Những năm gần đây, hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá tại Việt Nam nói chung và tỉnh Khánh Hòa nói riêng đã được nhiều đơn vị, cá nhân hưởng ứng và đạt được nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn gặp nhiều khó khăn...
Những năm gần đây, hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá tại Việt Nam nói chung và tỉnh Khánh Hòa nói riêng đã được nhiều đơn vị, cá nhân hưởng ứng và đạt được nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn gặp nhiều khó khăn...
Thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, thời gian qua, Bộ Y tế, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá tích cực phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức chính trị, xã hội, các tỉnh, thành phố, trong đó có Khánh Hòa triển khai nhiều hoạt động phòng, chống. Đến nay, hầu hết các tỉnh, thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tác hại thuốc lá; nhiều cơ quan, đơn vị triển khai các hoạt động hưởng ứng luật; đưa nội dung phòng, chống tác hại thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hàng năm; đưa quy định cấm hút thuốc nơi làm việc vào quy chế nội bộ của cơ quan, đơn vị; đưa tiêu chí không hút thuốc tại nơi làm việc vào tiêu chuẩn thi đua khen thưởng của công chức, viên chức, người lao động; tổ chức nhiều hoạt động nổi bật thu hút sự tham gia của người dân...
Nhờ đó, những năm qua, tỷ lệ người hút thuốc lá và hút thuốc lá thụ động đang có xu hướng giảm cả ở môi trường trong nhà, nơi làm việc, trường học lẫn trên phương tiện công cộng. Tại lễ mít tinh hưởng ứng ngày Thế giới phòng, chống tác hại thuốc lá diễn ra tại Hà Nội (ngày 31-5-2017), Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, tại Việt Nam, thời gian qua, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tỷ lệ hút thuốc lá trong học sinh từ 13 đến 15 tuổi giảm từ 3,3% năm 2007 xuống 2,5% năm 2014; tỷ lệ hút thuốc lá thụ động tại nơi làm việc, trên phương tiện giao thông công cộng giảm từ 12 đến 15%... Điều này cho thấy nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá cũng như ý thức tuân thủ các quy định trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã có những chuyển biến tích cực.
Bên cạnh các mặt tích cực trên, hiện nay, hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá gặp nhiều khó khăn. Việt Nam vẫn là một trong số những quốc gia có tỷ lệ sử dụng thuốc lá nhiều nhất thế giới. Kết quả điều tra do Tổng cục Thống kê phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới cho thấy, tỷ lệ hút thuốc trong nam giới Việt Nam vẫn ở mức trên 40%. Bên cạnh đó, việc mọi người có thể dễ dàng mua thuốc lá ở nơi công cộng, quán cà phê, nhà hàng và địa điểm vui chơi đang gây ra những khó khăn, cản trở nỗ lực trong việc cai nghiện, giảm tỷ lệ hút thuốc tại nước ta. Ngoài ra, giá thuốc lá bán trên thị trường không cao, chưa có sự quản lý việc mua bán thuốc lá nên nhiều đối tượng có thể tiếp cận dễ dàng, kể cả trẻ vị thành niên, học sinh. Việc xử phạt hành chính vi phạm khi hút thuốc lá tại những khu vực cấm hầu như chưa được áp dụng; lực lượng giám sát, xử phạt vi phạm ít, trong khi số người hút thuốc lá lại quá nhiều nên chưa tạo được sức răn đe đối với những người có hành vi vi phạm. Tại nhiều cơ quan, đơn vị, lãnh đạo chưa quan tâm nhiều đến công tác phòng, chống tác hại thuốc lá...
Vì vậy, nâng cao nhận thức và hành động trong phòng, chống tác hại của thuốc lá vẫn là nhiệm vụ trọng tâm cần được đẩy mạnh. Theo đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, thông tin về tác hại của thuốc lá, về các ảnh hưởng của thuốc lá đối với bản thân họ, với những người trực tiếp sử dụng thuốc lá là rất cần thiết, qua đó giúp người không sử dụng thuốc lá không có thái độ thờ ơ vì quan niệm rằng thuốc lá chỉ có hại với những ai trực tiếp sử dụng. Các quy định về nghĩa vụ của người sử dụng thuốc lá, các địa điểm cấm hút thuốc lá, về việc quảng cáo, bán thuốc lá... cũng cần được tuyên truyền thường xuyên để người dân nắm được, hiểu được các quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Cùng với đó, cần phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong từng lĩnh vực của công tác này để người dân có thể nhận biết, giám sát hoặc kiến nghị khi cần thiết. Một giải pháp chung cần phải thực hiện, đó là tăng cường công tác giáo dục từ trong gia đình, nâng cao ý thức của chính các thành viên đối với việc phòng, chống tác hại của thuốc lá, nhất là đối với trẻ em vị thành niên cần phải được định hướng; các thành viên trong gia đình phải là tấm gương để giúp các em nhận rõ tác hại của thuốc lá, qua đó biết cách nói không với thuốc lá.
Bá Nghĩa