khỏi mà không cần điều trị, chỉ có 1-2% trẻ nhiễm GBS có thể tiến triển thành bệnh, nhưng lại nghiêm trọng: Viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng máu và gây tử vong. Ngay cả khi được điều trị tích cực thì nguy cơ trẻ tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề cũng rất cao. 
 
Cần tầm soát khi mang thai
 
Theo bác sĩ Phong, có 2 loại nhiễm GBS ở trẻ sơ sinh: Nhiễm GBS khởi phát sớm và nhiễm GBS giai đoạn muộn. Cả hai loại đều gây hậu quả nghiêm trọng. 
 
Nhiễm GBS giai đoạn sớm (chiếm khoảng 70% số trẻ sơ sinh bị nhiễm GBS) xảy ra trong vòng 7 ngày đầu sau sinh, thường trong 24 - 48 giờ sau khi sinh. Nhiễm GBS khởi phát sớm ở trẻ sơ sinh sẽ gây ra một số bệnh: Nhiễm trùng máu, viêm phổi, viêm màng não và viêm da mủ. Trong đó, khoảng 10% trẻ sẽ tử vong (ngay cả khi được điều trị tích cực), một số ít trẻ dù hồi phục sau điều trị viêm màng não do nhiễm GBS cũng để lại di chứng rất nặng nề. 
 
Nhiễm GBS giai đoạn muộn xảy ra ở những trẻ từ 7 đến 90 ngày tuổi (thường gặp trong vòng 1 tháng tuổi, hiếm gặp sau 3 tháng tuổi). Nhiễm GBS giai đoạn muộn chiếm khoảng 30%, thường gây viêm màng não, viêm phổi, viêm xương tủy, viêm khớp và nhiễm trùng máu. So với nhiễm GBS giai đoạn sớm, tỷ lệ tử vong ở trẻ nhiễm GBS giai đoạn muộn thấp hơn, khoảng 1/20 trẻ (chiếm 5%). Tuy nhiên, một nửa số trẻ sống sót sau nhiễm GBS giai đoạn muộn sẽ bị di chứng vĩnh viễn về thể chất cũng như tinh thần và 1/8 trong số đó bị viêm màng não nghiêm trọng. Hiện tại, không có cách nào để ngăn ngừa nhiễm GBS giai đoạn muộn ở trẻ sơ sinh. 
 
Bác sĩ Phong khuyến cáo, GBS có thể gây nên các bệnh nhiễm trùng nguy hiểm ở trẻ sơ sinh. Để phòng tránh hiệu quả, thai phụ cần phải tầm soát GBS khi thai nhi được 35 - 37 tuần tuổi.
 
 
Trẻ sơ sinh nhiễm GBS khởi phát sớm thường có dấu hiệu: Thở rên, nhịp thở bất thường; da xanh tái, thân nhiệt bất thường; ngủ li bì, ăn sữa kém; nhịp tim rất nhanh hoặc chậm; huyết áp giảm; hạ đường huyết. Trẻ sơ sinh nhiễm GBS giai đoạn muộn xuất hiện triệu chứng: Hoạt động chậm hoặc không hoạt động; quấy khóc; bú sữa kém, bị nôn; dễ bị kích thích, bị sốt cao. Nếu thấy trẻ bị một trong những triệu chứng trên thì các bậc phụ huynh cần đưa trẻ tới bác sĩ ngay.
 
Cát Đan