Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam là một trong những nước có tình trạng kháng thuốc kháng sinh cao nhất thế giới. Tại một số bệnh viện tuyến Trung ương đã phát hiện những siêu vi khuẩn kháng tất cả các loại kháng sinh.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam là một trong những nước có tình trạng kháng thuốc kháng sinh cao nhất thế giới. Tại một số bệnh viện tuyến Trung ương đã phát hiện những siêu vi khuẩn kháng tất cả các loại kháng sinh.
Bác sĩ Lê Hồng Quân - Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế cho biết, từ năm 2011, Tổ chức Y tế thế giới đã đưa ra khẩu hiệu: “Không hành động hôm nay, ngày mai không thuốc chữa” vì vi khuẩn kháng thuốc có thể lây lan rất nhanh, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Vì thế, để phòng, chống tình trạng kháng thuốc kháng sinh cần phải có chiến lược, kế hoạch cụ thể và lâu dài từ đầu tư cơ sở, trang thiết bị đến đào tạo nguồn nhân lực”.
Nguyên nhân tình trạng kháng thuốc là do sử dụng kháng sinh không phù hợp (người bệnh tự mua kháng sinh về điều trị không phù hợp với chủng vi khuẩn, ký sinh trùng gây bệnh), sử dụng dưới liều, quá liều hoặc lạm dụng thuốc. Ngoài ra, công tác phòng và kiểm soát các bệnh truyền nhiễm không hiệu quả làm tăng sự lan truyền của vi khuẩn kháng thuốc; công tác giám sát kháng thuốc tại các bệnh viện thực hiện chưa đầy đủ, chưa thường xuyên; thiếu cơ sở xét nghiệm để xác định chính xác vi sinh vật kháng thuốc.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, hầu hết các cơ sở khám, chữa bệnh trên cả nước đang phải đối mặt với tốc độ lan rộng các vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh với tốc độ ngày càng gia tăng, ở mức báo động. Kháng thuốc làm gia tăng chi phí điều trị, số ngày điều trị kéo dài, ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh, cộng đồng. Trong tương lai, các quốc gia có thể phải đối mặt với khả năng không có thuốc để điều trị hiệu quả các bệnh truyền nhiễm nếu không có các biện pháp can thiệp phù hợp.
Kết quả khảo sát của Bộ Y tế đối với việc bán thuốc kháng sinh ở các hiệu thuốc vùng nông thôn và thành thị các tỉnh phía bắc cho thấy, nhận thức về kháng sinh và kháng kháng sinh của người bán thuốc và người dân còn thấp. Trong tổng số 2.953 nhà thuốc được điều tra, chỉ có 24% nhà thuốc ở thành thị và 29,5% nhà thuốc ở nông thôn có bán đơn thuốc kê kháng sinh. Còn lại, phần lớn kháng sinh được bán không có đơn, ở thành thị là 88%, nông thôn 91%. Người dân có yêu cầu được bán kháng sinh không có đơn tỷ lệ ở thành thị là 49,7%, ở nông thôn 28,2%. Ngoài ra, trong chăn nuôi, để hạn chế nguy cơ bệnh dịch, người chăn nuôi có thói quen dùng nhiều loại kháng sinh, trong đó có cả những loại ngoài danh mục. Nếu tình trạng này không kiểm soát tốt sẽ gây ra những nguy cơ rủi ro cho môi trường và sức khỏe con người như: kháng thuốc, tồn dư kháng sinh từ phân, nước tiểu sang cây trồng, qua nguồn nước, qua con người …
Trước tình trạng trên, tháng 6-2013, Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc. Triển khai kế hoạch hành động trên, các bệnh viện trong tỉnh luôn thực hiện đúng các hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật về kiểm soát bệnh truyền nhiễm, phác đồ điều trị, giám sát kháng thuốc, sử dụng thuốc; xây dựng cơ sở dữ liệu về sử dụng kháng sinh và kháng thuốc, thường xuyên tập huấn chuyên môn kỹ thuật về vi sinh lâm sàng cho cán bộ làm xét nghiệm, củng cố hoàn thiện hội đồng thuốc, giám sát việc tuân thủ điều trị trong bệnh viện.
Vừa qua, Bộ Y tế đã thực hiện việc ứng dụng phần mềm kết nối liên thông việc cung ứng thuốc từ cơ sở bán lẻ thuốc với Sở Y tế, Bộ Y tế. Các tiêu chí của phần mềm giúp theo dõi, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng, hạn sử dụng, giá thuốc được mua vào, bán ra ở các nhà thuốc trên toàn quốc. Thực hiện tốt điều này giúp cho người dân dễ dàng tiếp cận với các thông tin của thuốc; đặc biệt qua đó hỗ trợ việc theo dõi giám sát việc bán thuốc kháng sinh không theo đơn. Đến nay đã có 25 tỉnh, thành phố tham gia hệ thống kết nối (Khánh Hòa chưa tham gia). Dự kiến đến năm 2020 sẽ đạt 100% quầy thuốc, nhà thuốc bán kháng sinh phải có đơn thuốc.
Bác sĩ Tôn Thất Toàn (Trung tâm
Truyền thông GDSK Khánh Hòa)