Đề tài "Đánh giá sự tồn lưu của kháng thể kháng vi rút cúm A/H5N1 ở người đã được tiêm vắc xin IVACFLU - A/H5N1 do Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC) sản xuất" vừa được Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh nghiệm thu và đánh giá xuất sắc. Kết quả đề tài không chỉ đánh giá sự tồn lưu của kháng thể kháng vi rút mà còn xác định được thời gian tiêm nhắc lại vắc xin.
Đề tài “Đánh giá sự tồn lưu của kháng thể kháng vi rút cúm A/H5N1 ở người đã được tiêm vắc xin IVACFLU - A/H5N1 do Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC) sản xuất” vừa được Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh nghiệm thu và đánh giá xuất sắc. Kết quả đề tài không chỉ đánh giá sự tồn lưu của kháng thể kháng vi rút mà còn xác định được thời gian tiêm nhắc lại vắc xin.
Theo báo cáo của đề tài, Việt Nam là một trong những nước ghi nhận các ca nhiễm cúm gia cầm có độc lực cao ở người. Từ năm 2003 đến tháng 9-2019, cả nước ghi nhận 127 trường hợp mắc, trong đó có 64 trường hợp tử vong (chiếm 50,4%). Số ca tử vong đứng thứ 3 thế giới, chỉ sau Ai Cập và Indonesia. Tiêm vắc xin cúm cho những người có nguy cơ cao có thể làm giảm khả năng đồng nhiễm vi rút cúm người và cúm gia cầm, từ đó làm thay đổi và đột biến gen là một trong những biện pháp phòng, chống dịch cúm ở người hiện nay.
Từ năm 2007, được sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế Mỹ, IVAC đã sản xuất thành công vắc xin phòng bệnh cúm A/H5N1. Đến nay, đơn vị đã hoàn thành 3 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng vắc xin cúm IVACFLU - A/H5N1 trên 1.005 đối tượng. Kết quả thử nghiệm cho thấy, vắc xin đạt các yêu cầu về an toàn, đáp ứng miễn dịch theo yêu cầu của Bộ Y tế và đã được xin đăng ký cấp phép.
Theo PGS.TS Lê Văn Bé (chủ nhiệm đề tài), tuy đã sản xuất thành công vắc xin nhưng các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng mới chỉ tập trung đánh giá tính an toàn và khả năng sinh miễn dịch của các đối tượng nghiên cứu. Do đó, các đặc điểm dịch tễ học của các đối tượng nghiên cứu mới chỉ khai thác sơ bộ theo giới tính, dân tộc và độ tuổi. Đặc biệt, kết quả đáp ứng miễn dịch mới chỉ xác định vào ngày thứ 21 sau khi tiêm mũi 2 vắc xin IVACFLU - A/H5N1 nhưng kháng thể đó tồn tại bao lâu, tỷ lệ còn khả năng bảo vệ sau tiêm như thế nào… chưa được xác định. Từ thực tế đó, IVAC đã tiến hành nghiên cứu đề tài “Đánh giá sự tồn lưu của kháng thể kháng vi rút cúm A/H5N1 ở người đã được tiêm vắc xin IVACFLU - A/H5N1 do IVAC sản xuất”.
Thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu chọn 494 đối tượng đã được tiêm vắc xin cúm IVACFLU - A/H5N1 trong thử nghiệm lâm sàng pha 2 và 3 năm 2016 và 2017 tại 2 xã Ninh Bình, Ninh Quang và phường Ninh Đa (thị xã Ninh Hòa). Nhóm đã tiến hành lấy mẫu trên 362 đối tượng đã được tiêm 2 mũi vắc xin liều 15µg cách nhau 21 ngày nhằm xác định tồn lưu của kháng thể kháng vi rút cúm A/H5N1 và một số yếu tố dịch tễ liên quan. Kết quả cho thấy, 18 tháng sau tiêm vắc xin, tỷ lệ có kháng thể bảo vệ tồn lưu đạt 61,6%. Chỉ số này cho thấy, tồn lưu kháng thể kháng vi rút H5N1 sau 18 tháng rất cao, có khả năng bảo vệ cộng đồng trước đại dịch; sau 24, 30, 36 tháng tỷ lệ này giảm tương ứng còn 25,4%, 33,3%, 16,4%. Theo nhóm nghiên cứu, tuy các chỉ số này giảm dần nhưng sau 24, 30 tháng, tồn lưu kháng thể H5N1 vẫn đủ khả năng bảo vệ cộng đồng. Cho đến 36 tháng tồn lưu miễn dịch mới giảm mạnh, chỉ còn một nửa so với thời điểm 30 tháng. Vì vậy, người dân có thể cân nhắc đây là thời điểm thích hợp để sử dụng mũi tiêm nhắc lại.
Theo các thành viên Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh, đề tài không chỉ đánh giá được sự tồn lưu kháng thể kháng vi rút mà còn xác định được thời gian mũi tiêm nhắc lại để làm cơ sở cho sản xuất và sử dụng vắc xin. Ngoài ra, đề tài còn cung cấp dữ liệu khoa học mới về tồn lưu kháng thể 36 tháng sau tiêm vắc xin trong lĩnh vực ứng dụng vắc xin cúm A/H5N1 cho người, phục vụ nhu cầu phòng, chống dịch của quốc gia và quốc tế; tạo cơ sở khoa học góp phần định hướng hoạt động sản xuất và sử dụng vắc xin cúm A/H5N1 cho người…
K.H