Theo lãnh đạo các bệnh viện (BV) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, trình độ nhân lực và chất lượng máy móc không đồng đều là thực trạng khiến cho các BV không chịu công nhận kết quả xét nghiệm lẫn nhau.
Theo lãnh đạo các bệnh viện (BV) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, trình độ nhân lực và chất lượng máy móc không đồng đều là thực trạng khiến cho các BV không chịu công nhận kết quả xét nghiệm lẫn nhau. Để thực hiện việc liên thông, Bộ Y tế cần có giải pháp đồng bộ, trong đó cần có hệ thống hoặc hội đồng kiểm chuẩn quốc gia.
Bệnh viện tự nâng cao chất lượng xét nghiệm
Theo Đề án Tăng cường chất lượng xét nghiệm y học giai đoạn 2016 - 2025 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, từ năm 2018 sẽ liên thông kết quả xét nghiệm giữa các BV hạng đặc biệt và hạng I; đến năm 2020 sẽ liên thông kết quả xét nghiệm đối với các BV trong cùng một địa bàn tỉnh, thành phố; đến năm 2025 sẽ liên thông kết quả xét nghiệm ở tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc.
Thạc sĩ Võ Thị Hồng Hà - Trưởng khoa Huyết học Truyền máu BV Đa khoa (BVĐK) tỉnh cho biết, việc liên thông kết quả xét nghiệm sẽ giúp các BV tự nâng cao hệ thống xét nghiệm; tiết kiệm được vật tư, sinh phẩm; giảm bớt chi phí, thời gian cho bệnh nhân. Hiện nay, hệ thống xét nghiệm tại BVĐK tỉnh đã thực hiện được hầu hết các xét nghiệm của BV hạng I; đối với những xét nghiệm chuyên sâu về sơ sinh, ung bướu, ADN, chẩn đoán sớm một số bệnh lý tự miễn..., BV liên kết một số cơ sở ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Theo bộ tiêu chí đánh giá mức chất lượng phòng xét nghiệm y học Bộ Y tế vừa mới ban hành (tháng 6-2017), hệ thống xét nghiệm của BV đạt 70% các tiêu chí.
Theo bác sĩ Trương Phước An - Giám đốc BVĐK khu vực Ninh Hòa, hệ thống xét nghiệm của BV đã đáp ứng 90% các xét nghiệm trong chẩn đoán và điều trị bệnh theo tiêu chuẩn BV hạng 2. Cũng như những BV khác, đối với những xét nghiệm chuyên sâu, BV liên kết với một số trung tâm ở TP. Hồ Chí Minh để thực hiện. Bác sĩ An chia sẻ: “Hiện nay, nhiều người dân chưa tin tưởng vào kết quả xét nghiệm ở các BV tuyến huyện. Nếu liên thông, kết quả xét nghiệm của BV tuyến dưới được các BV tuyến trên công nhận sẽ tăng lòng tin của bệnh nhân ở tuyến dưới, qua đó giảm tải cho tuyến trên. Đồng thời, nó cũng là điều kiện bắt buộc các cơ sở y tế tuyến dưới phải tự nâng cao chất lượng xét nghiệm”.
Được biết, hiện nay, tất cả các BV trên địa bàn tỉnh cơ bản đã triển khai thực hiện được hầu hết các xét nghiệm theo hạng BV. Để nâng cao chất lượng xét nghiệm, hàng năm, các BV đều thực hiện nội kiểm thông qua việc tự kiểm tra lại các kết quả xét nghiệm và thực hiện ngoại kiểm bằng cách gửi các mẫu xét nghiệm đến một số trung tâm, BV uy tín ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội tham chiếu lại kết quả.
Cần phải có trọng tài
Tuy ủng hộ việc liên thông kết quả xét nghiệm, nhưng theo lãnh đạo các BV ở tỉnh, để các BV công nhận kết quả xét nghiệm của nhau, Bộ Y tế cần có các giải pháp phù hợp.
Bác sĩ Phạm Tấn Đức - Giám đốc BVĐK Diên Khánh cho biết, kết quả xét nghiệm phụ thuộc vào 3 yếu tố: máy xét nghiệm, hóa chất, trình độ người thực hiện. Hiện nay, các yếu tố này ở mỗi BV khác nhau. Ngoại trừ một BV lớn tuyến trung ương, phòng xét nghiệm ở các BV còn lại trong cả nước nói chung và ở tỉnh nói riêng đa số chưa đồng chuẩn. “Nếu bác sĩ không chỉ định xét nghiệm lại mà căn cứ vào kết quả xét nghiệm của cơ sở y tế khác để mổ, chẳng may bệnh nhân có làm sao thì ai chịu trách nhiệm?”, bác sĩ Đức băn khoăn.
Lãnh đạo nhiều BV cho biết, sai số trong xét nghiệm giữa các BV là chuyện xảy ra thường ngày. Nếu kết quả xét nghiệm bị sai lệch thì người bệnh sẽ gặp nhiều rủi ro, trong đó có những rủi ro trực tiếp liên quan đến sinh mạng bệnh nhân. Kết quả xét nghiệm sai có thể sẽ dẫn đến chẩn đoán sai bệnh - không bệnh thành có bệnh, khiến người dân hoang mang lo lắng và tốn kém chi phí điều trị; hoặc có bệnh thành không bệnh dẫn đến việc chậm trễ trong điều trị, đưa đến biến chứng làm bệnh trầm trọng hơn, đôi khi người bệnh mất cơ hội chữa trị.
Bác sĩ Lê Thành Chung - Phó Giám đốc BVĐK khu vực Cam Ranh cho biết: “Có rất nhiều loại xét nghiệm mà kết quả xét nghiệm có thể thay đổi theo từng giờ, từng ngày nên không thể vì bệnh nhân vừa mới xét nghiệm hôm qua mà nay không cần xét nghiệm lại. Có những xét nghiệm có thể dùng ngay nhưng cũng có nhiều xét nghiệm bắt buộc phải làm lại. Chẳng hạn trước khi truyền máu, xét nghiệm công thức máu không cần phải làm lại nhưng xét nghiệm nhóm máu thì bắt buộc phải làm lại cho dù bệnh nhân đã làm xét nghiệm ở BV khác. Bởi nếu không chắc chắn nhóm máu chính xác, truyền máu vào sẽ nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân”. Đồng quan điểm trên, thạc sĩ Võ Thị Hồng Hà cho biết: “Việc liên thông kết quả xét nghiệm không nên cứng nhắc, bởi căn cứ vào biểu hiện lâm sàng của người bệnh có nhiều xét nghiệm bác sĩ cần làm lại để đảm bảo tính chính xác, chuyên sâu hơn, nhất là đối với các bác sĩ ở BV tuyến sau là người đưa ra các quyết định điều trị và chịu trách nhiệm về sức khỏe của bệnh nhân”.
Theo lãnh đạo các BV, để việc liên thông đạt kết quả, trước mắt, khi phòng xét nghiệm của nhiều BV còn chưa đạt chuẩn thì Bộ Y tế phải đứng ra làm “trọng tài”, chỉ định các BV nào công nhận kết quả xét nghiệm lẫn nhau, loại bệnh lý nào khi chuyển tuyến không phải làm lại xét nghiệm. Ngoài ra, Bộ Y tế cần thành lập hệ thống hoặc hội đồng kiểm chuẩn quốc gia độc lập để kiểm tra trình độ nhân lực, máy móc ở các BV nhằm đảm bảo chất lượng các yếu tố nói trên giữa các BV tương đương nhau. Hệ thống hoặc hội đồng độc lập này phải chịu trách nhiệm trước việc đánh giá các kết quả xét nghiệm.
Thực tế hiện nay cho thấy, khi các BV được giao quyền tự chủ một phần đã có tình trạng các BV đều muốn bệnh nhân gia tăng các dịch vụ, trong đó có xét nghiệm để tăng nguồn thu. Vì thế, việc liên thông kết quả xét nghiệm là cần thiết. Tuy nhiên, liên thông ở mức độ nào, kỹ thuật nào cho phù hợp, Bộ Y tế cần có giải pháp cụ thể.
Cát Đan
Thông tin từ Cục Quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế, bình quân hàng năm, các BV trong nước thực hiện khoảng 250 triệu lượt xét nghiệm hóa sinh, hơn 200 triệu lượt xét nghiệm huyết học và khoảng 25 triệu lượt xét nghiệm vi sinh. Tỷ lệ này tăng trung bình khoảng 10% mỗi năm. Theo tính toán của Bộ Y tế, nếu tính trung bình mỗi xét nghiệm có giá 50.000 đồng, chỉ cần giảm được 1% số xét nghiệm thì mỗi năm số xét nghiệm không phải thực hiện tại các BV khoảng 4,7 triệu lượt, đồng nghĩa với việc tiết kiệm được khoảng 237,5 tỷ đồng. |