Ung thư phổi là bệnh lý ác tính ở hệ thống phế quản - phổi, là nguyên nhân gây tử vong ung thư cao nhất trên thế giới. Một số người thường gọi ung thư phổi là ung thư phế quản hay cuống phổi vì căn bệnh xuất phát từ mặt trong của cuống phổi nhỏ. Ung thư phổi khi di căn thường tới xương, gan, tuyến thượng thận và não.
Ung thư phổi là bệnh lý ác tính ở hệ thống phế quản - phổi, là nguyên nhân gây tử vong ung thư cao nhất trên thế giới. Một số người thường gọi ung thư phổi là ung thư phế quản hay cuống phổi vì căn bệnh xuất phát từ mặt trong của cuống phổi nhỏ. Ung thư phổi khi di căn thường tới xương, gan, tuyến thượng thận và não.
Theo thống kê, mỗi năm, trên thế giới có khoảng 2,09 triệu người mắc mới và 1,76 triệu người tử vong do ung thư phổi. Năm 2018, Việt Nam có thêm hơn 23.000 người mắc ung thư phổi, con số này có thể sẽ tăng lên vào những năm tiếp theo. Ung thư phổi là một trong những ung thư đứng hàng đầu và là nguyên nhân gây tử vong cao nhất trong các bệnh nhân ung thư ở nam giới. Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 20.000 trường hợp tử vong vì bệnh ung thư phổi, đây thực sự là con số đáng báo động.
Bác sĩ Nguyễn Thế Tài - Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh cho biết, ban đầu, triệu chứng ung thư phổi rất mập mờ, do đó dễ bị bỏ qua hoặc lầm lẫn với bệnh khác. Khi bệnh tiến triển, có thể có các triệu chứng nặng ngực, thở thấy nằng nặng. Người bệnh có những cơn ho húng hắng và dai dẳng, lâu ngày dẫn tới đau vai, đau lưng thường xuyên, hơi thở ngắn đi, khàn tiếng, ho ra máu, phù mặt cổ, khó thở. Người bệnh sụt cân, không có cảm giác thèm ăn, hay mệt mỏi là những triệu chứng báo động. Khi bệnh nhân có hút thuốc tuổi trên 40, có bất kỳ triệu chứng hô hấp nào đều phải nghĩ đến ung thư phổi, đặc biệt khi người bệnh ho ra máu, đau ngực nhưng điều trị giảm đau không khỏi.
Giai đoạn của ung thư được căn cứ dựa trên mức độ lan rộng của bệnh, kích thước khối u. Ở các giai đoạn I, II và III A, bệnh điều trị cho nhiều kết quả khả quan. Giai đoạn III B và IV, ung thư đã có di căn, hiệu quả điều trị bệnh đạt thấp. Phương pháp điều trị phẫu thuật sẽ sử dụng cho những trường hợp ung thư còn nhỏ, ung thư ở một bên lồng ngực. Người bệnh sẽ được cắt thùy phổi, cắt bỏ hoàn toàn khối bướu. Nếu trường hợp bướu lớn, có thể cắt hai thùy hoặc cắt hết một lá phổi. Thực tế hiện nay, do phát hiện ung thư phổi trễ nên tỷ lệ mổ đạt thấp. Khi không còn mổ được, người bệnh sẽ được điều trị xạ trị và hóa trị với mục đích giảm đau, bớt ho. Hóa trị giúp kéo dài thời gian sống. Hóa trị cũng được dùng hỗ trợ cho những bệnh nhân sau mổ, gia tăng tác dụng diệt bướu của điều trị xạ trị. Việc điều trị hóa trị kết hợp xạ trị còn giúp teo bớt khối bướu, bớt chảy máu và làm thông thoáng đường thở.
Cuối năm 2019, tại hội thảo khoa học nhằm cập nhật thông tin và những giải pháp mới hỗ trợ điều trị, phòng ngừa ung thư phổi do Bệnh viện K (Hà Nội) tổ chức, các chuyên gia của Bệnh viện K thông tin, theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam là một trong những nước nằm trong khu vực có tỷ lệ mắc bệnh ung thư phổi cao. Nhiều nghiên cứu cho thấy 80% bệnh ung thư phổi gắn với môi trường, chế độ ăn uống, thói quen hút thuốc lá, điều kiện lao động, nhiễm độc nước, không khí.
Có thể khẳng định, hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây ung thư phổi. 90% bệnh nhân ung thư phổi do hút thuốc lá. Trong khói thuốc lá có khoảng 4.000 hoạt chất gây độc hại cho cơ thể, đặc biệt chất 3 - 4 benzopyzen là chất gây ung thư rất rõ trong thực nghiệm. Vì vậy, có những bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư phổi nhưng họ không hút thuốc, mà có thể họ đã tiếp xúc với một số lượng đáng kể khói thuốc lá (hút thuốc lá thụ động, hít phải khói thuốc lá trong thời gian dài). Tại Bệnh viện K ghi nhận không ít bệnh nhân ung thư phổi đã hút hơn 10 điếu thuốc lá/ngày trong nhiều năm. Việc hút thuốc lào cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ung thư phổi.
Theo các chuyên gia, yếu tố quan trọng nhất trong việc phòng, chống bệnh ung thư phổi là không hút thuốc lá và khám sức khỏe định kỳ, khám tầm soát phát hiện sớm căn bệnh này.
Nguyễn Thị Quế Lâm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)