Thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy đến năm 2020, từ năm 2016, tỉnh bắt đầu triển khai mô hình "Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng". Sau 2 năm đi vào hoạt động, mô hình đã mang lại những kết quả tích cực.
Thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy đến năm 2020, từ năm 2016, tỉnh bắt đầu triển khai mô hình “Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng”. Sau 2 năm đi vào hoạt động, mô hình đã mang lại những kết quả tích cực.
Anh Võ Duy T. (trú tỉnh Hà Nam) từng nghiện ma túy hơn 2 năm. Sau nhiều lần đưa T. đi cai nghiện nhưng bất thành, gia đình T. đã quyết định đưa T. vào TP. Nha Trang sinh sống. Được biết ở phường Phương Sơn, TP. Nha Trang có Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng, gia đình quyết định đưa T. tới đây để cai nghiện. Khi đến đây, T. đã được nhân viên của điểm tư vấn chia sẻ một cách gần gũi, chân thành, không kỳ thị, không khoảng cách. Đây chính là yếu tố quan trọng giúp T. kiên trì điều trị. “Khi đến đây em cảm thấy rất thoải mái, em có thể chia sẻ tất cả mọi vấn đề với chị Thủy (nhân viên tư vấn - PV), kể cả những vấn đề mà em không thể chia sẻ với gia đình. Từ sự hỗ trợ của chị Thủy, em đã chiến thắng được những cám dỗ của ma túy. Bây giờ em không còn thèm muốn gì ma túy nữa”, T. chia sẻ. Sau hơn một năm điều trị, hiện nay, sức khỏe của T. đã được cải thiện rõ rệt, tâm lý cũng ổn định hơn. Quan trọng hơn, T. đã tìm được một công việc để tự nuôi sống bản thân, tránh xa môi trường ma túy.
Trong 2 năm qua, trên địa bàn tỉnh đã thành lập được 10 điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện. Các điểm được đặt tại Trung tâm Y tế phường Phương Sơn, phường Phước Hải, phường Ngọc Hiệp, xã Phước Đồng (TP. Nha Trang); phường Cam Thuận, phường Cam Phú (TP. Cam Ranh); thị trấn Vạn Giã, xã Vạn Thắng (huyện Vạn Ninh); thị trấn Diên Khánh (huyện Diên Khánh) và phường Ninh Thủy (thị xã Ninh Hòa).
Với mục tiêu nâng cao nhận thức cho cộng đồng về công tác cai nghiện ma túy, thời gian qua, các điểm đã đẩy mạnh tuyên truyền trong cộng đồng dân cư về tác hại của ma túy, cách phòng chống, tuyên truyền về hoạt động của điểm tư vấn, đồng thời tích cực vận động người nghiện, người sau cai nghiện tham gia. “Qua tuyên truyền, nhận thức của cộng đồng về công tác cai nghiện ma túy đã được nâng cao rõ rệt, từ đó sự kỳ thị của cộng đồng đối với người nghiện đã giảm đáng kể”, bà Trần Thị Thanh Thủy - Trưởng trạm Y tế phường Phương Sơn, TP. Nha Trang cho hay.
Hoạt động chính của các điểm là tổ chức tư vấn, điều trị cắt cơn cho các đối tượng nghiện. Công tác tư vấn giúp người nghiện hiểu về bệnh nghiện, vượt qua sự mặc cảm, tự ti để phối hợp trong quá trình điều trị và quyết tâm cai nghiện. Bên cạnh đó, các điểm cũng tăng cường công tác quản lý, chăm sóc, theo dõi hành vi, sức khỏe của người sau điều trị, từ đó có sự hỗ trợ kịp thời. Từ năm 2016 đến nay, các điểm đã tổ chức tư vấn cho hơn 1.200 lượt người, tổ chức điều trị cắt cơn cho 70 người. Qua theo dõi sau điều trị nghiện, đã có 44 người duy trì được kết quả tốt. Nhiều người đã từ bỏ được ma túy, có việc làm ổn định, hòa nhập tốt với cộng đồng.
Các điểm cũng thực hiện công tác hỗ trợ, kết nối chuyển gởi 142 người đi các cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh; giúp đỡ 8 người cai nghiện thành công được vay vốn làm ăn để ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng bền vững. Vừa là nơi tư vấn, vừa là nơi điều trị và hỗ trợ người nghiện một cách toàn diện, có thể thấy sự ra đời của mô hình cai nghiện tự nguyện này đã góp phần đa dạng hóa các hình thức cai nghiện, từ đó nâng cao hiệu quả công tác dự phòng và điều trị nghiện tại cộng đồng. “Theo lộ trình thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy đến năm 2020, thời gian tới, tỉnh sẽ thành lập thêm 2 điểm tư vấn”, ông Trần Quốc Thông - Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh cho biết.
Tuy nhiên, việc hoạt động của các điểm tư vấn hiện nay cũng có một số khó khăn. Theo ông Thông, do mới thành lập nên kỹ năng tư vấn của một số nhân viên tư vấn còn hạn chế, cơ sở vật chất của các điểm còn thiếu thốn. Người dân còn phân biệt, kỳ thị, không có sự thông cảm, chia sẻ với người nghiện và gia đình người nghiện. Để người nghiện cai nghiện tại các điểm đạt hiệu quả cao thì cần phải có sự hỗ trợ tích cực từ gia đình và cộng đồng. Nhân viên tại các điểm tư vấn ngoài kiến thức và kỹ năng cần phải có tấm lòng. “Nhân viên làm công tác tư vấn phải có nhiệt huyết và tấm lòng thì mới có thể giúp đỡ, chia sẻ với người nghiện một cách tốt nhất”, ông Thông nói.
LAN PHƯƠNG