10:10, 21/10/2019

Tiến tới loại trừ HIV, viêm gan B và giang mai lây truyền từ mẹ sang con

Năm 2018, Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch hành động quốc gia tiến tới loại trừ HIV, viêm gan B và giang mai lây truyền từ mẹ sang con giai đoạn 2018 - 2030.

Năm 2018, Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch hành động quốc gia tiến tới loại trừ HIV, viêm gan B và giang mai lây truyền từ mẹ sang con giai đoạn 2018 - 2030.

 

Truyền thông phòng, chống HIV cho sinh viên Trường Cao đẳng Y tế.

Truyền thông phòng, chống HIV cho sinh viên Trường Cao đẳng Y tế.


Theo đó, mục tiêu trong thời gian hiện nay là rà soát, bổ sung và xây dựng mới chính sách, các nội dung liên quan tới dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, sửa đổi Luật Phòng, chống HIV/AIDS để đảm bảo tính khả thi trong tiếp cận test sàng lọc, chẩn đoán và thuốc dự phòng, điều trị HIV/AIDS.


Trong giai đoạn 2018 - 2020, các chỉ tiêu cần đạt là hơn 65% phụ nữ đẻ được xét nghiệm sàng lọc HIV trong thời kỳ mang thai; tỷ lệ phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị ARV ≥ 75%; tỷ lệ phụ nữ đẻ được xét nghiệm sàng lọc viêm gan B trong thời kỳ mang thai ≥ 50%; tỷ lệ phụ nữ mang thai mắc viêm gan B được điều trị ≥ 50%; tỷ lệ trẻ sơ sinh được tiêm vắc xin viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu đạt ít nhất 80%; tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi được tiêm đủ 3 mũi vắc xin viêm gan B đạt ít nhất 95%; tỷ lệ phụ nữ đẻ được xét nghiệm sàng lọc giang mai trong thời kỳ mang thai ≥ 50%; tỷ lệ phụ nữ mang thai mắc giang mai được điều trị ≥ 50%.


Để thực hiện đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, Bộ Y tế đề ra các giải pháp như: Cần đẩy mạnh truyền thông vận động cho các lãnh đạo, huy động đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan truyền thông đại chúng tham gia vận động chính sách, tạo nguồn lực cho các hoạt động. Công tác giáo dục truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng và cán bộ y tế về nguy cơ của việc mắc 3 bệnh, các biện pháp dự phòng, lợi ích của việc khám thai sớm để được phát hiện sớm, điều trị kịp thời và tuân thủ điều trị. Công tác chuyên môn cần lồng ghép tuyên truyền, tư vấn dự phòng 3 bệnh cùng với công tác tư vấn, tuyên truyền chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em và tư vấn trước sinh. Cần phối hợp các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, đa dạng hóa các loại hình truyền thông đến các nhóm đối tượng ưu tiên.


Bộ Y tế yêu cầu phải đảm bảo các cơ sở sản khoa, trạm y tế xã có đỡ đẻ có sẵn vắc xin viêm gan B để thực hiện tốt việc tư vấn và tiêm phòng viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ đầu sau sinh, tiến tới thực hiện tiêm viêm gan B trong 24 giờ đầu sau sinh đối với các trường hợp sinh tại nhà; đảm bảo tính sẵn có của ARV điều trị cho bà mẹ, trẻ nhiễm HIV ngay khi sinh. Các cơ sở y tế phải đảm bảo thực hiện đúng quy trình bảo quản vắc xin viêm gan B; mở rộng triển khai dịch vụ tư vấn xét nghiệm sàng lọc 3 bệnh tại trạm y tế xã có cung cấp dịch vụ quản lý thai, thực hiện đúng quy trình khám thai bao gồm tư vấn, xét nghiệm sàng lọc HIV, viêm gan B và giang mai cho phụ nữ mang thai để phát hiện và dự phòng kịp thời. Bên cạnh đó, đẩy mạnh thực hiện liên kết các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, chuyển tuyến đối với HIV/AIDS và các bệnh lây nhiễm từ cha mẹ sang con, các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục; tăng cường năng lực cho mạng lưới chăm sóc sức khỏe sinh sản về lập kế hoạch, triển khai thực hiện, theo dõi, giám sát và đánh giá can thiệp dự phòng 3 bệnh lồng ghép trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ nhỏ tại các tuyến.


Theo báo cáo của Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em - Bộ Y tế, trước đây, nếu chưa thực hiện dự phòng, tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con là 40%; gần đây, khi phụ nữ mang thai được tiếp cận với thuốc dự phòng, tỷ lệ lây nhiễm rất thấp, dưới 2%, thậm chí 0%. Việc giảm và tiến tới loại trừ lây truyền HIV, viêm gan B và giang mai từ mẹ sang con vào năm 2030 là việc làm vô cùng quan trọng và có ý nghĩa nhân văn rất lớn, hướng tới một thế hệ tương lai khỏe mạnh với chi phí kinh tế hiệu quả nhất.


Quế Lâm
(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)