Qua hơn 1 năm xây dựng và phát triển, các hoạt động của mạng lưới quản lý và điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản ở các tuyến trong tỉnh đã mang lại những kết quả tích cực
Qua hơn 1 năm xây dựng và phát triển, các hoạt động của mạng lưới quản lý và điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản ở các tuyến trong tỉnh đã mang lại những kết quả tích cực.
Theo bác sĩ Hồ Tá Phương - Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh, năm 2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1208 về việc phê duyệt danh mục các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2012 - 2015, trong đó có bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản. Đến giữa năm 2015, trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có con số thống kê về tỷ lệ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ở người trên 40 tuổi và tỷ lệ mắc bệnh hen phế quản ở trẻ em và người lớn; chưa có hệ thống phát hiện, quản lý điều trị, dự phòng các tuyến một cách đồng bộ. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và được sự hỗ trợ của Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), Sở Y tế đã xây dựng, phát triển mạng lưới quản lý và điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản các tuyến với mục tiêu phát hiện điều trị sớm và dự phòng tốt 2 bệnh này trên phạm vi toàn tỉnh.
Đo chức năng hô hấp cho bệnh nhân ở Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh |
Cùng với việc xây dựng mạng lưới các tuyến, Sở Y tế thành lập Phòng Quản lý bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản tỉnh đặt tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh; tổ chức hội nghị triển khai; đào tạo và đào tạo lại cán bộ… Song song đó, trang bị đầy đủ cơ số thuốc, đầu tư nhiều trang thiết bị cho Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh, trong đó có máy đo chức năng hô hấp. Điểm nổi trội của máy là giúp bác sĩ chẩn đoán, xác định nhanh và chính xác mức độ nặng nhẹ của 2 bệnh lý này, qua đó giúp bác sĩ đề ra phác đồ điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân. “Trước kia, khi chưa có máy, bác sĩ chẩn đoán qua triệu chứng lâm sàng, dẫn đến nhiều trường hợp phát hiện không chính xác mức độ nặng nhẹ của bệnh nên hiệu quả điều trị không cao”, bác sĩ Phương nói.
Tháng 6-2015, Phòng Quản lý bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản tỉnh đi vào hoạt động và triển khai khám sàng lọc 2 bệnh lý trên trong toàn tỉnh; đồng thời triển khai Dự án PAL “Xử lý tốt 4 bệnh hô hấp gồm lao, viêm phổi cộng đồng, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản” đến 46 xã, phường của thị xã Ninh Hòa, huyện Diên Khánh và chương trình nhiễm khuẩn hô hấp cấp ở trẻ em. Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, năm 2015, có hơn 1.800 người trên địa bàn tỉnh được khám bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản, qua đó phát hiện 114 người mắc 2 bệnh lý trên. 9 tháng năm 2016, dự án đã khám và đo chức năng hô hấp cho 691 bệnh nhân, phát hiện 136 bệnh nhân mắc 2 bệnh này. Đến thời điểm này, Phòng Quản lý bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản tỉnh đang quản lý điều trị cho 182 bệnh nhân. Ông Nguyễn Mai Vân (49 tuổi, phường Cam Lộc, TP. Cam Ranh) cho biết: “Gần 2 tháng trước, tôi bị khó thở, thường ho ra đàm, điều trị và uống thuốc nhiều nơi nhưng không bớt. Đến khám tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi, tôi được các bác sĩ chẩn đoán bị mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Qua gần 1 tháng điều trị, bệnh của tôi đỡ hẳn”.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản là 2 bệnh lý thường gặp ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, là nguyên nhân gây tử vong hàng thứ 4 và sẽ đứng hàng thứ 3 trên thế giới vào năm 2020 (theo WHO). Tỷ lệ mắc chung 2 bệnh này trên thế giới là 7 - 19%, tại Việt Nam là 4 - 10%. 2 bệnh lý này nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì người bệnh còn duy trì khả năng lao động, ngược lại khi bệnh tăng nặng, người bệnh không còn tự chăm sóc mình, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. |
Cùng với việc khám sàng lọc và quản lý điều trị, dự án còn thành lập 21 câu lạc bộ Hơi thở xanh ở thị xã Ninh Hòa và huyện Diên Khánh với hơn 600 thành viên. Mục đích của câu lạc bộ là phổ biến kiến thức về 4 bệnh hô hấp thường gặp tại cộng đồng, hướng dẫn các thành viên câu lạc bộ tập luyện phục hồi chức năng hô hấp để nâng cao sức khỏe.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay, việc triển khai các hoạt động của dự án gặp nhiều khó khăn do chưa được cấp kinh phí. Bác sĩ Phương chia sẻ: “Năm 2016, chúng tôi đã xây dựng rất chi tiết các hoạt động của dự án. Cụ thể: đào tạo 70% số bác sĩ hệ nội có kỹ năng tham gia khám, chẩn đoán và điều trị về hai bệnh này; đảm bảo hơn 50% số bệnh nhân có chẩn đoán mắc bệnh được kê đơn đúng theo hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế; 50% người dân có kiến thức, thái độ và thực hành đúng về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản… Tuy nhiên, đến nay, các hoạt động trên vẫn chưa triển khai do chưa có kinh phí”.
T.L