10:10, 05/10/2016

Số ca bệnh tay chân miệng tăng

Từ tháng 9 đến nay, số lượng bệnh nhân nhập viện điều trị bệnh tay chân miệng tăng đột biến, đáng lo ngại là có nhiều ca bệnh nặng.

Từ tháng 9 đến nay, số lượng bệnh nhân nhập viện điều trị bệnh tay chân miệng tăng đột biến, đáng lo ngại là có nhiều ca bệnh nặng.


Theo quy luật những năm trước, mùa dịch tay chân miệng xuất hiện từ cuối tháng 10 và đỉnh dịch thường xảy ra vào các tháng 11, 12. Tuy nhiên, trong tháng 9 vừa qua, chỉ tính riêng tại Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới tỉnh, số lượng bệnh nhân nhập viện điều trị bệnh tay chân miệng lên đến 46 trường hợp, tăng gấp 3 lần so với những tháng trước đó. Đáng chú ý, mấy ngày cuối tháng 9, có tới 4 bệnh nhi nặng vào viện liên tiếp, có những bé chưa đầy 1 tuổi. Số bệnh nhi nặng đều phải điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức chống độc trong nhiều ngày mới qua cơn nguy hiểm.

 

Trẻ bị bệnh tay chân miệng đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh
Trẻ bị bệnh tay chân miệng đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh


Bác sĩ Đỗ Duy Bình (Khoa Hồi sức chống độc, BV Bệnh nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa) cho biết, từ đầu năm đến giữa tháng 9, BV chưa tiếp nhận ca bệnh tay chân miệng nào chuyển độ 2. Nhưng gần đây, cùng lúc nhiều bệnh nhi nhập viện ở độ nặng 2B, điều trị rất khó khăn. Các cháu có biểu hiện sốt cao, mạch nhanh, co giật, nôn ói, rung chi; một trường hợp có dấu hiệu biến chứng thần kinh. “Theo chu kỳ của bệnh dịch này, thường 2 năm bệnh nặng lại xuất hiện 1 lần, năm nay rơi vào đúng chu kỳ 2 năm”, bác sĩ Bình nói.


Trên thực tế, đa số bệnh nhân tay chân miệng thường có biểu hiện rõ ràng là sốt và nổi nốt phỏng nước ở các vị trí: miệng, lòng bàn tay, chân, đầu gối và mông, dễ nhận biết. Tuy nhiên, không ít trẻ mắc bệnh nhưng biểu hiện bên ngoài không điển hình. Những trường hợp như vậy khó được phát hiện sớm, không được điều trị kịp thời rất dễ tiến triển nặng. Bà Nguyễn Thị Ánh Trinh (phường Phước Hòa, TP. Nha Trang) cho biết: “Tôi thấy con sốt, biếng ăn, trong miệng có hơi tấy đỏ và chảy nước dãi, nên nghĩ con viêm họng, cho uống thuốc nhưng không đỡ. Mấy ngày sau, thấy ở đầu gối và tay cháu có những chấm hồng nhỏ dưới da chứ không phỏng lên nên cứ nghĩ cháu nóng trong người phát ban như những lần ốm trước. Khi cháu khóc nhiều, co giật đưa đến BV xét nghiệm mới biết cháu bị tay chân miệng đã chuyển nặng”.


Theo số liệu của Trung tâm Y tế dự phòng, 9 tháng năm 2016, toàn tỉnh ghi nhận 468 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng. Tuy giảm 48,6% so với cùng kỳ năm 2015, nhưng gần đây lại xuất hiện nhiều ca nặng là rất đáng lo ngại. Tỷ lệ mắc bệnh giữa trẻ đi học và trẻ đang ở nhà tương đương nhau, thậm chí cả trẻ sơ sinh cũng mắc bệnh. Do đó, nguồn lây được nhận định là do người lớn mang mầm bệnh từ ngoài cộng đồng về lây cho trẻ hoặc trẻ tham gia vui chơi tại những nơi công cộng.


Bác sĩ Nguyễn Đông - Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới tỉnh khuyến cáo, thời điểm này chưa bước vào mùa của dịch tay chân miệng, nhưng phụ huynh cần chú ý, đặc biệt là thời điểm cuối năm nhiều dịch bệnh bùng phát cùng lúc, nhất là dịch sốt xuất huyết. Khi dịch chồng dịch, bệnh nhân có thể mắc song hành cùng lúc 2 đến 3 loại bệnh, việc điều trị sẽ vô cùng khó khăn. “Đây là vấn đề mà chúng tôi khuyến cáo phụ huynh, cũng như cơ sở y tế tuyến dưới và các phòng mạch tư nhân hết sức lưu ý, không được chủ quan khi trẻ mắc bệnh này”, bác sĩ Đông nhấn mạnh.


THÙY AN