Bộ Y tế vừa phê duyệt đề cương nghiên cứu "Đánh giá khả năng thiết lập ổn định quần thể muỗi Aedes aegypti mang Wolbachia trên thực địa hẹp tại TP. Nha Trang"...
Bộ Y tế vừa phê duyệt đề cương nghiên cứu “Đánh giá khả năng thiết lập ổn định quần thể muỗi Aedes aegypti mang Wolbachia trên thực địa hẹp tại TP. Nha Trang”, của Dự án Hướng tới loại trừ sốt xuất huyết (SXH) tại Việt Nam. Theo đó, từ tháng 3-2017, dự án sẽ triển khai thả muỗi vằn mang Wolbachia tại 4 phường của TP. Nha Trang.
Người dân đồng thuận
Các địa phương sẽ triển khai thả muỗi gồm: Vĩnh Phước, Vĩnh Thọ, Vĩnh Trường và một phần phường Phước Long, nơi có khoảng 55.900 người thuộc 12.600 hộ gia đình sinh sống. Dự án đã lập bản đồ 773 ô thả muỗi tại các khu vực công cộng (trừ trường học và công viên) trên địa bàn 4 phường trên, mỗi ô có kích thước 50m x 50m (diện tích 2.500m2). Mỗi tuần, dự án sẽ thả khoảng 100 con muỗi vằn mang Wolbachia trong mỗi ô. Thời gian thả kéo dài khoảng 12 - 18 tuần, qua đó làm giảm số lượng muỗi vằn tự nhiên để phòng, chống SXH và Zika.
Cán bộ dự án đang phân loại các loại muỗi tự nhiên lấy ở thực địa |
Để chuẩn bị cho việc thả muỗi, dự án đã và đang tiến hành nhiều hoạt động như: truyền thông ở các trường học, trên đài phát thanh... ở 4 phường trên; phối hợp với TP. Nha Trang thành lập ban tư vấn cộng đồng, mạng lưới cộng tác viên, tổ chức họp dân và lấy ý kiến đồng thuận ở các tổ dân phố. Sau đó, dự án sẽ tiến hành khảo sát và lấy phiếu đồng thuận ở 573 hộ chọn ngẫu nhiên thuộc 4 phường trên để đánh giá hiệu quả truyền thông và mức độ đồng thuận...
Tối 12-2, dự án tiến hành lấy ý kiến đồng thuận của người dân tại tổ dân phố Sơn Hải, phường Vĩnh Thọ. Sau khi nghe cán bộ dự án trình bày, 59 người tham dự, đại diện cho các hộ của tổ dân phố đều nhất trí triển khai dự án. Bà Trần Thị Nhụ - tổ dân phố Sơn Hải cho biết: “Ngoài bệnh SXH, năm ngoái ở TP. Nha Trang ghi nhận mấy ca Zika. Khu vực này có nhiều nhà hàng, khách sạn, khách du lịch đến đây ở khá nhiều nên chúng tôi cũng lo ngại họ lây truyền bệnh Zika. Nghe cán bộ dự án tuyên truyền loại muỗi này phòng được 2 bệnh trên nên tôi hoàn toàn ủng hộ”. Ông Võ Hiệp - người dân ở đây cũng ủng hộ dự án vì cho rằng so với các biện pháp diệt muỗi vằn hiện nay thì hiệu quả của muỗi mang Wolbachia mang lại trong việc phòng, chống dịch SXH và Zika toàn diện hơn.
Mặc dù đồng thuận với dự án, nhưng nhiều người dân vẫn băn khoăn liệu việc thả muỗi mang Wolbachia có truyền bệnh hoặc gây ra các bệnh khác cho con người hay không; với số muỗi vằn mang Wolbachia ước tính được thả ra khoảng 77.300 con/tuần, liệu số lượng muỗi trong cộng đồng có tăng lên và gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân?...
Việc thả muỗi bảo đảm an toàn
Được biết, khoảng 5 năm gần đây, Khánh Hòa luôn là tỉnh có số ca mắc SXH cao nhất, nhì khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Năm 2015, toàn tỉnh ghi nhận hơn 9.000 ca mắc SXH; năm 2016 có hơn 5.000 ca, trong đó có 3 ca tử vong. Đáng lưu ý, năm 2016, Dự án Hướng tới loại trừ SXH tại Việt Nam đã thu thập và lưu trữ 23.682 cá thể muỗi Aedes aegypti (cái) tự nhiên ở TP. Nha Trang, đồng thời đặt 150 bẫy muỗi để nghiên cứu, theo dõi mật độ quần thể muỗi vằn tại 27 phường, xã và các đặc điểm sinh học của chúng. Qua đó, phát hiện có 56 cá thể dương tính với vi rút Zika (chiếm 0,24%). Điều này cho thấy, vi rút Zika đã lưu hành trong muỗi vằn tự nhiên ở nhiều nơi tại Việt Nam. Riêng tại đảo Trí Nguyên, nơi dự án tiến hành thả muỗi mang vi khuẩn Wolbachia đầu tiên tại TP. Nha Trang (tháng 8-2013), đến nay không có dịch SXH và không ghi nhận trường hợp Zika nào.
Theo GS.TS Nguyễn Trần Hiển - Phó Giám đốc Dự án, trong quá trình nuôi và trước khi thả, toàn bộ muỗi vằn mang Wolbachia của dự án đã được kiểm tra rất chặt chẽ và đảm bảo hoàn toàn không mang mầm bệnh. Có thể ví muỗi vằn mang Wolbachia là muỗi đã được “tiêm vắc xin” để giảm nguy cơ lây truyền SXH và Zika. Hội đồng khoa học thuộc các cơ quan chuyên môn của Úc, Việt Nam, Indonesia đã tiến hành các cuộc đánh giá toàn diện về việc ứng dụng phương pháp Wolbachia, kết luận rằng khả năng gây ra tác động không mong muốn của phương pháp này đối với sức khỏe con người và môi trường là không đáng kể. Việc thả muỗi của dự án về cơ bản không làm tăng số lượng muỗi tại địa phương, không ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Trung bình mỗi tuần, dự án chỉ thả 1 con muỗi trên diện tích 25m2. Cùng với đó, muỗi đực mang Wolbachia khi giao phối với muỗi cái không mang Wolbachia thì trứng do con cái đẻ ra sẽ không nở, nhờ đó làm giảm bớt mật độ muỗi… Muỗi vằn mang Wolbachia và muỗi vằn không mang Wolbachia đều là muỗi tự nhiên, không thể phân biệt được bằng mắt thường, do đó, người dân vẫn nên sử dụng các biện pháp hạn chế muỗi và phòng, chống muỗi đốt để bảo vệ sức khỏe.
Về lâu dài, muỗi mang Wolbachia có tác dụng làm cho quần thể muỗi vằn hầu như không còn truyền bệnh SXH và Zika nên có tác dụng bảo vệ sức khỏe cộng đồng khỏi 2 bệnh dịch nói trên một cách chủ động. “Trong một vài năm tới, dựa trên tình hình cụ thể, dự án có thể sẽ mở rộng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa và một số tỉnh phía nam, nơi thường xuyên có dịch SXH lưu hành”, GS.TS Nguyễn Trần Hiển cho biết.
Với sự đồng thuận của người dân và ủng hộ của chính quyền địa phương, hy vọng hiệu quả của dự án mang lại sẽ góp phần đẩy lùi được dịch SXH và Zika trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
T.L