Hiện nay, nhà vệ sinh của các bệnh viện trong tỉnh Khánh Hòa đã đạt được nhiều tiêu chí so với quy định trong Bộ tiêu chí quản lý chất lượng bệnh viện của Bộ Y tế ban hành năm 2013.
Hiện nay, nhà vệ sinh của các bệnh viện (BV) trong tỉnh Khánh Hòa đã đạt được nhiều tiêu chí so với quy định trong Bộ tiêu chí quản lý chất lượng BV của Bộ Y tế ban hành năm 2013. Tuy nhiên, để giữ sạch nhà vệ sinh BV, cần nâng cao ý thức của người sử dụng.
2 khối nhà 8 tầng và 6 tầng của BV Đa khoa (BVĐK) khu vực Cam Ranh được xây mới hơn 3 năm. Tất cả các phòng bệnh (5 - 6 giường bệnh/phòng) đều có nhà vệ sinh; bên trong được trang bị tương đối đầy đủ với bồn rửa tay, bệ cầu, thùng rác có nắp đậy, giấy vệ sinh, gương soi. BVĐK tỉnh và các BV tuyến huyện như: Ninh Diêm, Diên Khánh, Vạn Ninh, Cam Lâm… cũng mới được xây mới vài năm, nhà vệ sinh được bố trí trong phòng bệnh nên công suất sử dụng không nhiều, được lau chùi ngày 2, 3 lần nên tương đối sạch, ít có mùi hôi.
Hộ lý Bệnh viện Đa khoa khu vực Cam Ranh đang dọn nhà vệ sinh |
So với các quy định trong Bộ tiêu chí quản lý chất lượng BV của Bộ Y tế ban hành năm 2013, yêu cầu nhà vệ sinh phải có: giấy, bồn rửa tay, xà phòng (nước rửa tay), dung dịch sát khuẩn, có gương, không có mùi, đảm bảo 7 - 11 giường bệnh/1 nhà vệ sinh, thì nhà vệ sinh của các BV trong tỉnh đã đạt được nhiều tiêu chí. Tuy nhiên, đó mới chỉ là các nhà vệ sinh nằm trong phòng bệnh, còn những nhà vệ sinh công cộng thì đạt rất ít và còn bẩn.
Nền nhà của 2 nhà vệ sinh nằm ở tầng trệt Khoa Khám, BVĐK tỉnh luôn trong tình trạng ẩm ướt; bồn rửa tay đã cũ, trong phòng không có xà phòng rửa tay, giấy vệ sinh, thỉnh thoảng có mùi hôi. Được xây chưa lâu, nhưng 4 nhà vệ sinh công cộng của BV đặt bên hông khu nhà 12 tầng đã có 2 nhà bị hỏng, cửa khóa; hệ thống ống nước bị rỉ chảy ướt khu vực đường đi chung; có nhiều mùi hôi khi bước vào… Tương tự, khu nhà vệ sinh công cộng của Khoa Sản, BVĐK khu vực Cam Ranh cũng xuống cấp. Do hệ thống thoát nước quá cũ nên thỉnh thoảng nước thải trào ngược gây ngập nền nhà, có mùi hôi khó chịu.
Tiếp xúc với nhiều bệnh nhân và người nuôi bệnh tại một số BV trong tỉnh, chúng tôi được biết, tuy các hộ lý lau dọn nhà vệ sinh thường xuyên, nhưng ý thức của một số người sử dụng chưa cao, có người đổ cơm thừa, canh cặn vào bồn rửa mặt làm bồn nghẹt, có người vứt giấy vệ sinh bừa bãi… Theo thống kê của BVĐK khu vực Cam Ranh, 6 tháng đầu năm, BV đã thực hiện thông tắc nhà vệ sinh 258 lần, thay 6 lavabo và 4 bệ cầu với tổng số tiền gần 60 triệu đồng. Còn tại Khoa Khám, BVĐK tỉnh, do lượng người đến khám đông (bình quân 700 lượt người), nên mỗi ngày, các hộ lý phải lau dọn nhà vệ sinh 4 - 5 lần, mỗi lần cách nhau 2 tiếng đồng hồ. Trong khi đó, cả khoa chỉ có 3 hộ lý, đảm trách lau dọn 3 tầng, trong đó có 13 nhà vệ sinh. “Lau dọn xong, nhưng khoảng 30 phút chúng tôi phải quay lại các nhà vệ sinh để dội nước. Vì có rất nhiều người thiếu ý thức sử dụng mà không chịu dội. Chưa kể, có nhiều người còn đi tiểu trên nền nhà, chuyện vứt giấy vệ sinh bừa bãi thì xảy ra như cơm bữa. Do đây là khu vực khám bệnh, người ra vô thường xuyên nên chúng tôi không thể nhắc nhở từng người như các khoa điều trị nội trú”, hộ lý Nguyễn Thị Nguyệt nói.
Bác sĩ Nguyễn Văn Xáng - Giám đốc BVĐK tỉnh cho biết, toàn BV có khoảng 150 hộ lý làm công việc dọn dẹp vệ sinh. Tổng số nhà vệ sinh của BV khoảng 230 cái, trong đó có 30 nhà vệ sinh công cộng. Cách đây 4 năm, để công tác vệ sinh tại BV đảm bảo theo yêu cầu, BV đã thuê công ty vệ sinh bên ngoài. Tuy nhiên, do kinh phí quá lớn nên BV đành hủy hợp đồng và chỉ đạo các khoa, phòng phải tăng cường công tác vệ sinh. Còn bác sĩ Nguyễn Hồng Quang - Giám đốc BVĐK khu vực Cam Ranh cho biết: “Khi Bộ tiêu chí quản lý chất lượng BV ra đời, BV đã có ý định thuê mướn và giao khoán phần dọn dẹp vệ sinh cho các công ty vệ sinh công nghiệp, nhưng tại TP. Cam Ranh đến thời điểm này chưa có công ty chuyên làm dịch vụ này”.
Có thể nói, để giữ vệ sinh chung, bên cạnh sự nỗ lực của các BV, thì rất cần ý thức của người bệnh, người nuôi bệnh. Ngoài ra, Bộ Y tế, Sở Y tế cần có sự quan tâm, đầu tư xây mới những khu vực điều trị đã xuống cấp ở một số BV.
T. L