Những năm qua, phong trào hiến máu nhân đạo phát triển sâu rộng trong toàn tỉnh Khánh Hòa. Mỗi năm có hàng chục ngàn lượt người tham gia hiến máu, đáp ứng nhu cầu cấp cứu, điều trị kịp thời cho bệnh nhân. Tuy nhiên, vấn đề lo ngại hiện nay là tình trạng thiếu chế phẩm từ máu trong đó có tiểu cầu.
Những năm qua, phong trào hiến máu nhân đạo phát triển sâu rộng trong toàn tỉnh Khánh Hòa. Mỗi năm có hàng chục ngàn lượt người tham gia hiến máu, đáp ứng nhu cầu cấp cứu, điều trị kịp thời cho bệnh nhân. Tuy nhiên, vấn đề lo ngại hiện nay là tình trạng thiếu chế phẩm từ máu trong đó có tiểu cầu.
Cử nhân Võ Xuân Khanh - Phó Trưởng khoa Truyền máu, Trung tâm Huyết học truyền máu cho biết, tiểu cầu là một thành phần trong máu, có tác dụng cầm máu, sử dụng trong các trường hợp chảy máu do giảm tiểu cầu, chấn thương khó cầm máu, bệnh sốt xuất huyết giảm tiểu cầu, ung thư máu, ung thư gan, mật... Trung bình mỗi tháng, các bệnh viện trên địa bàn tỉnh sử dụng từ 70 đến 80 đơn vị tiểu cầu cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân. Tuy nhiên, do thời gian lưu trữ ngắn, chỉ từ 3 đến 5 ngày, nên hiện nay, nguồn tiểu cầu phục vụ điều trị chỉ phụ thuộc vào Câu lạc bộ (CLB) tiểu cầu.
CLB tiểu cầu được thành lập từ năm 2010; ban đầu chỉ có 30 người tham gia. Qua quá trình vận động, đến nay, đã có 153 thành viên. Những người tham gia CLB rất nhiệt tình, không kể ngày đêm, khi bệnh nhân cần là họ sẵn sàng vào viện để hiến tiểu cầu. Anh B.M.H - thành viên CLB tiểu cầu chia sẻ: “Cách đây mấy năm, khi ba tôi vào cấp cứu cần tiểu cầu mà không có người cho, tôi xin được kiểm tra, rất may tôi đủ điều kiện để hiến. Từ đó, tôi tham gia CLB tiểu cầu đến nay được 5 năm, khi bệnh viện gọi là tôi đến liền vì biết đang có bệnh nhân cần được cứu giúp. Hiến tiểu cầu nhiều lần nhưng sức khỏe tôi vẫn tốt”.
Mặc dù khoảng cách giữa các lần hiến tiểu cầu là 1 tháng, ngắn hơn so với hiến máu toàn phần, nhưng với 153 thành viên của CLB tiểu cầu hiện nay vẫn chưa đáp ứng nhu cầu điều trị, nhất là vào những mùa cao điểm của dịch sốt xuất huyết. Hiện nay, tìm được người đủ điều kiện để hiến tiểu cầu không phải dễ dàng.
Trung bình mỗi năm, toàn tỉnh sử dụng từ 20.000 đến 22.000 đơn vị máu, trong đó khoảng 1.000 đơn vị tiểu cầu. |
Được biết, người hiến tiểu cầu phải đảm bảo được các yếu tố: người khỏe mạnh, không có bệnh tật, trọng lượng trên 50kg, ven lớn, lượng tiểu cầu tối thiểu trên 200.000G/l. “Trong những lần đi lấy máu tình nguyện tại cộng đồng, gặp những trường hợp đủ điều kiện, chúng tôi đều vận động tham gia CLB. Tuy nhiên, người đồng ý không nhiều, vì hiến tiểu cầu phải hiến tại bệnh viện, thời gian để hệ thống máy tách tiểu cầu trả lại hồng cầu hơn 1 giờ, nhiều người không có thời gian hoặc mang tâm lý lo lắng vì máu của họ phải qua hệ thống máy”, ông Võ Xuân Khanh nói.
Trước những khó khăn đó, Trung tâm Huyết học truyền máu hướng tới việc tách tiểu cầu ngay sau khi nhận nguồn máu hiến nhân đạo. Tuy nhiên, với thời gian bảo quản chỉ từ 3 đến 5 ngày, số lượng tiểu cầu dự trữ cũng chỉ giới hạn theo mức đăng ký của các bệnh viện. Đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài vẫn là vận động những người đủ điều kiện tham gia CLB hiến tiểu cầu nhằm nâng cao số lượng, xây dựng CLB trở thành ngân hàng tiểu cầu để chủ động hơn trong công tác cấp cứu, điều trị bệnh. “Hiến tiểu cầu cũng như hiến máu bình thường không ảnh hưởng tới sức khỏe. Chúng tôi mong rằng, những người có đủ điều kiện hãy tham gia cứu giúp người bệnh, đồng thời kiến nghị Ban vận động hiến máu có chế độ đãi ngộ xứng đáng để khuyến khích, thu hút được người tham gia hiến tiểu cầu nhiều hơn”, ông Khanh nhấn mạnh.
Thùy An