Hiện nay, tình trạng các loại vi khuẩn gây bệnh kháng thuốc là vấn đề của toàn cầu, đặc biệt ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Tổ chức Y tế thế giới ghi nhận có hàng trăm nghìn người tử vong do vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh. Đây là mối đe dọa nghiêm trọng, thách thức đối với công tác điều trị bệnh.
Hiện nay, tình trạng các loại vi khuẩn gây bệnh kháng thuốc là vấn đề của toàn cầu, đặc biệt ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Tổ chức Y tế thế giới ghi nhận có hàng trăm nghìn người tử vong do vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh. Đây là mối đe dọa nghiêm trọng, thách thức đối với công tác điều trị bệnh.
Một thực trạng hiện nay là nhiều người khi bị bệnh không đi khám tại cơ sở y tế mà tự mua kháng sinh để uống. Việc sử dụng thuốc kháng sinh không hợp lý, lạm dụng thuốc tạo điều kiện các vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh phát triển, dẫn đến thuốc trở nên kém hiệu quả và mất dần tác dụng. Hay gặp là trường hợp ho, sốt, chảy nước mũi do cảm cúm, cảm lạnh, viêm họng do vi rút, do thời tiết, khói bụi… người bệnh tự mua kháng sinh về dùng, sau 2-3 ngày thấy bệnh thuyên giảm như hết sốt, hết triệu chứng thì ngừng thuốc, không uống tiếp kháng sinh vì cho rằng sẽ bị tác dụng phụ. Hoặc trường hợp dùng kháng sinh vài ngày thấy triệu chứng bệnh không giảm thì tự ý đổi sang dùng loại kháng sinh khác…
Bác sĩ Tôn Thất Toàn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, thuốc kháng sinh là nhóm thuốc đặc biệt quan trọng trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn do vi khuẩn gây ra như: viêm phổi, nhiễm trùng tai, nhiễm trùng đường tiết niệu và ngộ độc thực phẩm. Vi rút khác với vi khuẩn, cơ chế gây bệnh không giống với vi khuẩn. Vì vậy, thuốc kháng sinh không có hiệu quả đối với việc tiêu diệt vi rút. Ngoài ra, kháng sinh mạnh thường là những loại kháng sinh thế hệ mới, đắt tiền được chỉ định trong các trường hợp bệnh nhiễm trùng nặng, nguy hiểm. Do vậy, những trường hợp nhẹ mà dùng đến những kháng sinh mạnh sẽ gây lãng phí và góp phần làm tăng khả năng vi khuẩn kháng thuốc.
Việc quản lý sử dụng kháng sinh là việc hết sức quan trọng. Khi một người mắc bệnh, qua xét nghiệm, bác sĩ sẽ xác định được loại bệnh nhiễm khuẩn và vi khuẩn gây bệnh. Người bệnh sẽ được làm kháng sinh đồ hoặc qua thăm khám bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân sử dụng loại kháng sinh nào cho phù hợp.
Bác sĩ Toàn cho biết, nhân viên y tế sẽ xem xét kỹ người bệnh, giới tính, tuổi, tiền sử bệnh, vấn đề dị ứng, tình trạng chức năng gan, thận, thần kinh, các bệnh kèm nếu có, tình trạng có thai, đang cho con bú để có chỉ định liều lượng sử dụng thuốc kháng sinh hợp lý. Các bác sĩ sẽ theo dõi bệnh nhân sau khi kê đơn sử dụng thuốc kháng sinh, nếu bệnh không có kết quả phải xem lại chẩn đoán, chọn lựa thuốc kháng sinh, liều lượng dùng, phối hợp với thuốc kháng sinh nào, đánh giá sự khuếch tán thuốc kháng sinh đến ổ nhiễm khuẩn, xem xét cơ địa bệnh nhân.
Thông thường bác sĩ sẽ không phối hợp nhiều thuốc kháng sinh để tránh tạo ra nhiều vi khuẩn kháng thuốc làm tăng độc tính. Bác sĩ cũng không chỉ định sử dụng kháng sinh dự phòng, trừ một số trường hợp bệnh nhân phải phẫu thuật có nguy cơ nhiễm khuẩn cao. Sử dụng thuốc kháng sinh luôn phải chú ý đến các tác dụng phụ của thuốc như tình trạng nhiễm độc, suy gan, suy thận, ảnh hưởng đến chức năng của thần kinh, tủy, răng, tai… “Kháng sinh là do vi khuẩn tiết ra, con người chiết xuất, bào chế thành thuốc kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn. Do vậy, khi vi khuẩn nhận biết, chúng làm thay đổi tính thẩm thấu của kháng sinh, thay đổi tác dụng tạo ra những chuyển hóa mới, hiệu lực của kháng sinh sẽ bị giảm đi đáng kể” - bác sĩ Toàn thông tin.
Khi sử dụng thuốc kháng sinh, chúng ta hãy nhớ uống đúng liều bác sĩ đã kê đơn ngay cả khi cảm thấy bệnh đã tốt hơn. Cần uống thuốc đúng giờ, đúng theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Bảo quản thuốc ở nơi khô ráo, không tự ý mua và dùng kháng sinh khi chưa có ý kiến của bác sĩ điều trị. Không nên chia sẻ thuốc kháng sinh trong toa thuốc đang dùng cho người khác uống, vì có khi vô tình tạo cơ hội cho vi khuẩn kháng lại thuốc. Khi sử dụng kháng sinh phải nhớ sử dụng đúng bệnh, đúng liều và đúng chỉ dẫn, luôn có thói quen tuân thủ đơn thuốc của bác sĩ, không tự ý mua kháng sinh về sử dụng.
Hàng năm, vào tháng 11, Bộ Y tế phát động cả nước hưởng ứng tuần lễ phòng, chống kháng thuốc. Thực hiện tốt lời kêu gọi sẽ góp phần bảo vệ, nâng cao sức khỏe cho bản thân, gia đình và cả cộng đồng.
Nguyễn Thị Quế Lâm