Theo Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm có khoảng 530.000 trường hợp trẻ em bị bệnh lao, chiếm 6% tổng số lao mới mắc trên toàn cầu. Việt Nam là 1 trong 22 nước có số người mắc bệnh lao cao, trong đó tỷ lệ lao ở trẻ em chiếm 10%; ước tính mỗi năm, cả nước có hơn 10.000 trẻ em mắc bệnh lao cần phải điều trị.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm có khoảng 530.000 trường hợp trẻ em bị bệnh lao, chiếm 6% tổng số lao mới mắc trên toàn cầu. Việt Nam là 1 trong 22 nước có số người mắc bệnh lao cao, trong đó tỷ lệ lao ở trẻ em chiếm 10%; ước tính mỗi năm, cả nước có hơn 10.000 trẻ em mắc bệnh lao cần phải điều trị.
Bác sĩ Nguyễn Thế Tài - Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh cho biết, tỷ lệ phát hiện lao trẻ em của tỉnh năm 2016 là 3,5%; năm 2017 thấp hơn với 2,3%, trong khi tỷ lệ cần đạt là 10 - 11%. Việc phát hiện lao trẻ em thường có hai nguồn. Một nguồn thông qua việc gia đình nghi ngờ trẻ mắc bệnh tự đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám điều trị; nguồn thứ 2 là bệnh viện chủ động tổ chức các đoàn khám sàng lọc bệnh cho trẻ từ 0 đến 14 tuổi trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2017, toàn tỉnh đã phát hiện 34 trường hợp lao trẻ em, trong đó có 27 ca được phát hiện qua khám sàng lọc. Kết quả điều trị lao trẻ em đều tốt, 100% điều trị khỏi bệnh.
Những yếu tố nguy cơ làm trẻ dễ mắc bệnh lao là: tiếp xúc gần gũi với các thành viên trong gia đình bị mắc bệnh lao, trẻ dưới 5 tuổi, trẻ nhiễm HIV, trẻ bị suy dinh dưỡng, trẻ ốm yếu kéo dài sau khi mắc sởi. Bác sĩ Tài khuyến cáo, những trẻ từ 0 đến 4 tuổi sống chung với cha, mẹ, ông, bà, người thân trong gia đình mắc bệnh lao nên được điều trị dự phòng thuốc INH trong 6 tháng, giúp giảm được nguy cơ mắc bệnh 100%. Năm 2017, toàn tỉnh có 178/312 trẻ được điều trị dự phòng, chiếm 57%. Nguyên nhân tỷ lệ dự phòng lao ở trẻ chưa được cao, do đây không là điều trị bắt buộc nên nhiều gia đình chưa đồng ý, hoặc lo ngại, sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, trong khi nếu trẻ mắc bệnh lao việc điều trị bệnh sẽ phải uống nhiều loại thuốc hơn và thời gian điều trị cũng kéo dài lâu hơn.
Để phòng và điều trị tốt bệnh lao nói chung, và lao trẻ em nói riêng, trong nhiều năm qua, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh đã áp dụng nhiều kỹ thuật mới để chẩn đoán như: hút dịch dạ dày, lấy đờm kích thích, xét nghiệm đờm tìm vi khuẩn lao bằng kỹ thuật XpertMTB/RIF, nuôi cấy nhanh. Vì thế khi trẻ có bất kỳ dấu hiệu như: sút cân không rõ nguyên nhân, ho khan, sốt kéo dài, gia đình cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện để được khám chẩn đoán, phát hiện và điều trị kịp thời. Ngoài ra, để giảm nguy cơ chuyển từ nhiễm lao sang bệnh lao, trẻ khi sinh ra trong vòng một tháng cần được tiêm vắc xin BCG càng sớm càng tốt. Tiêm một liều duy nhất, không nhắc lại. Trong 24 giờ sau tiêm có thể có triệu chứng sốt nhẹ, nổi hạch, tồn tại trong khoảng 1 - 3 ngày rồi tự hết không phải can thiệp gì. Sau tiêm khoảng 2 tuần xuất hiện 1 vết loét đỏ, kích thước nhỏ, vết loét tự lành để lại sẹo nhỏ khoảng 5mm, điều này chứng tỏ trẻ đã có miễn dịch. Trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh có hệ miễn dịch rất kém, vì vậy trong gia đình nơi trẻ sinh sống có người mắc bệnh lao, cần tuyệt đối cách ly không để trẻ đến gần hoặc tiếp xúc với nguồn lao; vi khuẩn lao có thể có trong thức ăn, vì vậy trẻ cần được cho ăn chín uống sôi.
Để phòng lây nhiễm bệnh lao tại gia đình, người mắc bệnh lao cần tuân thủ điều trị lao theo đúng hướng dẫn của cán bộ y tế để đạt hiệu quả điều trị, tránh nguy cơ lây nhiễm cho người khác, đặc biệt khi còn ho khạc ra vi khuẩn lao, có xét nghiệm đờm AFB dương tính; cần dùng khẩu trang hoặc ít nhất phải có khăn che miệng khi tiếp xúc nói chuyện với người khác, khi hắt hơi, ho; không được khạc nhổ bừa bãi, khạc đờm vào khăn giấy rồi đốt, rửa tay xà phòng thường xuyên. Tại gia đình cần đảm bảo vệ sinh môi trường, nhà cửa cần thông thoáng, có ánh nắng; thường xuyên phơi nắng đồ dùng cá nhân, chăn, chiếu, màn.
Bác sĩ Tôn Thất Toàn
(Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe Khánh Hòa)