11:10, 18/10/2016

Tỷ lệ muỗi vằn tự nhiên dương tính với vi rút Zika rất thấp

Vừa qua, Dự án Hướng tới loại trừ sốt xuất huyết tại Việt Nam đã tìm thấy một số cá thể muỗi vằn tự nhiên ở TP. Nha Trang mang vi rút Zika. Tiến sĩ, bác sĩ Viên Quang Mai - Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang, Phó Giám đốc Dự án cho biết...

Vừa qua, Dự án Hướng tới loại trừ sốt xuất huyết (SXH) tại Việt Nam đã tìm thấy một số cá thể muỗi vằn tự nhiên ở TP. Nha Trang mang vi rút Zika. Tiến sĩ, bác sĩ Viên Quang Mai - Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang, Phó Giám đốc Dự án cho biết:


- Từ tháng 3-2015 đến tháng 5-2016, Dự án Hướng tới loại trừ SXH tại Việt Nam đã thu thập và lưu trữ 23.682 cá thể muỗi Aedes aegypti (cái) tự nhiên ở TP. Nha Trang. Cụ thể, dự án nghiên cứu theo dõi mật độ quần thể muỗi vằn tại 27 phường, xã của TP. Nha Trang (không bao gồm hải đảo) và các đặc điểm sinh học của chúng, bao gồm khả năng kháng các loại hóa chất diệt côn trùng phổ biến hiện nay. Để làm việc này, chúng tôi đã đặt 150 bẫy muỗi và bẫy trứng (muỗi) tại các hộ gia đình và một số cơ quan công sở.


Sau khi biết thông tin về một số ca nhiễm Zika trên người tại Việt Nam kể từ tháng 4-2016, chúng tôi đã xúc tiến việc xét nghiệm 23.682 mẫu muỗi nói trên để xác định xem chúng có nhiễm vi rút Zika, Dengue hoặc Chikungunya hay không. Kết quả, có 56 cá thể muỗi vằn tự nhiên dương tính với Zika (0,24%), 29 cá thể dương tính với vi rút Dengue (0,12%) và không có cá thể nào dương tính với vi rút Chikungunya. Vi rút Zika được phát hiện trong những mẫu muỗi thu được từ tháng 3-2015 đến tháng 4-2016, trong đó số mẫu dương tính với Zika được phát hiện trong tháng 12-2015 và tháng 1-2016 nhiều hơn so với thời gian khác. Kết quả trên cho thấy, tỷ lệ dương tính với vi rút Zika được phát hiện là rất thấp. Tuy nhiên, nên biết chỉ cần một con muỗi mang vi rút thì chúng có thể chích và truyền vi rút đó cho nhiều người.


Sau khi kiểm chứng và chắc chắn về các kết quả trên, chúng tôi đã báo cáo Bộ Y tế. Để phòng bệnh, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp kiểm soát muỗi và phòng, tránh muỗi đốt đã được Bộ Y tế khuyến cáo để phòng bệnh SXH Dengue và Zika.


- Thưa ông, sự xuất hiện của muỗi dương tính với vi rút Zika có liên quan gì đến hoạt động thả muỗi mang vi khuẩn Wobachia của dự án tại đảo Trí Nguyên?


- Chúng tôi khẳng định là không. Mặc dù dự án vẫn tiếp tục thu mẫu, giám sát quần thể muỗi vằn ở đảo Trí Nguyên nhưng kết quả trên là từ các mẫu muỗi thu được ở 27 phường, xã trên đất liền, không phải các mẫu muỗi thu được tại đảo Trí Nguyên.


Chúng tôi ưu tiên xét nghiệm các mẫu muỗi thu được ở Nha Trang (đất liền) - nơi có 1 người dân ở phường Phước Hòa ghi nhận nhiễm Zika vào tháng 4-2016. Hiện nay, dự án đang chờ nhận thêm sinh phẩm đặt mua từ nước ngoài để xét nghiệm các mẫu muỗi vằn thu được từ đảo Trí Nguyên và dự kiến sẽ thực hiện trong tháng 12 tới.  

     
Đến nay, đã có 73 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới được xác định có vi rút Zika lưu hành. Ở Việt Nam, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) đã ghi nhận và công bố rộng rãi 7 trường hợp nhiễm vi rút Zika là công dân Việt Nam. Cụ thể, tại TP. Hồ Chí Minh 4 trường hợp, Bình Dương 1, Khánh Hòa 1 và Phú Yên 1. Điều này chứng tỏ vi rút Zika và các trường hợp mắc bệnh xuất hiện rải rác ở nhiều nơi, đặc biệt là các tỉnh phía nam nơi có điều kiện khí hậu thuận lợi cho muỗi vằn sinh trưởng và truyền bệnh SXH Dengue quanh năm.


- Xin ông nói rõ hơn kết quả hiện nay của dự án tại đảo Trí Nguyên? Ngoài tác dụng phòng bệnh SXH Dengue, loại muỗi mang vi khuẩn Wobachia của dự án có khả năng ngăn chặn được sự lây truyền vi khuẩn Zika không, thưa ông?


- Kể từ khi dự án kết thúc thả muỗi vằn mang Wolbachia từ tháng 11-2014 đến nay, trên đảo Trí Nguyên không xảy ra dịch SXH Dengue. Trong khi đó, ở TP. Nha Trang (đất liền) và toàn tỉnh Khánh Hòa đã xảy ra dịch SXH lớn vào các tháng cuối năm 2015 và đầu năm 2016. Thực tế nghiên cứu ứng dụng muỗi mang vi khuẩn Wolbachia ở các thực địa khác trên thế giới cũng cho thấy dịch SXH Dengue giảm đáng kể sau khi quần thể muỗi mang vi khuẩn Wolbachia được thiết lập ổn định.


Vi khuẩn Wolbachia là một loại vi khuẩn tự nhiên, hoàn toàn không liên quan đến công nghệ biến đổi gen. Vi khuẩn Wolbachia đã được chứng minh có khả năng ức chế sự phát triển của vi rút Dengue và Zika trong cơ thể muỗi vằn và phương pháp sử dụng muỗi vằn mang Wolbachia đã được khẳng định là an toàn cho con người, động vật và môi trường. Tháng 3-2016, Tổ chức Y tế thế giới đã khuyến nghị rằng Wolbachia là một trong những phương pháp tiềm năng để đáp ứng khẩn cấp cho công tác kiểm soát trung gian truyền bệnh và chuẩn bị sẵn sàng cho việc phòng, chống vi rút Zika.


- Ông có thể cho biết, các bước triển khai tiếp theo của dự án tại đảo Trí Nguyên nói riêng và tại TP. Nha Trang nói chung trong thời gian tới?


-  Gần đây, Bộ Y tế đã có văn bản chỉ đạo các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur tăng cường thu thập mẫu muỗi trên cả nước để tiến hành xét nghiệm, đánh giá về sự tồn tại, lưu hành của vi rút Zika ở Việt Nam.


Trong khuôn khổ dự án, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi, giám sát quần thể muỗi, tình hình bệnh SXH Dengue và các ca nghi nhiễm Zika ở đảo Trí Nguyên (nếu có). Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tiếp tục một số hoạt động hỗ trợ y tế địa phương để nâng cao hiểu biết, ý thức phòng bệnh của người dân trên đảo.  


Hiện nay, chúng tôi đang trình Bộ Y tế xem xét đề cương hoạt động của dự án năm 2017 tại Nha Trang. Theo đó, dự kiến triển khai thả muỗi vằn mang vi khuẩn tự nhiên Wolbachia tại một số khu vực dân cư ở các phường: Vĩnh Phước, Vĩnh Thọ, Vĩnh Trường và Phước Long để đánh giá khả năng thiết lập ổn định của muỗi vằn mang Wolbachia trong quần thể muỗi vằn tự nhiên ở đây. Khi được Bộ Y tế phê duyệt, chúng tôi sẽ phối hợp với chính quyền và y tế địa phương tiến hành công tác truyền thông, cung cấp thông tin cụ thể hơn cho người dân và chỉ tiến hành thả muỗi sau khi đạt được sự ủng hộ cao của cộng đồng.


 -  Xin cảm ơn ông!


THẢO LY (Thực hiện)