Tật khúc xạ tại Việt Nam, đặc biệt là tật cận thị ở lứa tuổi học sinh phổ thông hiện nay là một vấn đề sức khỏe đáng lo ngại. Suy giảm thị lực, nhất là chưa được chỉnh kính sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ và có thể làm giảm cơ hội được học tập và khả năng đến lớp ở trẻ.
Tật khúc xạ tại Việt Nam, đặc biệt là tật cận thị ở lứa tuổi học sinh (HS) phổ thông hiện nay là một vấn đề sức khỏe đáng lo ngại. Suy giảm thị lực, nhất là chưa được chỉnh kính sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ và có thể làm giảm cơ hội được học tập và khả năng đến lớp ở trẻ.
Hiện nay, tỷ lệ tật khúc xạ chiếm từ 15 đến 40%, tương ứng từ 14 đến 36 triệu người mắc. Trẻ em trong độ tuổi từ 6 đến 15 có tỷ lệ mắc tật khúc xạ từ 20 đến 40% ở khu vực thành thị và từ 10 đến 15% tại khu vực nông thôn. Điều này có nghĩa có khoảng 3 triệu trẻ em đang có tật khúc xạ cần được chỉnh kính và con số này sẽ ngày một tăng cao. Chính vì vậy, để trẻ em ở lứa tuổi học đường có thể có một đôi mắt khỏe mạnh, chúng ta cần chú ý giáo dục trẻ thực hiện các bài tập cho mắt đúng cách.
Nghỉ ngơi thị giác từng lúc, cứ làm việc khoảng 20 phút, trẻ nên để mắt nhìn xa từ 1 đến 2 phút, hoặc nhắm mắt lại 30 giây - 1 phút. Nếu cảm giác bị mờ nhòe đi, cần cho mắt nghỉ lâu hơn. Việc thực hiện hoạt động này sẽ giúp mắt dễ chịu và giảm căng thẳng cho mắt. Không nên làm việc bằng mắt quá 60 phút, nên khuyến khích HS vui chơi ngoài trời và tập thể dục giữa các tiết học, tránh đọc truyện, chơi game trong giờ giải lao. Ánh sáng phòng học nên được chiếu sáng đầy đủ bằng ánh sáng tự nhiên. Nếu không, phụ huynh phải duy trì đủ ánh sáng bằng hệ thống đèn, tránh việc học và đọc bị khuất bóng.
HS phải đọc và viết đúng khoảng cách. Cụ thể, tư thế khi ngồi học phải ngồi thẳng lưng, ngay ngắn, không cúi mặt sát xuống bàn, khoảng cách từ mắt đến vở là 30 - 35cm. Nếu làm việc trên màn hình vi tính, HS nên để khoảng cách 60cm để giảm khả năng mắt phải điều tiết và những ảnh hưởng xấu của ánh sáng màn hình.
Về tư thế ngồi, HS nên ngồi ở tư thế ngay ngắn, lưng và cổ thẳng sẽ giúp phòng tránh mỏi mệt và gù vẹo cột sống. Các em cần tránh nằm khi đọc sách vì điều đó sẽ gây ra hiện tượng mắt khó khăn khi quy tụ, điều tiết, rất dễ mỏi và nhức mắt; tránh đọc sách khi đi tàu xe vì khoảng cách đọc bị thay đổi liên tục do rung lắc rất có hại cho mắt. Phụ huynh cho HS xem truyền hình, điện thoại với thời lượng vừa phải, khoảng một giờ mỗi ngày. Nếu có các tật khúc xạ thì bạn nên đeo kính khi xem. Để chăm sóc mắt tốt, chế độ dinh dưỡng cần bổ sung các vi chất như: vitamin A, E, C, chất khoáng có trong rau củ, trái cây tươi, thịt, cá biển, trứng giúp duy trì các môi trường trong suốt của mắt, giúp mắt tăng khả năng điều tiết, chống thoái hóa võng mạc và hoàng điểm của mắt. Một số trường hợp cận thị tiến triển nhanh có thể bổ sung dưỡng chất bằng các loại thuốc bổ mắt thông dụng.
Ngoài ra, phụ huynh nên hướng dẫn HS thực hiện vệ sinh cá nhân và môi trường sạch sẽ, sử dụng khăn mặt riêng, rửa mắt bằng nước sạch, rửa tay bằng xà phòng, không nên dùng tay bẩn dụi vào mắt, phòng tránh ruồi… để phòng bệnh đau mắt đỏ, mắt hột. Không cho trẻ chơi các trò chơi nguy hiểm như: đánh khăng, đánh nhau, sử dụng các vật sắc nhọn, bắn ná thun, bắn bi… nếu trúng phải dễ làm tổn thương đến mắt. Phụ huynh nên cho trẻ khám bác sĩ chuyên khoa mắt định kỳ để được khám sàng lọc, chỉnh tật khúc xạ và tư vấn cụ thể khi gặp những vấn đề về mắt. Khi có dị vật vào mắt phải đến cơ sở y tế khám ngay. Không nhỏ bất cứ thuốc gì vào mắt khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Bác sĩ Tôn Thất Toàn
(Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe tỉnh)