Bộ Y tế vừa công bố Dự thảo về tổ chức hoạt động và giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu.
Bộ Y tế vừa công bố Dự thảo về tổ chức hoạt động và giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu.
Theo đó, dự thảo đề xuất, mỗi bác sĩ không được khám quá 35 người bệnh trong một ngày làm việc 8 tiếng; phòng điều trị không được kê quá 4 giường và đủ diện tích theo quy định; đảm bảo nhân lực và các trang thiết bị y tế kèm theo.
Ảnh minh họa |
Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, hiện nay không có cách gì giám sát thời gian khám bệnh của bác sĩ theo đúng hướng dẫn tối thiểu là 10 phút/bệnh nhân. Do đó, với con số 35 -50 bệnh nhân/ngày, mỗi bệnh nhân tối thiểu sẽ được bác sĩ hỏi bệnh, chẩn đoán, tư vấn trong 5 phút chứ không phải 1, 2 phút.
Ngoài ra, cũng theo dự thảo, các bệnh viện được tự quyết định mức giá khám, chữa bệnh theo yêu cầu với các yếu tố cấu thành gồm: chi phí trực tiếp, tiền lương, chi phí quản lý, khấu hao, tích lũy mở rộng phát triển kỹ thuật… Riêng giá khám bệnh, ngày giường không được vượt quá mức giá tối đa do bộ quy định. Cụ thể, giá trần khám theo yêu cầu được áp dụng theo các mức sau: tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh 200.000 đồng; tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ 150.000 đồng và các tỉnh thành còn lại 100.000 đồng. Tương tự, giá ngày giường cũng dao động trong khoảng từ 300.000 đến 2,4 triệu đồng theo 3 nhóm địa phương trên và theo số giường bệnh trong một phòng.
Dự thảo cũng đề xuất không để người bệnh nằm ghép, đảm bảo đủ số giường cho người không sử dụng phòng điều trị theo yêu cầu. Trường hợp bệnh viện đã kê thêm giường bệnh nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu cho người bệnh bảo hiểm y tế và luôn có từ trên 10% số giường bệnh phải nằm ghép 2, không được tổ chức các buồng bệnh theo yêu cầu tại các khoa điều trị hiện có.
Để giảm thời gian và lưu lượng người chờ khám bệnh tại khoa khám bệnh của các bệnh viện hiện có công suất sử dụng giường bệnh quá cao, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, mỗi bác sĩ khám bệnh không quá 35 người/ngày vào năm 2020.
G.C