11:10, 02/10/2016

Khánh Vĩnh: Phát huy vai trò của y tế thôn bản

Toàn huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) có 256 nhân viên y tế, trong đó có 52 nhân viên y tế thôn bản. Tuy địa hình vùng núi nhiều trắc trở, nhận thức của người dân chưa cao, nhưng các nhân viên y tế thôn bản tại đây vẫn luôn nỗ lực nhằm hỗ trợ người dân phòng, chữa bệnh tốt nhất.

Toàn huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) có 256 nhân viên y tế, trong đó có 52 nhân viên y tế thôn bản. Tuy địa hình vùng núi nhiều trắc trở, nhận thức của người dân chưa cao, nhưng các nhân viên y tế thôn bản tại đây vẫn luôn nỗ lực nhằm hỗ trợ người dân phòng, chữa bệnh tốt nhất.


Chị Cao Thị Huệ (thôn Hòn Dù, xã Khánh Nam) kể, khi mang thai, do ăn uống thiếu thốn nên con chị sinh ra chỉ nặng 2,4kg; không biết cách chăm sóc nên khi được 1 tháng tuổi cháu bị suy dinh dưỡng và ốm nặng. Tuần nào các nhân viên y tế thôn bản cũng đến nhà hướng dẫn chị về cách chăm sóc sức khỏe cho bé và gia đình. Nhờ đó hiện nay, bé đã nặng 9,5kg (19 tháng tuổi), không còn bị suy dinh dưỡng.

 

Nhân viên y tế thôn bản kết hợp với cán bộ y tế kiểm tra lăng quăng tại một hộ ở huyện Khánh Vĩnh
Nhân viên y tế thôn bản kết hợp với cán bộ y tế kiểm tra lăng quăng tại một hộ ở huyện Khánh Vĩnh


Chị Cao Thị Nghiệm (xã Khánh Trung) cho biết: “Nhờ các chị y tế thôn bản hướng dẫn thường xuyên đến nhà để tuyên truyền, hướng dẫn về cách phòng, chống bệnh sốt xuất huyết và sốt rét nên bây giờ tôi đã biết muỗi là nguyên nhân gây nên bệnh sốt rét và sốt xuất huyết. Để không mắc bệnh, phải vệ sinh sạch sẽ nhà cửa, không để nước đọng ở xung quanh nhà, ngủ phải mắc màn…”.


18 năm gắn bó với y tế thôn bản, bà Đặng Thị Thúy (thôn Hòn Dù, xã Khánh Nam) nắm rõ tình hình sức khỏe của người dân trong thôn. Bà thường xuyên sắp xếp thời gian để đi thông báo lịch tiêm chủng, uống vitamin A cho trẻ dưới 5 tuổi, nắm tình hình dịch bệnh để báo cho trạm y tế xã, cung cấp những kiến thức giáo dục sức khỏe giúp người dân nâng cao nhận thức về phòng bệnh… Tuy mức trợ cấp mỗi tháng chỉ vài trăm nghìn đồng nhưng bà Thúy và các nhân viên y tế thôn bản khác vẫn nhiệt tình với công việc của mình. “Những ngày đầu khi làm công việc này, tôi và các đồng nghiệp khác cũng nản lắm. Do thiếu kiến thức, đồng bào dân tộc thiểu số không chịu đến cơ sở y tế khám bệnh mà cứ tìm thầy lang để chữa. Chúng tôi phải tuyên truyền, làm công tác tư tưởng liên tục theo kiểu mưa dầm thấm lâu. Nhờ được tác động thường xuyên, đồng thời những năm gần đây được tiếp cận kiến thức qua các phương tiện truyền thông nên ý thức phòng bệnh của người dân được cải thiện nhiều. Giờ đây, khi bị bệnh, họ đều đến trạm y tế”, bà Thúy nói.


Ông Nguyễn Hùng Hoàng - Trưởng phòng Y tế huyện Khánh Vĩnh cho biết: “Do cuộc sống thiếu thốn, kiến thức còn hạn chế nên đồng bào dân tộc thiểu số ít quan tâm đến việc phòng, chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe cho bản thân. Trước đây, khi mắc bệnh, nhiều người dân tự chữa trị thay vì đến các cơ sở y tế, điều này gây khó khăn cho các tuyến y tế cơ sở. Song, nhờ có đội ngũ nhân viên y tế thôn bản mà tình trạng này đã được cải thiện đáng kể”.


Nhờ công tác vận động, tuyên truyền của đội ngũ nhân viên y tế thôn bản, hàng năm, tỷ lệ trẻ ở huyện Khánh Vĩnh được tiêm chủng phòng bệnh luôn đạt hơn 90%, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm đáng kể. Riêng năm 2015, tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ ở huyện Khánh Vĩnh đạt hơn 95%, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng 30,8%. 8 tháng năm 2016, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm còn 29,7%; tổng số ca mắc sốt rét của toàn huyện giảm hơn 34% so với cùng kỳ.


Tuy nhiên, để phát huy hết vai trò của đội ngũ những người làm công tác y tế thôn bản, Nhà nước cần có thêm chính sách hỗ trợ, bởi mức trợ cấp hiện nay khá thấp.


 B.N