Bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa huyện, thuộc Trung tâm Y tế huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đều ấn tượng tốt với Ðiều dưỡng trưởng Trần Lê Nguyên Thảo (37 tuổi), bởi chị lúc nào cũng tươi cười, ân cần hướng dẫn người bệnh.
Bệnh nhân (BN) đến Bệnh viện Đa khoa huyện, thuộc Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đều ấn tượng tốt với Ðiều dưỡng trưởng Trần Lê Nguyên Thảo (37 tuổi), bởi chị lúc nào cũng tươi cười, ân cần hướng dẫn người bệnh.
Coi bệnh nhân như người nhà
Khi được chuyển lên bệnh viện huyện điều trị, BN Nguyễn Cam (82 tuổi, xã Cam An Nam) chỉ nằng nặc đòi gặp cô Thảo. Hỏi ra mới biết, BN này muốn gặp trực tiếp để hỏi thăm và cảm ơn vì hồi ở phòng khám dưới xã, cô Thảo rất tận tình chăm sóc ông. Nhân viên y tế nghe chuyện, ai cũng thấy vui. Thực tế, chị Thảo rất dễ tiếp xúc và chiếm được cảm tình của BN. Cụ Trần Đình Sáu (91 tuổi, Phú Bình 2, xã Cam Tân) đang nằm viện vì đau bụng, ăn uống khó khăn mà cũng phải bật cười bởi cách thăm hỏi cởi mở, dễ gần của chị Thảo. Cụ nói vui: “Tôi phải gắng ăn gấp mấy lần ấy, để hết đau bụng, khỏi phụ công mấy cô chăm sóc”.
Chị Thảo (bìa phải) thường tới tận giường bệnh để nắm bắt tình hình |
Tốt nghiệp Trung cấp Y tế, vào ngành năm 2002, làm điều dưỡng tại nhiều khoa, phòng, đơn vị y tế và về TTYT Cam Lâm từ năm 2008, suốt 15 năm qua, chị Thảo chưa khi nào bị BN, người nhà BN phàn nàn, ghi vào sổ góp ý. Hàng ngày, chị Thảo phải đi về hơn 30km, giai đoạn con nhỏ đi về 4 lượt hơn 60km để đến nơi làm. Công việc vất vả, hết truyền dịch, cho thở oxy, thay băng, tiêm thuốc, rửa vết thương, thông dạ dày, đưa BN đi làm xét nghiệm, lại cho người bệnh uống thuốc, thậm chí cho ăn, vệ sinh răng miệng, tư vấn sức khỏe… Áp lực công việc, đặc biệt khi cao điểm dịch bệnh, quá tải BN, cộng với thời gian làm việc thất thường, tiếp xúc với nhiều loại bệnh truyền nhiễm, đôi lúc bị BN trách móc do chưa hiểu phác đồ điều trị là những khó khăn không phải ai cũng vượt qua được. Nhận công tác tháng đầu tiên, chị Thảo sút 4kg. Nhưng chị vẫn luôn nỗ lực, vui vẻ làm việc với một tâm niệm: để làm tốt công việc, cần thật lòng quan tâm, xem BN như người nhà.
Không ngừng phấn đấu
Năm 2009, chị Thảo trở thành điều dưỡng trưởng, quản lý 4 điều dưỡng viên, 11 hộ lý; điều hành hoạt động điều dưỡng của toàn TTYT huyện với 14 trạm y tế cấp xã và 2 phòng khám khu vực, đồng thời tham mưu thực hiện, chỉ đạo công tác chăm sóc người bệnh.
Nhận cương vị mới, chị Thảo càng cố gắng hơn. Chị tự học thêm tin học, thống kê y tế; tự liên hệ, kết bạn với các đồng nghiệp rồi tranh thủ ngày cuối tuần chạy xe đi Diên Khánh, Ninh Hòa, Cam Ranh, Nha Trang… để xin mẫu tài liệu về quy trình chăm sóc BN. Từ chỗ chỉ có 1 quyển sổ tay, đến nay, chị đã có 2 tủ tài liệu với đủ loại, từ bảng mô tả vị trí công việc, sổ sinh hoạt chuyên môn, tài liệu kiểm tra, giám sát, đào tạo, tham mưu, phối hợp theo dõi nhân lực, tham mưu dự trù trang thiết bị y tế, quy trình chăm sóc người bệnh... Công việc bộn bề hơn, từ chăm sóc toàn diện và kiểm soát nhiễm khuẩn, đến phụ trách công tác vi sinh, tư vấn, chăm sóc khách hàng, tiết chế dinh dưỡng cho BN, kiểm soát sự hài lòng của BN và lập báo cáo để tham mưu chấn chỉnh, phụ trách chương trình 5S (sàng lọc; sắp xếp; sạch sẽ; săn sóc; sẵn sàng) và phòng ngừa nguy cơ, công việc nào chị cũng làm hết mình.
Bác sĩ Nguyễn Công Xanh - Giám đốc TTYT huyện Cam Lâm: Chị Thảo luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, đặc biệt trong quản lý công tác chăm sóc người bệnh, tham mưu triển khai nhiều công việc và đã đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở liên tục từ năm 2012 đến 2016, đang được đề nghị công nhận Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh. Đồng thời, chị được UBND tỉnh tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước 5 năm (2011 - 2015). |
Là thành viên hội đồng thi đua, hội đồng khoa học kỹ thuật của trung tâm, chị Thảo luôn trăn trở khi hầu hết đề tài, danh hiệu thi đua đều thuộc về trưởng khoa, bác sĩ, rất ít điều dưỡng, nữ hộ sinh, kỹ thuật viên, hộ lý thực hiện. Biết mọi người còn tự ti, chị mạnh dạn đi đầu đăng ký, thực hiện nhiều đề tài, sáng kiến bám sát lĩnh vực điều dưỡng, như: khảo sát thực trạng sự hài lòng của BN và người nhà BN đến khám, chữa bệnh tại bệnh viện Cam Lâm; khảo sát kiến thức, thái độ và hành vi chống nhiễm khuẩn của điều dưỡng bệnh viện Cam Lâm… Chị còn tham gia quản lý, đào tạo y sinh cho Trường Cao đẳng Y tế Khánh Hòa gửi thực tế tốt nghiệp; giảng dạy lớp y tế thôn bản tại huyện. Chị cũng tham mưu ban giám đốc thực hiện một số cải tiến trong phục vụ khách hàng; đề xuất nhiều sáng kiến phục vụ BN; triển khai xây dựng và cụ thể hóa nhiều quy trình kỹ thuật, bảng kiểm công tác điều dưỡng; triển khai chương trình phòng ngừa nguy cơ và văn hóa an toàn; phối hợp thực hiện cải cách thủ tục nhằm giảm phiền hà cho người bệnh. Mấy năm nay, đề xuất của chị được chấp nhận đưa vào chương trình tập huấn đào tạo kỹ năng tư vấn cho điều dưỡng. Nhờ đó, công tác tự đào tạo và đào tạo lại cho hệ điều dưỡng, hộ lý có nhiều chuyển biến.
Chị Thảo cho biết, được giúp đỡ người khác lúc ốm đau không chỉ là niềm vui, mà còn giúp chị biết cách chăm sóc người thân tốt hơn. “Không gì vui và tự hào hơn khi được tiễn BN xuất viện và nhận lời cảm ơn của họ”, chị Thảo nói.
TIỂU MAI