Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa đã và đang triển khai giai đoạn 3 kế hoạch thích ứng an toàn phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, có khuyến khích cách ly, điều trị F0 tại nhà. Mới đây, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh ban hành hướng dẫn điều trị F0 tại nhà. Bác sĩ Lê Văn Khoa - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết:
Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa đã và đang triển khai giai đoạn 3 kế hoạch thích ứng an toàn phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, có khuyến khích cách ly, điều trị F0 tại nhà. Mới đây, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh ban hành hướng dẫn điều trị F0 tại nhà. Bác sĩ Lê Văn Khoa - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết:
- Việc cách ly điều trị F0 tại nhà không phải là vấn đề mới. Tại Việt Nam, phương án này đã được triển khai ở TP. Hồ Chí Minh và một số địa phương khác. Việc cách ly, điều trị F0 tại nhà mang nhiều lợi ích cho gia đình và xã hội.
Theo thống kê, toàn quốc có đến 80% F0 không có triệu chứng, 20% còn lại là triệu chứng nhẹ, vừa, nặng và rất nặng. Tại tỉnh, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng Covid-19 hiện nay đạt rất cao, trong đó người trên 18 tuổi được tiêm mũi 1 đạt hơn 98,4%, mũi 2 đạt gần 91%; tỉnh đang phủ vắc xin phòng Covid-19 cho học sinh khối THPT. Nhờ đó, số ca không triệu chứng và triệu chứng nhẹ ở tỉnh chiếm tới 98%. Dựa trên yếu tố này, tỉnh đã xây dựng hướng dẫn điều trị F0 tại nhà.
Từ đầu tháng 11 đến nay, bình quân mỗi ngày, toàn tỉnh ghi nhận khoảng 100 ca F0, trong đó 98 ca không có triệu chứng và triệu chứng nhẹ. Nếu con số này nhân lên cho 1 tháng (30 ngày) thì số lượng F0 nếu điều trị tại nhà, không phải đến bệnh viện điều trị rất lớn, khoảng 2.940 người/tháng. Điều này sẽ giúp giảm tải cho ngành Y tế tỉnh, thay vì điều trị cho khoảng 3.000 F0/tháng thì đội ngũ y, bác sĩ chỉ điều trị cho khoảng 60 người. Qua đó, giúp họ giảm tải được công việc, có thời gian tập trung điều trị cho những bệnh nhân có triệu chứng vừa, nặng và nguy kịch.
Khi được ở nhà điều trị, bệnh nhân có điều kiện ăn, ở, ngủ, tập thể dục nên môi trường sống sẽ tốt hơn điều trị ở khu tập trung hoặc tại các bệnh viện. Từ đó, giúp họ tăng cường sức đề kháng và nâng cao thể lực, qua đó mau phục hồi hơn. Cùng với đó, khi điều trị tại nhà, F0 sẽ được giải trí bằng các phương tiện nghe nhìn, vẫn có thể làm việc trực tuyến tại nhà; được gần gũi với các thành viên trong gia đình, không bị cảm giác cô đơn nên tinh thần sẽ thoải mái, giảm stress. Người bệnh sẽ không bị ám ảnh, căng thẳng khi không phải tiếp xúc, chứng kiến các trường hợp F0 có diễn biến nặng khi điều trị tại bệnh viện, cơ sở điều trị tập trung.
Ngoài ra, khi lượng F0 điều trị tại bệnh viện giảm, kéo theo giảm nguồn nhân lực điều trị và phục vụ, qua đó giảm một nguồn lực kinh tế rất lớn cho xã hội. Việc F0 điều trị tại nhà còn làm giảm nguy cơ lây nhiễm chéo so với điều trị tập trung.
- Theo hướng dẫn, những đối tượng F0 nào được khuyến khích áp dụng điều trị tại nhà, thưa ông?
- Để được điều trị tại nhà, người F0 đáp ứng 2 tiêu chí: Không triệu chứng hoặc triệu chứng mức độ nhẹ (không có suy hô hấp: SpO2 > 96% khi thở khí trời, nhịp thở < 20 lần/phút). F0 đáp ứng thêm tối thiểu 1 trong 2 tiêu chí: đã tiêm đủ 2 mũi hoặc 1 mũi vắc xin phòng Covid-19 sau 14 ngày hoặc có đủ 3 yếu tố gồm: trẻ em trên 1 tuổi, người lớn dưới 60 tuổi; không có bệnh nền; không đang mang thai. Người F0 phải có khả năng tự chăm sóc bản thân; có khả năng liên lạc với nhân viên y tế để được theo dõi, giám sát và khi có tình trạng cấp cứu. Trường hợp F0 là trẻ em hoặc người không tự chăm sóc bản thân được thì phải có người hỗ trợ chăm sóc.
Về cơ sở vật chất, trang thiết bị để được điều trị tại nhà là nhà ở riêng lẻ; căn hộ trong khu tập thể, khu chung cư; dãy phòng trọ riêng biệt; đảm bảo thông thoáng khí, có đủ dụng cụ vệ sinh cá nhân, xà phòng rửa tay, nước sạch, dung dịch sát khuẩn tay chứa ít nhất 60% cồn; có dụng cụ đo thân nhiệt cá nhân trong phòng; có thùng đựng chất thải y tế, sinh hoạt theo quy định; đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân phòng, chống lây nhiễm để người nhà sử dụng khi bắt buộc phải tiếp xúc gần với người F0. Trước nhà có treo bảng thông báo đang thực hiện chăm sóc F0 tại nhà…
- Ngành Y tế đã chuẩn bị những gì để có thể thực hiện tốt việc triển khai điều trị F0 tại nhà trong thời gian tới, thưa ông?
- Ngành Y tế đã xây dựng chi tiết hướng dẫn điều trị F0 tại nhà; hướng dẫn thành lập trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng; xây dựng các quy trình tiếp nhận, điều trị F0 tại nhà. Đồng thời, tập huấn, hướng dẫn các địa phương triển khai các nhiệm vụ của trạm y tế lưu động về hoạt động quản lý, theo dõi, chăm sóc F0 tại nhà; hướng dẫn F0 sử dụng các gói thuốc, trang thiết bị y tế (máy đo Spo2, nhiệt kế); cách xử lý cấp cứu và đưa lên điều trị tại cơ sở y tế khi F0 có những triệu chứng chuyển mức độ. Cùng với đó, hướng dẫn sử dụng phần mềm điện tử quản lý F0 tại nhà, cung cấp các số điện thoại để bệnh nhân liên lạc; theo dõi bệnh nhân sau hoàn thành điều trị; thu gom và xử lý rác thải y tế…
Đồng thời, ngành Y tế đã hướng dẫn y tế địa phương chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị y tế cho việc thành lập các trạm y tế lưu động để hỗ trợ, điều trị F0 tại nhà.
- Việc điều trị F0 tại nhà hiện nay mang tính bắt buộc hay tự nguyện?
- Hướng dẫn điều trị F0 tại nhà của tỉnh hiện nay vẫn mang tính tự nguyện. Nhưng chúng tôi cũng khuyến khích những F0 đáp ứng đủ các tiêu chí theo hướng dẫn thực hiện điều trị tại nhà vì những lợi ích nêu trên.
- Xin cảm ơn ông!
Thảo Ly (Thực hiện)