06:10, 03/10/2016

Thoái hóa khớp gối: Điều trị sớm để tránh tàn phế

Bệnh thoái hóa khớp gối rất phổ biến và ngày càng trẻ hóa, nếu không được điều trị đúng, kịp thời có thể dẫn đến tàn phế chân.

Bệnh thoái hóa khớp gối rất phổ biến và ngày càng trẻ hóa, nếu không được điều trị đúng, kịp thời có thể dẫn đến tàn phế chân.


Trong tháng 8, Khoa Chấn thương Chỉnh hình - Bỏng, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Khánh Hòa thực hiện thành công thay 2 khớp gối nhân tạo bằng xi măng cho bà Trần Thị Đoan (54 tuổi, xã Diên Bình, huyện Diên Khánh). Bà Đoan nhập viện trong tình trạng sưng vùng 2 gối, đau nhức dữ dội, không thể đi đứng bình thường. Sau thăm khám, nhận thấy các sụn khớp của bệnh nhân đã thoái hóa nặng, các bác sĩ quyết định phẫu thuật bỏ đoạn khớp hư và thay vào khớp nhân tạo để cứu 2 đầu gối cho bệnh nhân. Theo bà Đoan, cách đây khoảng 5 năm, bà có biểu hiện đi đứng khó khăn, mỗi khi ngồi xuống đứng lên khớp gối có tiếng kêu lạo xạo, nhiều khi bị đau nhức. Bà đã uống nhiều loại thuốc, châm cứu... nhưng bệnh không thuyên giảm mà ngày càng nặng hơn.

 

Bệnh nhân được bác sĩ thăm khám sau mổ
Bệnh nhân được bác sĩ thăm khám sau mổ


Mới đây, anh Trần Văn Luân (45 tuổi, xã Vạn Khánh, huyện Vạn Ninh) được chỉ định thay khớp gối bên phải. Anh Luân kể, cách đây hơn 1 năm, sau cú va chạm do tai nạn giao thông, gối phải của anh bị sưng nhẹ. Anh đã đến phòng mạch tư để khám và lấy thuốc uống. Thời gian sau, nhiều lần khớp gối phải có biểu hiện đau, sưng, anh lại dùng toa thuốc cũ để mua uống. Chỉ khi gối sưng đau, đi đứng khó khăn, anh mới vào BVĐK tỉnh và được chẩn đoán sụn khớp gối phải bị thoái hóa.


Thạc sĩ, bác sĩ Phan Hữu Chính - Phó Giám đốc, Trưởng khoa Ngoại chấn thương Chỉnh hình - Bỏng, BVĐK cho biết, khớp gối rất quan trọng, gánh toàn bộ cơ thể và là khớp vận động nhiều nhất. Chính vì thế, nó rất dễ bị thoái hóa, từ đó gây khó khăn trong vận động, đi lại. Nếu chữa trị không đúng cách, không kịp thời, bệnh diễn biến nặng có thể gây tàn phế, điều trị tốn kém. Hiện nay, tại Việt Nam, bệnh thoái hóa khớp gối rất phổ biến và ngày càng trẻ hóa. Những năm gần đây, số ca đến BVĐK tỉnh để điều trị thoái hóa khớp gối tăng, bình quân mỗi năm BV phẫu thuật thay khớp gối cho 30 ca.


Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thoái hóa khớp gối như: do chấn thương (thường là tai nạn giao thông) có thể làm cho sụn khớp bị tổn thương hoặc do bệnh nhân không được điều trị đúng, dẫn đến lệch trục khớp gây thoái hóa khớp từ từ; người quá mập dễ bị thoái hóa khớp gối do trọng lượng cơ thể dồn lên hai khớp gối quá nhiều khiến sụn khớp quá tải, nhanh hao mòn và hư dần theo thời gian. Sử dụng thuốc, trong đó sử dụng thuốc corticoide không đúng cũng có thể gây thoái hóa khớp gối. Bệnh lý bẩm sinh, chế độ ăn uống không đủ dưỡng chất cần thiết để giúp túi hoạt dịch tiết ra nhiều chất nhờn, uống rượu bia quá nhiều... cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng thoái hóa khớp gối.


Khi mới khởi phát bệnh, khớp gối chưa hư, chưa thương tổn nhiều, bệnh nhân chỉ có cảm giác đau thoáng qua, đau mơ hồ, đau khi đi lại hoặc sáng ngủ dậy thấy đau. Có khi triệu chứng đau tự hết khiến người bệnh không để ý. Khi dịch khớp khô nhiều hơn, người bệnh có dấu hiệu khó khăn khi lên cầu thang, đau nhiều hơn khi đi bộ, đau liên tục, không tự thuyên giảm, phải sử dụng thuốc kháng viêm, giảm đau. Đến giai đoạn thương tổn mô dưới sụn, hẹp khe khớp đầu gối có thể sưng một phần hoặc toàn khớp gối. Lúc này, bệnh nhân đau liên tục, đêm nằm cũng nhức, đứng lên ngồi xuống rất khó khăn, nghe tiếng kêu cọt kẹt, rột roạt trong khớp...


Tùy theo từng giai đoạn, bệnh nhân được điều trị bằng thuốc hoặc phải phẫu thuật thay khớp gối. Bác sĩ Chính cảnh báo, khi gặp những chấn thương mạnh, trực tiếp vào khớp gối rất dễ làm khớp này bị tổn thương, để lâu có thể dẫn đến thoái hóa. Bên cạnh đó, những động tác ngồi xổm, ngồi xếp chân bằng tác động có hại cho đầu gối. Khi có dấu hiệu đau nhức khớp cần đến bác sĩ để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.


T. L